BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hội xuân xưa núi quê mình 

Cập nhật ngày: 06/01/2023 - 05:49

BTN - Đặc sắc nhất trong tết ở Tây Ninh là Hội xuân núi Bà, khai mạc mùng 4 tết. Một nhà thơ Tây Ninh viết: “Tháng giêng đi hội núi Bà/ Chân tung tẩy núi tóc loà xoà mây/ Gập ghềnh đá dịu dàng cây/ Lom khom quán với hây hây trán chùa…”.

Du khách tham quan đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Dương Đức Kiên

“Núi quê mình” là tên một bài thơ của nhà thơ Vân An (tức Trần Vạn An, 1925-2005) trong tập thơ Vân An (1995). Bài có đoạn: “Trong giấc ngủ chập chờn thơ trẻ/ Tôi mơ thấy một bà tiên diễm lệ/ Nàng Lý Thị giữa hang đá uy nghiêm/ Sẽ ban cho mẹ tôi, dì tôi, cho bà con xóm nhỏ/ Mỗi nhà một cuộc sống thần tiên…”. Vâng, đây cũng là mơ ước của nhiều người Tây Ninh. Do vậy mà Hội xuân núi Bà Đen thường rất đông người lên viếng núi.

Có người đi để ngắm cảnh quan kỳ thú của núi giữa đồng bằng, nhưng cái chính vẫn là đi cúng Phật lạy Bà. Để tạ ơn Bà đã ban cho quê mình một cảnh sắc riêng không thể lẫn. Với người quê gốc miền ngoài, thì điều mong chờ nhất có lẽ là không khí mùa đông- mùa tết ở núi Bà Đen.

Gió vòng qua núi Bà Đen về phía Bắc thành phố Tây Ninh, làm phơ phất những bờ lau xám, lau nâu và cả sắc tinh khôi màu áo trắng. Gió bấc khiến người xa xứ thường nhớ quay nhớ quắt cái mùa đông miền Bắc.

Với những: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”… Để thi tướng Huỳnh Văn Nghệ năm xưa đã phải thốt lên: “Ai đi về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” (Nhớ Bắc).

Tết ở Tây Ninh? Thì cũng theo cổ lệ, mà các cụ đã đem theo từ thuở đi mở đất. Rằng: “Mùng một tết cha/ Mùng hai tết mẹ/ Mùng ba tết thầy”. Tôi còn nghe được một câu khác, có vẻ gần gũi với đời sống hiện đại hơn. Là “Mùng một tết mẹ, tết cha/ Mùng hai tết ngõ/ Mùng ba tết thầy”.

Thì đấy, ngày mùng một phố thường vắng hoe. Đến mùng hai mới có người đi trên phố. Ngoài cha mẹ hai bên còn là đến thăm, chúc tết người quen, bè bạn. Đến mùng ba thường là các nhóm bạn đồng niên rủ nhau đi tết thầy cô…

Nhưng tôi nghiệm ra, rằng trước tết mới là những ngày vui nhất, thực sự là tết nhất. Các đường phố hoan hỉ bung ra toàn sắc mai vàng. Chợ búa cho đến hè đường xôn xao và rực rỡ sắc màu hoa trái, quả phẩm để biếu tặng nhau hay trưng bày cho tết.

Nhưng mua sắm gì thì với người Tây Ninh không thể thiếu những loại trái (quả) sau đây, là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và chùm trái sung xanh. Đọc từng món lên là có một câu nguyện: Cầu vừa đủ xài (nói trại đi chút ít).

Và thêm; sung là sung túc, hay sung sức. Thế mới hay cái ước nguyện giản dị của người phương Nam. Chỉ là cầu (với ơn trên) để có vừa đủ xài thôi. Còn sức là còn làm được. Có làm thì mới có ăn.

Tết quê mình cũng có chợ hoa xuân, trăm hồng nghìn tía, trên bến dưới thuyền bên rạch Tây Ninh. Nhưng nghĩ lại thì ở đâu mà chẳng có hội hoa xuân? Mà làm sao sánh được với những bến Bình Đông hay đường hoa Nguyễn Huệ của Sài Gòn. Vậy thôi không kể nữa!

Đặc sắc nhất trong tết ở Tây Ninh là Hội xuân núi Bà, khai mạc mùng 4 tết. Một nhà thơ Tây Ninh viết: “Tháng giêng đi hội núi Bà/ Chân tung tẩy núi tóc loà xoà mây/ Gập ghềnh đá dịu dàng cây/ Lom khom quán với hây hây trán chùa…”.

Năm ấy, cách nay hơn 20 năm còn chưa có cáp treo, lên núi hội xuân toàn tự túc bằng xe máy, xe lôi. Đến chân núi theo đường bộ xếp thành bậc đá đi lên cả hơn 1.100 mét chiều dài. Năm ấy, các ngôi chùa mới được tôn tạo trùng tu, nên ngôi nào cũng có mái tươi màu ngói đỏ. Đỏ hây hây như má em gái đang lội bộ đi lên, ngược gió mùa đông. Đi sớm cho mát, nên núi còn lương vương tóc mây quyện cùng mây trắng.

