Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội Thập Đình - Tôn vinh Trạng nguyên Lê Văn Thịnh
Thứ bảy: 12:55 ngày 17/03/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo tục lệ truyền thống, cứ vào các năm Thân, Tý, Thìn là người dân ở các làng này lại tổ chức rước kiệu về tụ hội và tế lễ tại Đình Cả (thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, Gia Bình)

Hội Thập Đình từng nổi tiếng trong dân gian, là hội đình của 10 làng thờ Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh, nằm quanh núi Thiên Thai và ven bờ sông Đuống. Theo tục lệ truyền thống, cứ vào các năm Thân, Tý, Thìn là người dân ở các làng này lại tổ chức rước kiệu về tụ hội và tế lễ tại Đình Cả (thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, Gia Bình).

Du khách tham quan đền thờ danh nhân Lê Văn Thịnh.

Đây là dịp để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân là Doãn Công (tương truyền Doãn Công là tướng của Hai Bà Trưng) và Trạng nguyên Lê Văn Thịnh là hiền tài của đất nước, tên tuổi của ông đã được sử sách lưu danh, nhân dân nhiều nơi tôn vinh thờ phụng.

10 làng thuộc hội Thập đình gồm: Bảo Tháp, Cứu Sơn, Yên Việt, Hiệp Sơn, Đông Cao (xã Đông Cứu), Hương Vinh (thị trấn Gia Bình), Chi Nhị (Song Giang), Huề Đông, Địch Chung (xã Đại Lai) và thôn Vân Xá (xã Cách Bi, huyện Quế Võ). Những làng trên lại được phân thành ngũ đình nội (là những đình thờ cả hai vị Thành hoàng là Doãn Công và Lê Văn Thịnh) và ngũ đình ngoại (là những làng chỉ thờ một trong hai vị Thành hoàng làng).

Đình Cả - Khu vực trung tâm của lễ hội Thập đình.

Đại diện Phòng VHTT huyện Gia Bình khẳng định: Năm nay, lễ hội Thập đình được tổ chức không chỉ có ý nghĩa tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho các tầng lớp nhân dân và tôn vinh công lao to lớn của các bậc tiền nhân có công với dân với nước mà còn là dịp để quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư về xây dựng Khu du lịch sinh thái Thiên Thai gắn với du lịch tâm linh đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, nhằm thỏa mãn nhu cầu, lòng ngưỡng mộ của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Theo thông tin từ BTC lễ hội Thập đình thì năm nay, lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày từ chiều ngày 5-2 đến trưa ngày 7-2 âm lịch. Chiều ngày 5-2, các làng tổ chức rước thần khí, sắc phong từ đình làng mình về tụ hội tại Đình Cả. Ngày chính hội 6-2, đoàn rước của các làng xếp theo thứ tự từ ngũ đình nội đến ngũ đình ngoại tổ chức rước về khu vực trung tâm lễ hội tại Đình Cả. Đoàn rước có khoảng hơn 1000 người tham gia và được thực hiện trang nghiêm theo đúng nghi lễ truyền thống.

Sau khi đoàn rước tập trung đông đủ về đến Đình Cả, các làng bắt đầu hành lễ: khai chiêng trống, lễ dâng hương, đại diện người cao tuổi các thôn làm lễ tế cộng đồng. Việc tập trung các đoàn rước của 10 làng đã được BTC họp bàn, xây dựng kế hoạch với 2 phương án cụ thể để vừa giúp phân luồng giao thông vừa bảo đảm tính trang nghiêm, giữ gìn an ninh trật tự,  và an toàn cho lễ hội.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động thi đấu TDTT lành mạnh, văn minh như: cờ tướng, bóng chuyền, cầu lông, biểu diễn dưỡng sinh của các CLB Người cao tuổi cùng các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc như: hát Quan họ, tuồng, chèo... và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác.

Về trảy hội Thập Đình, sau khi dâng hương hoa, lễ vật tế Thánh, du khách sẽ đến tham quan đền thờ Lê Văn Thịnh, tìm hiểu lịch sử cùng những giá trị nhân văn cao đẹp về một bậc tiền nhân tài cao đức trọng nổi tiếng của dân tộc; được hòa mình vào không gian lễ hội giàu bản sắc truyền thống và lên đỉnh Thiên Thai huyền thoại cảm nhận những nét tươi, mới của quê hương Gia Bình đang từng ngày vươn lên đổi mới.

Đ.T (st)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục