Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Hội thảo về xử lý nước thải trong chế biến khoai mì
Thứ hai: 05:12 ngày 02/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện toàn tỉnh có trên 1.000 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất (gọi tắt là cơ sở sản xuất) đang hoạt động. Trong đó có khoảng 150 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hội thảo do Sở TN&MT Tây Ninh phối hợp cùng Viện Môi trường và Tài nguyên- Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu thuỷ lợi và tài nguyên nước - Đại học kỹ thuật Braunschweig (Công hoà liên bang Đức) tổ chức. Tham dự hội thảo có nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh tinh bột mì ở Tây Ninh.

Đại biểu tham dự hội thảo

Ông Nguyễn Hoàng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 1.000 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất (gọi tắt là cơ sở sản xuất) đang hoạt động. Trong đó có khoảng 150 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường gồm: 90 cơ sở chế biến khoai mì với tổng công suất khoảng 1.500 tấn sản phẩm/ngày, có tổng lưu lượng nước thải lên đến 15.000 m3/ngày. Các cơ sở chế biến tinh bột mì chủ yếu toạ lạc tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, Hoà Thành và Thị xã. Nhiều cơ sở đã cố gắng triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quy định do kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải quá lớn, nhiều cơ sở sản xuất không đủ khả năng thực hiện. Hầu hết các công trình xử lý nước thải của các cơ sở là các ao sinh học không chống thấm nên có nguy cơ gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ở một số nơi đã có hiện tượng ô nhiễm mạch nước ngầm do hoạt động của các cơ sở sản xuất gây ra.

Hệ thống xử lý “hậu” biogas đang vận hành thử nghiệm ở một nhà máy mì

Đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh có khoảng 20 cơ sở đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp kỵ khí biogas. Việc đầu tư hệ thống biogas sẽ được 2 cái lợi: thứ nhất là hạn chế gây ô nhiễm môi trường không khí và môi trường nước, thứ hai sẽ tiết kiệm được tiền nhiên liệu khi sử dụng khí gas để vận hành thiết bị chế biến tinh bột mì.

Hằng năm, Sở TN&MT tổ chức phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của Bộ TN&MT. Từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 5 nhà máy chế biến khoai mì, 6 cụm lò mì rấm với 27 cơ sở; năm 2008 có 19 nhà máy chế biến khoai mì nằm trong danh sách phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; năm 2009 có 8 nhà máy, năm 2010 có 7 cơ sở và năm 2012 dự kiến có 3 cơ sở bị buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, do thành phần và tính chất của nước thải chế biến tinh bột khoai mì có nồng độ ô nhiễm hữu cơ cao nên giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu ô nhiễm là sử dụng phương pháp xử lý sinh học kỵ khí (biogas), có thể làm giảm được 90% nồng độ các chất ô nhiễm. Sau đó áp dụng công nghệ xử lý sinh học hiếu khí để “làm sạch” các chất bẩn còn lại.

Tại hội thảo, Giáo sư – Tiến sĩ Joachim Fettig (CHLB Đức) đã trình bày khái quát về hệ thống thí điểm xử lý nước thải tinh bột khoai mì tại Tây Ninh và ý tưởng cho một hệ thống xử lý thực tế của CHLB Đức. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước và Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng (Viện Môi trường và Tài nguyên) trình bày ứng dụng công nghệ hybrid xử lý nước thải tinh bột mì. Các chuyên gia và các doanh nghiệp chế biến tinh bột mì cũng thảo luận về CDM (cơ chế phát triển sạch) và dự án CDM trong công nghệ xử lý nước thải tinh bột khoai mì tại Việt Nam; khả năng áp dụng dự án CDM cho các nhà máy chế biến bột mì ở Tây Ninh…

ĐÌNH CHUNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục