Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hơn 20 năm gắn bó với cây mai
Thứ tư: 14:20 ngày 21/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bằng tình yêu với cây mai, một lão nông ở Hoà Thành dành hơn 20 năm nghiên cứu, tìm hiểu cách chăm sóc và đã cứu sống nhiều cây mai quý hiếm.

Trước năm 1995, nghệ nhân Ba Cao (tên thật Nguyễn Văn Thường, ngụ ấp Trường Đức, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành) chỉ là người chuyên chở thuê các loại mai kiểng cho các chủ vườn ở Hòa Thành và các vùng lân cận. Thấy công việc trồng và chăm sóc mai kiểng đem lại thu nhập khá, ông dành thời gian học hỏi nghề trồng mai của một số chủ vườn trong tỉnh. 

Nghệ nhân Ba Cao bên vườn mai kiểng của mình.

Vốn có năng khiếu chơi hoa kiểng nhưng lại không rành về kỹ thuật chăm sóc mai, vậy là ông Ba Cao lên đường đi tìm các nghệ nhân trong nước để học hỏi kỹ thuật cắt ghép, chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo hình cho cây mai. Từ đó, ông đem những kiến thức học được về ứng dụng tại vườn mai nhà mình.

Ông Cao kể, hồi năm 1995, sau thời gian học nghề từ một nghệ nhân ở quận Thủ Đức (TP.HCM), thân cây mai đầu tiên ông đặt dao ghép chỉ to bằng ngón tay cái. Quá trình bón phân, tưới nước, đến nay, cây mai đã cao hơn 1m, hoành gốc to khoảng 30cm, được chăm sóc trong chậu đặt giữa vườn nhà. Cẩn thận cắt từng nhánh khô trên cây, ông cười nói: “Đã có người hỏi mua cây mai này với giá khá cao, nhưng tôi không bán đâu, vì nó là kỷ niệm đánh dấu lần đầu tiên tôi tập tành cắt ghép cây kiểng”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, lão nông Ba Cao dường như đã hiểu hết được “tính nết” của các loài mai. Mặc dù mai là loại cây dễ trồng, nhưng để có được hình dáng đẹp, thân khỏe mạnh và cho ra hoa đúng dịp tết, đòi hỏi người chăm sóc phải có bí quyết.

Ông Ba Cao cho biết, cây mai cũng giống như đứa con tinh thần của ông vậy. “Khi thấy nó đang có dấu hiệu kiệt sức, còi cọc, ngoài việc bón phân, tưới nước, chăm sóc tỉ mỉ, cần mẫn, người nghệ nhân còn phải có niềm đam mê và dành tình yêu thương thì mới mong cây sống lại”- ông chia sẻ. 

Hoa mai giảo trong vườn kiểng của ông Ba Cao.

Hầu hết các loại mai trong vườn nhà ông Ba Cao đều là mai giảo, có nguồn gốc từ Thủ Đức. “Gọi là mai giảo, vì nó có độ bền theo thời gian. Hoa có nhiều cánh dày và đều, bông lớn, màu sắc rực rỡ. Khi trổ, hoa nằm chắc trên nhánh cây đến 5-6 ngày, trong khi mai thường chỉ được 2-3 ngày thì rụng. Tên mai giảo do dân gian đặt từ rất lâu, vì có thân cổ thụ, được các nghệ nhân ưa chuộng khi dùng kỹ thuật cắt ghép và tạo các thế đẹp.”- nghệ nhân Ba Cao giải thích.

Trước tình trạng mưa trái mùa, thời tiết bất thường như đợt tết vừa qua làm nhiều nhà vườn khốn đốn vì năng suất ra hoa của các loài mai giảm đáng kể. Nhưng đến với vườn mai của ông Ba Cao, ai cũng trầm trồ khen vì ngoài hình dáng đẹp, những mai còn nở hoa nhiều và đúng vào dịp tết. 

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, vườn mai của gia đình ông Ba Cao lúc nào cũng sắc vàng rực rỡ. Ông cho biết, nghề trồng và chăm sóc mai kiểng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, mỗi năm thu về trung bình khoảng 80-100 triệu đồng từ công chăm sóc và bán mai kiểng.

Tâm Giang- Sông Ninh

Tin cùng chuyên mục