Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo về giải pháp triển khai mô hình dây chuyền công nghệ chậm chín trái mãng cầu 

Cập nhật ngày: 06/07/2023 - 09:06

BTNO - Sáng 5.7, UBND thành phố Tây Ninh tổ chức hội thảo về giải pháp triển khai mô hình dây chuyền công nghệ chậm chín thông qua quy trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản trái mãng cầu ta.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND Thành phố và bà Vũ Thị Hà- Phó trưởng bộ môn Canh tác, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ đồng chủ trì hội thảo.

Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các phòng ban, cơ quan chuyên môn Thành phố, hợp tác xã nông nghiệp và đại diện các hộ gia đình trồng mãng cầu trên địa bàn xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh.

Theo thống kê, Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu ta lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở các xã ven chân núi Bà Đen và các vùng phụ cận. Hằng năm cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 35.000 đến 40.000 tấn mãng cầu.

Thành phố Tây Ninh được UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng nhà máy xử lý bảo quản chậm chín và nhà máy sản xuất đóng hộp nước mãng cầu trên địa bàn xã Thạnh Tân. Hiện Thành phố đã hoàn thành hạng mục nhà xưởng; tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp thực hiện các hạng mục còn lại để sớm đưa vào hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh – Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu và chuyên gia đã trao đổi, phân tích về tính khả thi của mô hình dây chuyền công nghệ chậm chín khi áp dụng vào thực tế có quy mô lớn. Trong đó, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về quy trình thu hoạch, vận chuyển, xử lý, bảo quản, đầu ra của sản phẩm và các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư...

Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, qua ý kiến của các chuyên gia, các sở, ngành, các đơn vị tham dự hội thảo, có thể nhận định dây chuyền công nghệ chậm chín thông qua quy trình thu hoạch, sơ chế và bảo quản trái mãng cầu ta chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu; để triển khai ứng dụng vào thực tế, phải qua quá trình thử nghiệm, đánh giá kết quả lợi ích kinh tế.

Do đó, trong thời điểm này, việc triển khai mô hình cho dự án hỗ trợ xây dựng nhà máy xử lý bảo quản chậm chín, nhà máy sản xuất đóng họp nước mãng cầu và cơ sở hạ tầng (Hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu) là chưa đủ cơ sở để thực hiện.

UBND thành phố sẽ ngưng triển khai dây chuyền đến khi nào UBND tỉnh cho chủ trương thí điểm đề tài, UBND thành phố sẽ tiếp tục xem xét, triển khai.

Trước mắt, UBND thành phố sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục tiếp theo của dự án để phát huy hiệu quả những hạng mục nhà xưởng đã đầu tư. UBND thành phố kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ sớm đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện thí điểm, để đánh giá hiệu quả của đề tài, sớm đưa vào áp dụng vào thực tế.

Hà Nam