Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 13 năm 2022-2023: Cái “bắt tay” của trí thức và nông dân
Thứ năm: 22:47 ngày 16/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hội thi cũng là nơi để lực lượng trí thức Khoa học và Công nghệ cùng lực lượng sáng tạo không chuyên từ nông dân phát huy tiềm năng, trí tuệ và đam mê trên mảnh đất quê nhà.

Thụ phấn cho cây mãng cầu.

Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 13 năm 2022-2023 tiếp tục khẳng định là nơi hội tụ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, khơi dậy phong trào quần chúng tiến công vào khoa học kỹ thuật.

Nhiều giải pháp có giá trị cao

Một trong những nội dung tập trung nhiều giải pháp dự thi nhất và có khá nhiều giải thưởng (47 giải pháp dự thi, đạt 12 giải thưởng) là nhóm lĩnh vực “Nông, lâm, thuỷ sản, tài nguyên và môi trường”. Qua đó cho thấy các tác giả, nhóm tác giả đa dạng, phong phú thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi đã đóng góp tích cực vào việc áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh.

Cụ thể, giải pháp “Nuôi dế khép kín không ô nhiễm môi trường” (giải Nhì) của Nguyễn Thị Thuỳ Dương (huyện Bến Cầu) đã tạo được chuỗi liên kết trong phát triển nghề nuôi dế từ khâu nguyên liệu (trồng mì, lấy lá cho dế ăn), nuôi dế, nhân giống dế, chế biến (nhà xưởng sơ chế sản phẩm, kho dế đông lạnh)… với quy mô lớn (87 hồ nuôi dế) được xây dựng với kỹ thuật mới; qua đó nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế…

Nét đặc biệt của hội thi lần này là ở lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, ngoài lực lượng nông dân tham gia từ chính những sáng tạo mang tính trải nghiệm thực tiễn, đã có khá nhiều trí thức khoa học công nghệ là cán bộ, viên chức, đoàn viên thanh niên ở các cơ quan đơn vị, trung tâm nông nghiệp, trung tâm khoa học, doanh nghiệp… tham gia thông qua các mô hình, quy trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đã chuyển giao hiệu quả cho nông dân, mang tính ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, thể hiện cái “bắt tay” hợp tác chặt chẽ giữa trí thức và lực lượng sáng tạo không chuyên.

Điển hình như giải pháp “Hiệu quả mô hình nuôi cà cuống theo hệ thống tuần hoàn” (giải Ba) của nông dân Nguyễn Hữu Đức (thị xã Trảng Bàng) và Nguyễn Thị Hồng Loan (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh), là mô hình nhân nuôi cà cuống giống, cà cuống thương phẩm và bán trứng ếch giống bằng cách nuôi ếch bố mẹ để tạo ra nòng nọc làm thức ăn cho cà cuống theo hướng tuần hoàn khép kín, phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Mô hình được xem là đối tượng vật nuôi mới vừa có giá trị dược liệu vừa có giá trị thực phẩm có nhiều tiềm năng phát triển.

Trang trại nuôi cà cuống theo hệ thống tuần hoàn.

Giải pháp “Nuôi thử nghiệm ốc núi Bà Đen sinh sản trong môi trường cận tự nhiên, đạt hiệu quả cao” (giải Ba) của nhóm tác giả: Ngô Trần Ngọc Quốc (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ), Lê Ngọc Hoà (Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh), Nguyễn Thị Thu Hiền (Hội Nông dân thị xã Hoà Thành) đã xây dựng được quy trình nuôi ốc núi Bà Đen sinh sản trong môi trường cận tự nhiên, làm tăng khả năng sinh sản (từ 1 lên 2 lần/năm), qua đó cung cấp nguồn giống ốc núi và ốc thương phẩm phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo tồn loài ốc quý hiếm, đặc hữu, có giá trị của Tây Ninh theo hướng bền vững.

 Hay như mô hình “Nuôi cá rô đồng kết hợp lúa - Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích” (giải Ba) của nhóm tác giả Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh (Hà Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hải Đường, Hồ Ngọc Trâm), bước đầu hướng tới xây dựng quy trình canh tác lúa hữu cơ xen cá rô đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Giải pháp “Hiệu quả mô hình canh tác, liên kết sản xuất dưa lưới Fagri tại Công ty TNHH Nông nghiệp Tương Lai (huyện Tân Biên)” (giải Ba) của Đặng Hữu Nghĩa (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) và Phạm Thị Thu Hiền (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) là mô hình áp dụng công nghệ cao (sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý đất, đưa ong mật vào trong nhà màng để giúp thụ phấn cho hoa…) cùng với thực hiện chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; qua đó dưa lưới Fargi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP 3 sao, có mặt trong các siêu thị, cửa hàng Bách Hoá Xanh…

Chăm sóc vườn dưa lưới Fagri.

Giải pháp “Cải tiến, ứng dụng quy trình kỹ thuật thụ phấn nhân tạo và chăm sóc cây mãng cầu Bà Đen thích ứng với điều kiện tự nhiên tại tỉnh Tây Ninh” (giải Ba) của nhóm tác giả: Đặng Hồng Thanh (Chi hội nghề nghiệp mãng cầu Bà Đen xã Thạnh Tân - TP. Tây Ninh), Mai Thái Dương (Hội Nông dân tỉnh), Nguyễn Thanh Dương (Hội Nông dân xã Thạnh Tân) ứng dụng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo giúp khắc phục tình trạng mãng cầu khó đậu trái vào những mùa mưa nhiều, những tháng cao điểm mùa nắng nóng; đồng thời đối phó hiệu quả với côn trùng, nhất là bọ vòi voi tấn công phá hoại hoa, làm tăng khả năng đậu trái, nâng cao sản lượng và tạo dáng đẹp cho trái mãng cầu, mang đến hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra còn các giải pháp khác như “Ứng dụng quy trình sản xuất trứng nước (Moina) dựa theo quy luật tuần hoàn làm thức ăn cho cá bột, chạch lấu giai đoạn 4-15 ngày tuổi”; “Ứng dụng kỹ thuật nhân giống lươn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”; “Sử dụng phân đạm hữu cơ thay thế một phần phân đạm vô cơ trong canh tác bí đỏ trên vùng đất cát pha tỉnh Tây Ninh” hay “Mô hình nuôi cà cuống thương phẩm bán tự động quy mô công nghiệp hiệu suất cao”… đều là kết quả của sự hợp tác, chuyển giao công nghệ rất hiệu quả của lực lượng trí thức KH&CN và nông dân.

Tâm huyết và đam mê

Các giải pháp đạt giải tại hội thi đều có ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng sáng tạo khoa học - kỹ thuật, đáp ứng 3 tiêu chí đánh giá phù hợp với thể lệ của hội thi là: tính mới, tính sáng tạo; hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng triển khai, ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Những tác giả tham gia hội thi hầu hết là lực lượng sáng tạo không chuyên nhưng đều rất “tâm huyết, đam mê”. Nhóm tác giả Trường cao đẳng Nghề ở hội thi lần thứ 12 đã đạt giải Nhì với giải pháp “Máy phay CNC 4 trục” tiếp tục nghiên cứu từ ứng dụng thực tiễn trong 2 năm qua để cho ra đời giải pháp “Máy phay CNC tích hợp laser” và tiếp tục đạt giải cao nhất ở Hội thi lần thứ 13 (giải Nhì, không có giải Nhất). Hay như Thạc sĩ Mai Thái Dương (Hội Nông dân tỉnh) trong những năm qua đều đạt nhiều giải thưởng khi cộng tác với nông dân từ những ngày còn là cán bộ của Trung tâm Khuyến nông huyện Tân Biên.

Mỗi kỳ hội thi, anh đều có từ 2-3 giải pháp đạt giải với vai trò là tác giả hoặc đồng tác giả; đặc biệt, anh đã đạt giải C toàn quốc trong Cuộc thi “Sáng tạo vì cộng đồng”. Mai Thái Dương rất được nông dân tín nhiệm trong những hoạt động chuyển giao công nghệ. Nguyễn Thị Thuỳ Dương- Hiệu trưởng (khối tiểu học) Trường TH-THCS-THPT IGC Tây Ninh cũng tâm huyết với những đề tài nghiên cứu phương pháp giáo dục mới cho học sinh khối tiểu học.

Sau khi đạt giải Ba (giải pháp “Phát triển khả năng ứng dụng Toán tiểu học vào thực tiễn thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 5”) được nhiều giáo viên trong tỉnh chú ý, lần hội thi này, Thuỳ Dương tiếp tục đạt giải Ba với một đề tài khá “hot” của ngành Giáo dục “Dạy học theo định hướng STEAM” với nhiều hoạt động rất sinh động cho học sinh của trường.

Mô hình dạy học theo định hướng STEAM.

Một giải pháp khác cũng đạt “giải thưởng kép” là mô hình “Nuôi cà cuống tuần hoàn” được gia đình anh chị Nguyễn Hữu Đức - Hoàng Thị Hương (ấp Trảng Cỏ, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng) ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh: Dự án khởi nghiệp của anh chị đã đạt giải Ba cấp vùng (Nam bộ), giải Khuyến khích chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài năng bản địa” năm 2023.

Hải Âu

Hội thi có 109 giải pháp dự thi, phân bổ ở 7 lĩnh vực. Qua đó, có 23/109 giải pháp đạt giải, gồm: 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 10 giải Ba và 11 giải Khuyến khích. Đề tài dự thi tập trung ở những nội dung đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự tiến bộ KHCN của địa phương.

Tin cùng chuyên mục