Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hơn 1.000km đường biên Việt Nam – Campuchia được phân giới cắm mốc 

Cập nhật ngày: 07/07/2021 - 20:41

BTNO - Sáng 7.7, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị tuyên truyền thành quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia. Ông Bùi Trường Giang- Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Phùng Thế Long- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia đồng chủ trì hội nghị.

Một cọc dấu làm rõ đường biên giới được bảo vệ trên địa bàn xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng (ảnh chụp tháng 1.2021)

Tại điểm cầu Tỉnh uỷ Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo, đại diện sở, ngành liên quan tham dự. Hội nghị còn được trực tuyến đến 28 điểm cầu cấp huyện hoặc tương đương và cấp xã trong tỉnh với khoảng 450 đại biểu tham dự. 

Hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài khoảng 1.255km, đi qua 10 tỉnh của nước ta là KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. 

Là hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, những năm qua, Việt Nam – Campuchia cùng nỗ lực, hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, quốc phòng – an ninh, kinh tế - thương mại…

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Thế Long- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia nhắc lại sự kiện tổ chức lễ trao đổi Văn kiện phê chuẩn đối với 2 văn kiện pháp lý “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia”,

“Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” ngày 22.12.2020. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia khẳng định, sự kiện này đã đưa 2 văn kiện pháp lý có hiệu lực, góp phần củng cố cơ sở pháp lý quốc tế để xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích chính đáng của hai bên, bình đẳng, cùng có lợi. 

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu (huyện Châu Thành) phối hợp các lực lượng tuần tra trên biên giới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, dù hoạt động đối ngoại bị ảnh hưởng, hai bên vẫn duy trì, tiếp xúc cấp cao và các cấp dưới với nhiều hình thức, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương quan trọng. 

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, lãnh đạo hai bên có nhiều cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến và tiếp xúc trực tiếp. Trong trao đổi, tiếp xúc, lãnh đạo hai bên đều khẳng định sự tôn trọng và ưu tiên cho việc củng cố, phát triển quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. 

Hai bên đang phối hợp chuẩn bị cho Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ 11, dự kiến trong quý III năm nay, theo hình thức trực tuyến. 

Hơn 1 năm qua, nước ta đã tích cực hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Năm 2020, Chính phủ và Bộ Y tế nước ta hỗ trợ Campuchia tiền, vật tư y tế với tổng trị giá khoảng 300.000 USD.

Trong tháng 4 và tháng 5.2021, Đảng và Chính phủ ta tiếp tục hỗ trợ khẩn cấp cho Campuchia 500.000 USD tiền mặt và nhiều vật tư, thiết bị y tế (trong đó có 800 máy thở, 2 triệu khẩu trang y tế, 300.000 khẩu trang N95) góp phần thiết thực, hiệu quả vào nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ và nhân dân Campuchia. 

Hợp tác quốc phòng, an ninh của 2 nước tiếp tục được duy trì. Hai bên phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh; tăng cường, duy trì tuần tra chung; hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân dân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. 

Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng vật tư y tế cho Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Ngoài ra, giữa hai nước còn hợp tác trên nhiều lĩnh vực về y tế, du lịch. Riêng trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, hằng năm Việt Nam cung cấp trung bình 120 suất học bổng theo diện Hiệp định và hàng trăm suất học bổng đại học, sau đại học, học bổng ngắn hạn thuộc các ngành kinh tế, văn hoá cho học sinh Campuchia. Hiện có khoảng 4.000 sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam. 

Hơn 1.000 km đường biên được phân giới 

Cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, Việt Nam và Campuchia cùng nỗ lực và phối hợp chặt chẽ để đạt được những thành quả quan trọng về giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước. 

Tính đến thời điểm này, khối lượng công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước đạt 84%. Trong đó, đã xây dựng thực địa tổng số 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí, gồm 315 cột mốc chính tại 264 vị trí; 1.511 cột mốc phụ tại 1.068 vị trí và 221 cọc dấu. Hai nước đã phân giới được hơn 1.044 km đường biên giới. Ngoài ra, để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa, hai bên đã xác định thêm 1.000 điểm đặc trưng. 

Từ 8 cửa khẩu chính được mở theo Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam – Campuchia ký ngày 20.7.1983, đến nay, hệ thống cửa khẩu giữa hai nước phát triển vượt bậc với 41 cửa khẩu đang hoạt động trên toàn tuyến biên giới. Trong đó có 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 20 cặp cửa khẩu phụ. 

Với kết quả này, Việt Nam và Campuchia cơ bản có một đường biên giới rõ ràng trên thực địa, được đánh dấu bởi một hệ thống cột mốc khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới.

Theo Vụ Biên giới phía Tây (Bộ Ngoại giao), thời gian qua, nhờ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước cũng như sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Campuchia giúp cho công tác phân giới cắm mốc được thuận lợi.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ cùng đại diện các sở, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, các bản đồ hai bên sử dụng trong công tác phân giới cắm mốc được sản xuất từ lâu nên có điểm lạc hậu. Bên cạnh đó, các tác động tự nhiên, con người làm cho địa hình, địa vật thay đổi theo thời gian nên khi ra thực địa, hai bên phải xem xét toàn diện các quy định về pháp lý, kỹ thuật để thống nhất các giải pháp. Các yếu tố địa hình phức tạp, hiểm trở, chưa có đường giao thông… gây khó khăn cho việc tiếp cận vị trí đường biên, mốc giới.

Để hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa 2 nước, theo Vụ Biên giới phía Tây, thời gian tới, hai bên cần tiếp tục phối hợp tìm kiếm giải pháp công bằng, hợp lý, phù hợp với các văn kiện pháp lý về biên giới giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết 16% khối lượng công việc còn lại.

Ngoài ra, hai bên cần phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả công tác quản lý biên giới; đàm phán ký kết Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung các văn kiện pháp lý biên giới giữa hai nước. 

N.D