Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hơn 123 triệu ca Covid-19 toàn cầu, dân châu Âu biểu tình phản đối phong tỏa
Chủ nhật: 18:27 ngày 21/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thế giới ghi nhận hơn 123 triệu người nhiễm, hơn 2,7 triệu người chết do nCoV, hàng chục nghìn người châu Âu tiếp tục biểu tình chống phong tỏa.

Thế giới đã ghi nhận 123.404.647 ca nhiễm nCoV và 2.720.991 ca tử vong, tăng lần lượt 488.742 và 7.705, trong khi 99.358.871 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Cư dân ở Ba Lan, một số vùng của Pháp và thủ đô Ukraine hôm 20/3 tiếp tục đối mặt với những biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn Covid-19, trong đó yêu cầu hầu hết các cửa hàng đóng cửa, đồng thời khuyến khích người dân làm việc tại nhà.

Tại một số khu vực ở châu Âu, nhiều người dân tỏ ra bất bình khi các lệnh phong tỏa ngăn đại dịch vẫn kéo dài. Tình trạng ẩu đả đã nổ ra khi khoảng 20.000 người hôm 20/3 xuống đường biểu tình chống các biện pháp hạn chế ở Kassel, miền trung nước Đức. Nhiều kẻ quá khích đã ném đồ đạc về phía cảnh sát khiến lực lượng này phải dùng vòi rồng và xịt hơi cay giải tán đám đông.

Hàng nghìn người ở Liestal, Thụy Sĩ và London, Anh, cùng ngày cũng tổ chức biểu tình chống phong tỏa. Các cuộc biểu tình có quy mô tới hàng chục nghìn người, bất chấp những yêu cầu cấm tụ tập đông người thời Covid-19.

Đám đông quá khích ở London đã đốt pháo sáng, liên tục hô hào và giơ cao các khẩu hiệu phản đối chính quyền áp biện pháp hạn chế như "Ngừng hủy hoại cuộc sống trẻ nhỏ", "Đại dịch chỉ là giả" hay "Chấm dứt phong tỏa ngay".

 

Người dân nhảy nhót, đốt pháo sáng khi biểu tình chống phong tỏa ở London, Anh, hôm 20/3. Ảnh: Reuters.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 30.477.622 ca nhiễm và 554.794 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 51.403 và 697 trường hợp so với một ngày trước đó.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã đạt mục tiêu tiêm 100 liều vaccine Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền vào ngày 19/3, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Tổng thống Mỹ cho biết đây là tín hiệu lạc quan, nhưng không được phép lơ là các biện pháp chống dịch.

Với việc sản xuất vaccine đang bùng nổ ở Mỹ, chính quyền Biden cho biết họ hiện có thể gửi vaccine AstraZeneca sang các nước láng giềng Mexico và Canada. Thư ký báo chí của Biden nói 2,5 triệu liều sẽ được chuyển tới Mexico và 1,5 triệu liều cho Canada trong số 7 triệu liều dự trữ, song không nói rõ thời gian.

Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 11.950.459 ca nhiễm và 292.752 ca tử vong vì Covid-19, tăng 73.450 và 2.227 trong 24 giờ qua.

Bộ Ngoại giao Brazil hôm 20/3 thông báo vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán, bắt đầu từ ngày 13/3, về khả năng nhập khẩu vaccine Covid-19 dư thừa từ Mỹ. Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Brazil tại Washington cùng Bộ Y tế nước này đang tiếp tục bàn bạc với chính phủ Mỹ.

Marcelo Queiroga, tân Bộ trưởng Y tế Brazil, ngày 17/3 hứa sẽ đưa ra các chính sách dựa trên khoa học để chống Covid-19 và cho biết ông có thể "điều chỉnh" cách xử lý dịch bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Ấn Độ báo cáo thêm 43.815 ca nhiễm và 196 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.598.710 và 159.790.

Khi ca nhiễm hàng ngày tăng cao nhất trong vòng 4 tháng, một số khu vực ở Ấn Độ đã áp dụng lại các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19, gồm lệnh giới nghiêm và dừng hoạt động nhiều cửa hàng.

Các bác sĩ Ấn Độ cáo buộc số ca nhiễm tiếp tục tăng cao do thái độ thoải mái của người dân đối với yêu cầu đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khác.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.291.271 người nhiễm và 126.122 người chết, tăng lần lượt 5.587 và 96 trường hợp. Ca nhiễm mới ở nước này có xu hướng liên tục giảm trong những ngày gần đây.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hôm 20/3 cho biết nỗ lực tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử Anh, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, đã "đạt được những bước tiến lớn" sau số người được tiêm chủng đạt mức kỷ lục hôm 19/3.

Anh đã tiêm chủng vaccine cho gần 27 triệu người và số người tiêm trung bình mỗi ngày trong tuần này là 421.000 người, theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 35.345 ca nhiễm và 185 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.252.022 và 92.167.

Gần một phần ba người dân Pháp từ ngày 21/3 sẽ sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trong bối cảnh chính phủ nước này đang đặt mục tiêu ngăn các ca nhiễm nCoV lây lan ở khu vực thủ đô Paris và các vùng phía bắc đất nước.

Bộ Y tế Pháp cùng ngày tuyên bố 6.137.375 người dân nước này đã được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên kể từ khi chính phủ khởi động chiến dịch tiêm chủng.

Đức, vùng dịch lớn thứ 10 thế giới, ghi nhận 2.658.840 ca nhiễm và 75.196 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 13.654 và 123 ca so với một ngày trước đó. Chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm nCoV tại Đức đang tăng vọt, đe dọa kế hoạch dỡ phong tỏa và vực dậy nền kinh tế.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.455.788 ca nhiễm, tăng 5.656, trong đó 39.447 người chết, tăng 108.

Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng một và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 6,2 triệu người đã được tiêm vaccine.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 656.056 ca nhiễm và 12.930 ca tử vong, tăng lần lượt 7.999 và 30 ca.

Từ 20/3, Philippines đóng biên giới đối với người nước ngoài, lao động Philippines ở nước ngoài vẫn sẽ được về nước nhưng bị giới hạn ở mức 1.500 một ngày.

Nguồn VNE

Từ khóa:
data:
Cơ sở thu mua sắt phế liệu Hòa Bình
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục