BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội thảo về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Cập nhật ngày: 27/05/2011 - 07:02

Sản xuất sạch hơn áp dụng được cho mọi doanh nghiệp

Ngày 25.5.2011, Sở Công thương và Trung tâm Khuyến công- Tư vấn phát triển Công nghiệp Tây Ninh tổ chức hội thảo giới thiệu về sản xuất sạch hơn cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Sở Công thương cho biết, hội thảo này hướng dẫn và hỗ trợ phòng công thương, phòng kinh tế các huyện, các ngành có liên quan và các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7.9.2009 với mục tiêu áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính như: Giới thiệu, phổ biến cơ chế hỗ trợ thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020 và các văn bản Nhà nước quy định về SXSH; thực trạng phát triển công nghiệp, các vấn đề về môi trường công nghiệp và tiềm năng áp dụng SXSH tại Tây Ninh; giới thiệu, trình bày các kỹ thuật áp dụng SXSH cho doanh nghiệp; giới thiệu một số mô hình điển hình SXSH; giới thiệu cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động SXSH tại tỉnh nhà…

Các chuyên gia giới thiệu đặc điểm của SXSH: Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. SXSH không phải là một dự án ngắn hạn nhằm đổi mới công nghệ, thiết bị; cắt giảm chi phí sản xuất; cải thiện điều kiện môi trường. SXSH là công cụ quản lý để doanh nghiệp kiểm soát quá trình sản xuất tốt hơn; sử dụng có hiệu quả nguyên liệu, vật liệu và năng lượng; ngăn ngừa và giảm ô nhiễm ngay từ đầu nguồn; nâng cao năng suất, giảm chi phí vận hành; tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh; cải thiện môi trường làm việc; giảm tải lượng dòng thải và tuân thủ luật cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Tóm lại, việc áp dụng SXSH nhằm đạt sự hài hoà lợi ích kinh tế- môi trường- xã hội. Một điểm đáng lưu ý khác là SXSH thích hợp với mọi quy mô, từ doanh nghiệp gia đình cho tới tập đoàn đa quốc gia.

Trung tâm Khuyến công- Tư vấn phát triển Công nghiệp Tây Ninh cho biết: Hiện trong tỉnh có 7.677 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 3.215 DN chế biến sản xuất lương thực thực phẩm và đồ uống; 48 DN sản xuất, chế biến sản phẩm cao su; 325 DN sản xuất sản phẩm chất khoáng phi kim loại; 925 DN sản xuất các sản phẩm phi kim loại; 1.469 DN sản xuất chế biến gỗ và lâm sản. Các phân ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao là dệt, may, sơ chế da, sản xuất chất khoáng phi kim loại, công nghiệp chế biến đường, cao su, củ mì, Clinker Portlan, sản phẩm bằng kim loại.

Khói đen cuồn cuộn từ một “lò gạch công nghệ mới”

Việc phơi xác mì sau sản xuất tinh bột làm ô nhiễm nặng nề môi trường xung quanh

Tây Ninh tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố và ban hành những cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp tỉnh nhà; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Dù vậy, Tây Ninh hiện chưa là địa phương “hấp dẫn” được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường bởi nhận thức về bảo vệ môi trường của nhiều DN và cơ sở sản xuất công nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số DN còn hình thành một cách tự phát, xây dựng nhà xưởng nằm rải rác trong khu dân cư, trong khi kết cấu hạ tầng, kỹ thuật của các KCN tập trung chưa hoàn chỉnh. Những nguyên nhân này làm cho quá trình áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các DN gặp khó khăn. Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư doanh nghiệp để xử lý ô nhiễm không kịp thời nên chưa khuyến khích nhiều DN tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.

Theo Trung tâm Khuyến công- Tư vấn phát triển Công nghiệp Tây Ninh, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt ngày 3.12.2003 là văn bản quan trọng trong việc định hướng công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, một số mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 như: Đến 2015, có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, tiết kiệm được 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu trên từng sản phẩm. Trong giai đoạn từ năm 2016- 2020, có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH; 50% cơ sở áp dụng SXSH, tiết kiệm được 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu trên từng sản phẩm; 90% DN vừa và lớn có đầu mối chuyên trách về SXSH.

ĐÌNH CHUNG

 


 
Liên kết hữu ích