Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Hội thảo về giải pháp xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến tinh bột mì: Sẽ có nhiều nhà máy thực hiện dự án CDM
2009-06-22 08:33:00

Đến năm 2010, tỉnh ta sẽ có nhiều nhà máy xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chế biến tinh bột mì theo mô hình dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mechanism).

Một nhà máy xử lý nước thải lò mì thuộc dự án CDM ở Tây Ninh

Theo một cán bộ Sở Tài nguyên & Môi trường, đến năm 2010, tỉnh ta sẽ có nhiều nhà máy xây dựng hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chế biến tinh bột mì theo mô hình dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch - Clean Development Mechanism). Hiện tại, dự án này bắt đầu được triển khai ở một số nơi trong tỉnh. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, dự án CDM vẫn còn khá xa lạ. Đây cũng là một trong những lý do mà ngành chức năng và nhà đầu tư nước ngoài (Trung tâm Phát triển vùng Nhật Bản) tổ chức buổi hội thảo hôm 22.6 bàn về giải pháp xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến tinh bột mì trong tỉnh.

Năm 1997, Nghị định thư Kyoto (về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu) ra đời bắt buộc những quốc gia công nghiệp hoá phải cắt giảm phát thải khí nhà kính xuống 5% so với mức phát thải tại thời điểm năm 1990. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, việc cắt giảm 5% mức phát thải khí nhà kính sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như tốn nhiều kinh phí để thay đổi công nghệ, máy móc. Để tạo điều kiện cho các nước phát triển thực hiện tốt việc giảm mức phát thải khí nhà kính, Nghị định thư Kyoto đã đưa ra “3 cơ chế mềm dẻo”: Cơ chế đồng thực hiện (Joint Implementation, viết tắt là JI), cơ chế buôn bán quyền phát thải quốc tế (International Emission Trade, viết tắt là IET) và cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism, viết tắt là CDM).

Cơ chế CDM đã tạo cơ hội để các nước đang phát triển đón nhận sự đầu tư về bảo vệ môi trường từ các nước phát triển, đồng thời tạo thuận lợi cho các nước phát triển đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình thông qua các dự án triển khai tại các nước đang phát triển. Đổi lại, các doanh nghiệp đầu tư nhận được chứng chỉ giảm phát thải đã được công nhận (CERs) để áp dụng vào chỉ tiêu cắt giảm phát thải ở quốc gia mình. CERs được tính giá trị bằng tiền từ những lợi ích môi trường đã đạt được và có thể bán ra thị trường.

Hiện đã có nhiều chuyên gia của các nhà đầu tư nước ngoài đến khảo sát, mời gọi hợp tác đầu tư thực hiện dự án CDM trong việc xử lý chất thải sản xuất tại các nhà máy chế biến tinh bột mì và chế biến mủ cao su. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vốn (một phần hoặc toàn bộ), công nghệ, trang thiết bị… để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải thu hồi khí gas phục vụ sản xuất tại chỗ hoặc bán ra ngoài. Có thể nói, CDM là một dự án mang lại lợi ích hợp lý cho cả hai bên: Các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các nhà máy xử lý chất thải sẽ thu được khí ga để bán cho các nhà máy và đạt được CERs để bán trên thị trường các nước phát triển. Còn các doanh nghiệp nội địa sẽ được “tặng” hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất mà không phải bỏ vốn đầu tư hoặc chỉ bỏ một phần vốn, đồng thời tiết kiệm được chi phí nhiên liệu bởi sử dụng khí gas để sản xuất rẻ hơn xăng, dầu.

HOÀNG THI

Từ khóa:
Tin liên quan