BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồi ức của người mở cửa Khám đường Tây Ninh ngày 30.4

Cập nhật ngày: 29/04/2009 - 10:42

Ông Huỳnh Văn Thọ tặng quà cho các cháu học sinh trường Phước Bình 2

Hằng năm, đến dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường đăng tải, phát sóng rất nhiều bài viết, bài nói, hồi ký… kể lại những kỷ niệm sâu sắc,về những năm tháng hào hùng, những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Đâu đó cũng có những bài viết, ghi chép, tiếng nói của những người trong cuộc trước ngày 30.4.1975 họ ở “phía bên kia” nhưng chỉ sau vài tháng, vài năm, thậm chí vài ngày “học tập cải tạo tại chỗ” họ đã là công dân nước Việt Nam thống nhất.

Ông Huỳnh Văn Thọ, sinh năm 1940, hiện ngụ tại ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, Dương Minh Châu, Tây Ninh bồi hồi kể lại: “Hồi ấy, tôi đã trốn quân dịch nhiều lần, nhưng vẫn bị bắt đi lính, bị sung vào một đơn vị địa phương quân, sợ bị đưa ra trận; tôi nhờ người thân và cũng một phần nhờ có “tiền lót tay”, tôi được đi học lái ô tô, có bằng lái xe được điều động vào lái xe cho trại giam Chí Hoà. Gần một năm lái xe ở trại Chí Hoà, tôi xin về Tây Ninh (cũng phải nhờ người thân và… đút tiền), cuối năm 1973 tôi được điều về Khám đường Tây Ninh giữ nhiệm vụ “quản giáo”. Vì nhà ở Trảng Dài, lúc ấy là ấp Hiệp Bình, xã Hiệp Ninh, quận Phú Khương, nên tôi sáng đi làm, hết ca về nhà, mỗi ca trực 24 tiếng liên tục (cả ngày và đêm), hết ca được nghỉ 24 tiếng, sau đó lại trực 24 tiếng. Nhiệm vụ chính là đến giờ mở khoá cho tù (đủ loại, chủ yếu là tù không có án) đi “sinh hoạt” hay “học tập” theo lịch, hoặc đột xuất có cấp trên đến thì mở khoá theo lệnh.

Ngày 30.4.1975 đúng ca trực của tôi. 6 giờ 30 phút sáng, tôi đến nhận giao ca, gần trưa ông Nguyễn Văn Tình, Quản đốc Khám đường mở máy Radio nghe ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, và ra lệnh cho quân đội hạ khí giới, bàn giao cho Chính quyền Cách mạng. Ông Tình lệnh cho tôi không được rời vị trí (vì tôi đang nắm giữ toàn bộ chìa khoá cửa các phòng giam) chờ bàn giao cho quân giải phóng đến tiếp quản, ông Tình đóng cửa ở một mình trong phòng riêng. Đến gần 11 giờ ngày 30.4.1975, thấy rất nhiều người thân của người tù đến cổng Khám đường đòi thả tù, tôi chạy đến phòng Quản đốc Tình cấp báo. Thấy cửa khép hờ, tôi đẩy cửa bước vào thì trong phòng trống không, ông Quản đốc Khám đường Nguyễn Văn Tình đã bỏ trốn từ lúc nào tôi không hay biết. Lúc này tôi mới biết toàn bộ nhân viên trong Khám đường cũng đã trốn đâu mất hết, chỉ còn duy nhất mình tôi. Trước sức ép của rất nhiều người, tôi đã mở cổng Khám đường, và lần lượt mở khoá cửa gần 10 phòng giam cho hơn 800 người tù được tự do. Tôi biết hầu hết người tù tại đây bị quy cái tội “tiếp tế cho Việt cộng” nên bị bắt bỏ tù, trong đó có cả những người quen của tôi. Ngay sau khi mở khoá cửa các phòng giam, tôi cởi áo quần “quản giáo” hoà vào dòng người tìm đường về nhà ở Trảng Dài. Hôm sau ngày 1.5.1975, tôi cùng nhiều anh em làm việc trong chế độ Sài Gòn, cả sĩ quan và binh lính đến tại trụ sở “Uỷ ban Quân quản Tây Ninh” trong Toà tỉnh trưởng cũ trình diện. Sau đó tôi cũng như các công chức hành chính cũ được học tập cải tạo tại chỗ một năm, cứ 10 ngày học, 10 ngày nghỉ, sáng đi, chiều về. Hoàn toàn không có chuyện “trả thù”, “tắm máu” như những lời đồn đại trong những ngày sắp giải phóng. Hết thời hạn học tập, tôi được trả quyền công dân, được Chính quyền Cách mạng tạo điều kiện phát triển cuộc sống gia đình, và tin tưởng giao nhiệm vụ, như làm tổ trưởng tổ dân cư (sau này là Tổ dân cư tự quản), rồi Tập đoàn trưởng tập đoàn sản xuất trong nhiều năm. Nay đã 34 năm nhớ lại ngày ấy, ngày trọng đại của dân tộc, và tôi thấy mình còn có diễm phúc hơn nhiều người lầm đường lạc lối khác”.

Năm 1977, ông Huỳnh Văn Thọ đưa gia đình từ Hiệp Ninh vào lập nghiệp tại Suối Đá. Từ đó, ông liên tục tham gia nhiều hoạt động phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Hiện nay ông đang giữ nhiệm vụ Chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi ấp văn hoá Phước Bình 2.

NGUYỄN KHẮC LUÂN


 
Liên kết hữu ích