Tây Ninh những năm đầu thế kỷ 21 còn nghèo lắm. Có nhà thơ ghi cảnh con đường dài 11km từ trung tâm TP. Tây Ninh vào chân núi, là: “Quê nghèo thật hiếm xe hơi/ Cũng chẳng có đâu xe bus/ Thôi thì rủ nhau lên ngồi ngất ngưởng/ Hai chục người một chiếc xe lôi”.

Ấy vậy mà: “Cái thùng xe đầy ắp niềm vui/ Hoa vông vang đỏ nụ cười con gái/ Ánh mắt chung chiêng mi dài bối rối/ Trái tim loạn nhịp, phập phồng cổ tay…”. Xe lôi là cái xe có thùng tự đóng, kéo xe bằng một chiếc honda 67.

Vậy mà chở được tới 20 người. Nghĩ lại nguy hiểm quá. Vì thế, sau đấy vài năm thì loại xe ấy bị cấm. Vài năm sau nữa, tỉnh đầu tư xây sửa con đường vào núi (nay là đường Bời Lời) thành bê tông nhựa, rộng 4 làn xe. Tết lại tổ chức xe bus cho bà con đi hội núi.

Đến nay nhờ có nhà đầu tư chiến lược Sungroup nên núi có cả cáp treo lên thẳng đỉnh núi và sân núi Điện Bà. Cái tên này đã có từ trước năm 1850, vì sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi còn có tên nữa là núi Điện Bà, năm Tự Đức thứ 3 (1850) đổi tên gọi hiện nay (Linh Sơn), ghi vào điển thờ”.

Điện bà. Ảnh: Dương Đức Kiên

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh (1973) có ghi: “Tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu, tục gọi là tổ Bưng Đỉa, từng trải 31 năm khó nhọc khai sơn hoá đạo núi Điện Bà, đến năm 1794 thì về lập chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một…”.

Suy ra, đạo Phật đã có mặt ở núi từ năm 1763. Gọi là tổ Bưng Đỉa, vì tương truyền chân núi có cái bưng hoang toàn đỉa lúc nhúc sinh sôi nảy nở, khiến dân không thể làm ăn, cày cấy.

Sư mới tụng kinh, làm phép khiến đôi đỉa chúa màu trắng hiện hình và bò đi mất. Từ đấy dân một vùng chân núi mới được yên ổn làm ăn cho tới ngày nay. Hội xuân nay đã trở thành lễ hội quốc gia, có ba, bốn tuyến cáp treo, có cả một khu du lịch gọi là Sunworld Bà Đen Mountain hoành tráng trải dài từ chân núi lên tới đỉnh.

Trên đỉnh núi có công viên hoa kiểng lạ, có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đúc từ 170 tấn đồng đỏ, cao 72m, đưa đỉnh núi lên vượt ngưỡng một cây số ngược đỉnh trời giữa đồng bằng Nam bộ.

Nhà thơ Vân An có bài thơ Núi quê mình, tả cảnh người Tây Ninh xưa từ Trảng Bàng đi viếng núi: “Đoàn xe bò đi trong đêm trăng/ Lụp cụp đường đá rào rạo đường truông/ Tháng giêng cả làng đi cúng núi/ Người người vui và nghiêm trang…”.

Sinh thời nhà thơ kể, đấy là chuyện của ông bà kể lại về chuyện đi viếng núi hồi trước khi quân Pháp chiếm miền Đông Nam bộ năm 1862. Vậy thì hội xuân ở núi Bà, ít ra là đã có từ giữa thế kỷ 19.

Quê ông ở Trảng Bàng nên con đường bộ duy nhất nối Trảng Bàng đến Tây Ninh chính là con đường thiên lý phía Tây (còn gọi là đường sứ), được vua Gia Long cho tu sửa vào năm 1815. Đường rộng “6 tầm” tức khoảng 14m.

Hồi ký Nguyễn Vạng Bửu, nguyên Đốc phủ sứ phủ Tân An kể lại, rằng vào năm 1882, khi ông 30 tuổi được bầu làm Phó Cai tổng Hàm Ninh Hạ. Từ đấy, thường có việc đi lại lên Tây Ninh: “Nếu có hầu lệ chuyện gì khác tại Tây Ninh, thời phải đi bằng xe bò, bằng ghe… hoặc đi bộ.

Tôi thường hay đi bằng xe bò. Nếu ngày mai hầu thời xế nay sắm sửa xe đồng với vài người tuỳ hành lên xe bò trực chỉ đến sáng, lối năm sáu giờ là tới Tây Ninh…”. Con đường ấy nay là đường ĐT 782 và 784, được mở rộng thênh thang tới 6 làn xe ô tô chạy.

Dĩ nhiên là mặt đường bê tông nhựa mát êm bánh xe lăn, không còn cảnh “lụp cụp đường đá, rào rạo đường truông”. Vậy nhưng đã có thời vào dịp hội xuân vui vẻ lắm! “Cả làng đi cúng núi” kia mà. Đến năm 1901 (xuân Tân Sửu) thì có sự kiện nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu lên viếng núi Bà.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh ghi lại: “Nhân dịp bạch mai trổ hoa, làng thơ Tây Ninh tổ chức cuộc hành hương lên núi Điện Bà, có rước Nguyệt Anh nữ sĩ tham dự, luôn tiện thưởng hoa bạch mai, thừa hứng ngâm đề, câu giai tác. Nữ sĩ… lai láng cảm, hứng bút đề thơ Vịnh hoa mai trên núi Điện Bà…”.

Núi Tây Ninh không còn như xưa, nhưng vẫn lừng lững một góc trời Đông Bắc để người Tây Ninh ở đâu cũng thấy, và hướng về. Trên núi đã có nhiều công trình mới, lập các kỷ lục này kia. Sắp tới còn có cả đường ô tô để du khách chạy xe lên đỉnh núi. Thì vẫn là của con người điểm tô cho núi, xung quanh cái lõi tâm linh đã có tự ngày xưa. Tâm linh ấy là tín ngưỡng dân gian và đạo Phật.

Ở đây, tôn giáo đã hoà quyện vào tín ngưỡng thờ Bà. Bà là biểu tượng cho đạo Mẫu ở đất phương Nam. Nhưng với đạo Phật, Bà cũng là một vị bồ tát gần gũi, bao dung với tất cả mọi người. Trục tâm linh ở núi gồm một ngôi điện thờ và 6 ngôi chùa từ chân lên lưng chừng núi. Tất cả đều là chùa xưa, do 10 đời các vị sư tổ đã xây nên.

Núi linh thiêng thì nhiều người đã biết, và chứng nghiệm. Ngay cả một ông quan không tin vào những chuyện thánh thần, mê tín như Trịnh Hoài Đức, Hiệp Tổng trấn thành Gia Định vào đầu thế kỷ 19, đã viết trong sách Gia Định thành thông chí (1820), rằng: “Núi Linh Sơn (Bà Đen) cả trấn đều ngưỡng vọng, cách trấn lỵ 261 dặm rưỡi về phía tây.

Đất đá vươn cao, cây cối tươi tốt, suối nước ngọt, đất màu mỡ. Trên có chùa Vân Sơn, dưới tiếp liền ao hồ, cảnh trí u nhã, rừng rú hang hố sâu thẳm. Thôn xóm người Kinh và người Man phân bổ quanh khắp, dân ở đây nhờ vào các nguồn lợi núi rừng, cũng có người gặp được đổ cổ, vàng ngọc.

Tương truyền có lúc thấy chiêng vàng ở trong hồ, giống như chuyện “khánh nổi ở bến sông Tứ”, “được chuông ở sông Trường Giang” vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Lại có đêm trời quang mây tạnh, thấy thuyền rồng bơi lượn, hát múa du dương; có khi thấy rùa vàng lớn hơn 1 trượng bất chợt hiện ra rồi lặn mất. Đó là do linh khí tụ lại, chớ không phải việc quái đản” (bản dịch của Phạm Hoàng Quân, năm 2019).

Nhưng tôi đang kể về hội núi kia mà! Vâng, thì kể tiếp. Bằng một đoạn văn của nhà văn miền Nam Biến Ngũ Nhi (1886-1973), khi ông lên hội núi vào ngày mùng 2 tết năm Tân Sửu, 1921.

Đấy là: “Thầy chùa tiếp rước cũng lịch sự, hễ ai lên thì chào mừng, mời uống nước, ăn cơm tử tế. Đây thì ăn chay trường nên dẫu ở mấy ngày cũng cứ tương chao rau đậu. Tại đây có cất cái nhà tắm, đặt ống lấy nước suối trên đỉnh núi nên ngày đêm đều có nước chảy luôn luôn…

Nước đã trong lại ngọt, tắm mát lạnh thật khoái chí. Lên tới đây tấm lòng vui vẻ, mà chẳng biết vui tại bởi đâu; đứng dựa lan can dòm xuống thấy đồng ruộng dưới xa, bờ mẫu dọc ngang như bàn cờ, cây cối lúp xúp; dòm lên trên thấy chót núi còn cao vời vợi, trời chiều xanh bích, mây bạc vẩn vơ, tai chỉ nghe tiếng chuông ngân vang núi, chim chóc hót ngọn cây, lời thị phi vắng bặt thì quên hết sự tranh đua trong thế sự, ngỡ mình đã thoát khỏi cuộc phàm trần”.

Con người lạ thế đấy! Sống giữa “cõi trần” mà lại luôn mơ “thoát khỏi cuộc phàm trần”. Nhờ vậy mà núi đã, đang và sẽ tiếp tục ban tặng cho người nhiều cơ hội phiêu diêu miền cực lạc. Nhất là khi đứng trên đỉnh núi, dưới chân Phật bà Tây Bổ Đà Sơn bời bời mây trắng. Như là mây sắp đưa bà cùng chúng ta lướt xuống, bay trên mặt hồ Dầu Tiếng sáng ngời lấp lánh phía đằng Đông.

Nguyễn Quốc Việt