Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khủng hoảng lương thực và sự suy sụp kinh tế toàn cầu đã đẩy hơn 1 tỷ người vào tình trạng đói trong năm 2009.

![]() |
Một bé trai 6 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng tại trại tị nạn Dagahaley ở tỉnh Dadaab, phía đông bắc Kenya. Ảnh: Reuters |
Một báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố hôm 14.10 cho biết, khủng hoảng lương thực và sự suy sụp kinh tế toàn cầu đã đẩy hơn 1 tỷ người vào tình trạng đói trong năm 2009. Báo cáo trên đã xác nhận dự đoán do cơ quan này đưa ra hồi đầu năm 2009.
Theo Tổ chức Lương nông và Chương trình Lương thực thế giới, có 1,02 tỷ người bị thiếu ăn trong năm 2009, hơn 100 triệu người so với năm 2008. Đây là con số cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Trong báo cáo mới nhất về nạn đói của thế giới, Tổng giám đốc FAO, Jacques Diouf nói: “Việc gia tăng số người đói trên thế giới là điều không thể chấp nhận được khi mà chúng ta có các biện pháp kinh tế và kỷ thuật để xoá bỏ nạn đói”.
Sự gia tăng số người đói không chỉ là hậu quả của những vụ thu hoạch thất bát mà còn do ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao – đặc biệt tại các nước đang phát triển, thu nhập thấp hơn và mất việc làm.
Ngay cả trước khi xảy ra khủng hoảng kép về lương thực và suy thoái, thì số người thiếu ăn vẫn tăng đều đặn theo thời gian.
Hồi tháng 7.2009, Nhóm 8 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu của thế giới (G8) đã cam kết hỗ trợ 20 tỉ USD trong 3 năm để giúp các nước nghèo có thể tự cung cấp lương thực cho họ. Đây là một tiêu điểm mới trong việc phát triển nông nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, cam kết này nảy sinh một số lo ngại cho rằng các hoạt động viện trợ lương thực khẩn cấp có thể bị cắt giảm.
Trong khi đó, FAO cũng cho biết, châu Á và Thái Bình Dương có số người đói lớn nhất trên thế giới với 642 triệu người. Kế đến là khu vực Sub-Saharan châu Phi với 265 triệu người.
Năm 2008, số người nghèo được WFP “nuôi” đã tăng kỷ lục 5 tỷ người khi giá cả đột ngột tăng cao trong thời gian từ 2006 – 2008, gây ra tình trạng bạo động và tích trữ lương thực ở một số quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2009, WFP chỉ nhận được 2,9 tỷ USD tiền viện trợ, do đó họ phải cắt giảm các khẩu phần ăn hoặc các hoạt động tương tự tại các quốc gia như Kenya và Bangladesh.
THUÝ TRINH
(Theo Reuters)