BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội viên nông dân hết lòng vì công tác Hội 

Cập nhật ngày: 20/03/2022 - 23:52

BTN - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên Nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

Tuyến đường giao thông nông thôn đo anh Nguyễn Trường Giang (ở giữa) cùng Hội Nông dân xã vận động hiến đất.

Chi hội trưởng tích cực hiến đất làm đường

Năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng vinh dự được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương, còn có sự đóng góp tích cực của Hội Nông dân xã trong việc vận động hội viên tham gia hiến đất và góp công làm các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gắn bó với ruộng đồng từ bé, anh Nguyễn Trường Giang, sinh năm 1981, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của bà con nhân dân trong ấp khi thiếu đường giao thông.

Anh Giang chia sẻ, trước đây việc đi lại của người dân trong ấp thường gắn liền với chiếc xuồng và sông rạch, vừa mất thời gian vừa vất vả. Dù chỉ cách trụ sở UBND chưa đến 1km nhưng người dân phải lội bộ theo đường bờ ruộng mất đến gần 1 giờ. Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế phát triển, nhiều gia đình sắm được xe máy nhưng việc đi lại vẫn chưa hết khó khăn, do đường bờ ruộng nhỏ hẹp, sình lầy, trơn trượt vào mùa mưa. Chính vì chưa có đường giao thông nên việc vận chuyển vật tư sản xuất nông nghiệp gặp vô vàn khó khăn, vất vả, nông sản sau thu hoạch bị thương lái ép giá với lý do phải thuê nhân công khuân vác lên xuống ghe, thuyền.

Xuất phát từ những bất cập đó nên khi địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, với vai trò là một hội viên vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, anh đứng ra vận động bà con hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn. Riêng gia đình anh hiến hơn 1.500m2 đất để làm đường, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong ấp đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận tiện.

Theo anh Giang, việc hình thành nên con đường đã giúp cho đời sống bà con trong ấp có nhiều thay đổi, hiện nay, tuyến đường do anh và người dân hiến đất đã được Nhà nước đầu tư trải nhựa băng qua cánh đồng, ngang qua từng nhà trong ấp. Người dân đi thăm đồng, canh tác lúa cũng chạy xe máy ra đến tận bờ ruộng, xe tải nhỏ, máy cày vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất và chuyên chở nông sản đến sát ruộng, người nông dân có điều kiện phát triển kinh tế hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Chỉ cho biết, Phước Chỉ là một xã vùng biên giới khó khăn của thị xã Trảng Bàng, đời sống nhân dân trên địa bàn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây lúa là cây trồng chủ đạo. Trong khi đó, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn gần như không phát triển, nhiều hộ dân xây cất nhà xen kẽ trên đồng ruộng để thuận tiện cho việc canh tác và giữ gìn tài sản, việc đi lại của bà con chủ yếu bằng ghe, xuồng len lỏi trên các tuyến kênh rạch, hoặc đi bộ theo lối mòn đường bờ ruộng nhỏ hẹp, nhiều khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Năm 2020, Phước Chỉ được thị xã Trảng Bàng chọn làm xã điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, từ đó làm nền tảng để địa phương thực hiện các tiêu chí còn lại. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Hội Nông dân xã tích cực vận động hội viên tham gia hiến đất, từ đó chính quyền đầu tư kinh phí thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn.

Trong đó, anh Nguyễn Trường Giang là một trong những hội viên điển hình trong phong trào vận động hiến đất làm đường giao thông của xã. Để thực hiện tuyến đường Phước Trung - Tràm Cát, anh Giang vận động hơn 50 hộ dân 2 ấp hiến hàng chục ngàn mét vuông đất. Trong đó, gia đình anh gương mẫu hiến hơn 1.500m2 để làm tuyến đường này.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm của Chi hội trưởng, anh Nguyễn Trường Giang còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát, chuyên nuôi cá lóc và sản xuất khô cá lóc mang lại thu nhập ổn định cho hơn 50 thành viên. Ngoài ra, anh Giang còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương, đơn cử trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần- 2022, anh vận động 1.000 phần quà, tổng giá trị trên 250 triệu đồng tặng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Gia đình anh hỗ trợ địa phương hơn 2 tấn gạo để giúp bà con gặp khó khăn trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đóng góp 20 triệu đồng mua đá giặm vá tuyến đường giao thông trong ấp.

Anh Nguyễn Trường Giang thuê máy đặt cống bắt qua kênh nối liền tuyền đường giao thông nông thôn.

Hội viên hết lòng vì công tác Hội

Những năm qua, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) được tiếp cận vốn chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Võ Thị Ngọc Lan- Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Cây Ổi, xã Hoà Thạnh cho biết, hiện nay, tổ có 57 tổ viên với dư nợ trên 1,7 tỷ đồng, thực hiện các mô hình kinh tế như: chăn nuôi heo, vịt, gà; canh tác lúa… Trong quá trình sử dụng vốn, bà thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Nhờ đó, các tổ viên luôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tổ không có nợ quá hạn và lãi tồn.

Đồng thời, bà còn tích cực tuyên truyền, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm trên tinh thần tự nguyện để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, đồng thời, tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Để nêu gương cho các tổ viên, bà đã thực hiện gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH huyện số tiền 800 triệu đồng.

Theo bà Lan, trước đây, gia đình bà cũng nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, sau nhiều năm tích góp, bà có được số tiền trên, được sự vận động của Hội Nông dân xã, với mong muốn giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn có đồng vốn sản xuất, bà đã mang toàn bộ số tiền gửi vào Ngân hàng CSXH huyện. Bà Lan tâm sự, hiện nay, tôi có rất nhiều kênh đầu tư, nhưng với trách nhiệm của người hội viên Hội Nông dân và là Tổ trưởng Tổ TK&VV ở địa phương, tôi mong muốn số tiền của mình thông qua Ngân hàng CSXH sẽ giúp đỡ được nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trần Thanh Long- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thạnh cho biết, tính đến cuối năm 2021, Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện giải ngân vốn uỷ thác với dư nợ 9 tỷ 103 triệu đồng cho 268 hộ là hội viên Hội Nông dân vay, công tác thu hồi nợ được các tổ TK&VV thực hiện hiệu quả, hiện nay, Hội không có nợ quá hạn, công tác xử lý lãi tồn tính đến nay giảm 48,23% so với năm 2020. Bên cạnh đó, vốn uỷ thác qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 148 hộ vay với số tiền 9 tỷ 480 triệu  đồng, không có hộ nợ quá hạn.

Theo ông Long, các tổ TK&VV chính là những mắt xích, cầu nối quan trọng trong công tác tín dụng chính sách. Nhờ làm tốt khâu rà soát đối tượng, bình xét cho vay và giám sát việc sử dụng vốn nên phát huy hiệu quả trong sử dụng vốn vay. Từ đó, các hộ vay thực hiện tốt việc trả lãi, trả nợ, xã không có nợ quá hạn, chất lượng tín dụng trong các thành viên của Hội ngày càng được nâng cao.

Minh Dương