Đoàn Văn công Tây Ninh biểu diễn phục vụ Tiểu đoàn 14 tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành năm 1969. Ảnh tư liệu Đ.H.T
Phát biểu khai mạc, bà Đặng Thị Phượng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, văn học, nghệ thuật (VHNT) là tấm gương phản chiếu cuộc sống. VHNT cách mạng Việt Nam là cuốn đại nhật ký bằng nghệ thuật về đất nước, con người Việt Nam anh hùng qua bao thế kỷ.
Tấm gương phản chiếu cuộc sống
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hoà bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hoá, văn nghệ nước nhà nói chung và Tây Ninh nói riêng một giai đoạn phát triển mới. Trong nửa thế kỷ qua, nền văn hoá, văn nghệ nước nhà được xây dựng, vun đắp trong không khí hoà bình, thống nhất, dân chủ, đổi mới, phát triển và hội nhập.
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hoá, văn nghệ tỉnh từ sau 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hoá, văn nghệ từ Trung ương đến địa phương.
Từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chúng ta cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hoá, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ, nhất là những vấn đề mới, khó, có tính lịch sử cụ thể, tính cách tân tạo ra sự phân hoá và thách thức mỹ cảm của công chúng tiếp nhận; bài học về giải quyết các hiện tượng, sự việc xảy ra trong quá trình tìm tòi, sáng tạo và đánh giá nghệ thuật...
Hội thảo tập trung làm rõ mấy vấn đề:
Thứ nhất, đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hoá, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ tỉnh ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hoà bình, đổi mới, phát triển.
Thứ hai, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đặc trưng của văn học nghệ thuật Tây Ninh, trên cơ sở đó, xác lập sự tương đồng và khác biệt của văn học nghệ thuật Tây Ninh với văn học nghệ thuật trong khu vực Đông Nam bộ, Nam bộ để thấy được vị trí, vai trò, đóng góp của văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Tây Ninh trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển đất nước.
Thứ ba, đánh giá quá trình kế thừa, giữ gìn, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng trên địa bàn tỉnh, những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hoá, văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.
Thứ tư, khẳng định những ưu điểm, thành tựu, chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hoá, văn nghệ tỉnh ta trong xây dựng và thực hiện các chính sách; xây dựng và phát huy các thiết chế văn hoá, nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng và phổ biến tác phẩm VHNT tỉnh nhà.
Một cảnh trong vở “Sóng gió vương triều” của Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh năm 2010. Ảnh: Đ.H.T
Chẳng lẽ cứ mãi “Chuyến xe Tây Ninh”?
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh, ngoài những thành tựu đã biết, hội thảo cần quan tâm một số nhóm vấn đề, trong đó cần nâng cao nhận thức về vai trò của văn học nghệ thuật.
Nâng cao nhận thức không phải chỉ tuyên truyền giản đơn, thay vào đó, cần có nghiên cứu sâu, đánh giá khách quan, toàn diện, khoa học. Yêu cầu của hoạt động văn học nghệ thuật là vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng vừa bảo đảm tính tự do, dân chủ trong sáng tác, quảng bá tác phẩm.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ lưu ý về huy động, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng, tạo sân chơi nghệ thuật cho mọi tầng lớp nhân dân. Ông Phạm Hùng Thái nhìn nhận, cho đến hiện nay, ngoài bài tân cổ “Chuyến xe Tây Ninh” nổi tiếng từ lâu, hiện chưa có tác phẩm âm nhạc nào của Tây Ninh được biết đến rộng rãi trong cả nước. Lãnh đạo Tỉnh uỷ yêu cầu củng cố tổ chức và hoạt động của Hội, chi hội văn học nghệ thuật; bảo đảm thống nhất, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia.
Sáng tạo tác phẩm, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực quan trọng giúp định hướng và nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật. Vì thế, cần có chính sách khuyến khích các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình tham gia vào việc nghiên cứu sâu rộng các trào lưu, xu hướng văn học, nghệ thuật trên thế giới và trong nước, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá chính xác, khách quan, góp phần định hướng cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công trình nghiên cứu lý luận, phê bình được công bố rộng rãi, qua đó tạo diễn đàn trao đổi học thuật, nâng cao trình độ chuyên môn cho các nhà phê bình. Việc tổ chức các hội thảo khoa học, các buổi toạ đàm cũng sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu, phê bình chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Cải lương Tây Ninh - vang bóng một thời
Trước năm 1975, Tây Ninh không có sân khấu cải lương chuyên nghiệp, chỉ có vài nhóm hát bội, hay hát bội pha cải lương của vài gia đình nghệ nhân hoạt động cầm chừng khi có lễ, tết. Chỉ sau 30.4.1975, Tây Ninh mới có sân khấu chuyên nghiệp gồm Đoàn cải lương Nhân Dân, tiền thân của Đoàn văn công Quân đội và Đoàn văn công Dân chính hợp nhất. Hai đoàn cải lương tập thể là đoàn cải lương Thanh Bình (từ Đoàn cải lương Thống Nhất của ông bầu Ba Sẵng) và Đoàn cải lương Kim Minh của bầu Minh Phục sau này đổi lại là Đoàn cải lương Tiếng hát Tây Ninh.
Tây Ninh luôn có 3 đoàn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp phục vụ đồng bào trong tỉnh, hoặc đi giao lưu các nơi khác. Hai đoàn cải lương tập thể còn được gọi là Tây Ninh 2, Tây Ninh 3 nghiêng về thị hiếu khán giả nông thôn nên tiết mục nặng về phần giải trí nhiều hơn.
Riêng Đoàn cải lương Nhân Dân, sau này đổi tên là Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh (bà con trong tỉnh gọi là Tây Ninh 1) là đoàn thuộc biên chế Nhà nước. Ngoài việc phục vụ bà con đơn thuần, đoàn là chuẩn mẫu mực cho nền sân khấu mới. Xét về tổng thể, Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh mới là đại biểu nghệ thuật cải lương chính thống của xã hội mới, trực tiếp do Đảng và Nhà nước chỉ đạo và quản lý.
Trong suốt hơn 40 năm tồn tại, từ năm 1976 đến năm 2020, Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh luôn là đoàn nghệ thuật mạnh, tốp đầu trong cả nước. Trong những năm 1980 đến năm 1985, đoàn nhiều lần được mời vào hội trường Ba Đình phục vụ Đại hội Đảng, kỳ họp Quốc hội…
Đoàn nhận huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Bình Định, tốp đầu trong liên hoan sân khấu chuyên nghiệp năm 1978 tại Tiền Giang, năm 1980 tại Cần Thơ, năm 1995 tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2000 tại Cần Thơ, huy chương bạc hội diễn dân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 tại Bạc Liêu.
“Đáng tiếc, từ sau năm 2020, Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh sáp nhập vào Trung tâm Văn hoá tỉnh Tây Ninh làm nghệ thuật không chuyên, coi như sân khấu chuyên nghiệp của Tây Ninh không còn nữa”- trích phát biểu của đạo diễn sân khấu Đăng Minh.
Việt Đông