Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trung bình mỗi năm thanh tra Bộ Lao động phát hiện hơn 25.000 sai phạm về lao động ở doanh nghiệp cả nước, chủ yếu liên quan đến hợp đồng, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỷ luật và trách nhiệm vật chất.

Trung bình mỗi năm thanh tra Bộ Lao động phát hiện hơn 25.000 sai phạm về lao động ở doanh nghiệp cả nước, chủ yếu liên quan đến hợp đồng, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỷ luật và trách nhiệm vật chất.
Con số này được ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra tại hội thảo “Thanh tra lao động và cải thiện tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động”, diễn ra sáng 19.3 ở Quảng Ngãi.
Ông Tùng cho biết, trung bình mỗi năm thanh tra lao động cả nước thực hiện từ 4.500 đến 5.000 cuộc thanh tra, phát hiện 25.000-30.000 sai phạm. Xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn thường xuyên xảy gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, môi trường pháp lý về lao động, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.
![]() |
Các chuyên gia phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, trong đó chủ yếu do nguồn cung lao động quá lớn so với nhu cầu. Do đó doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận đã vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ Lao động phân tích thêm: “Các cơ quan xử lý sai phạm của doanh nghiệp chưa nghiêm, hiểu biết pháp luật của chủ sử dụng còn hạn chế, chủ nước ngoài lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư từ nước ngoài của nhà nước và các tỉnh thành để cố tình vi phạm pháp luật lao động mà không sợ bị xử lý…”.
Ông Tiến cho biết, hầu hết doanh nghiệp sai phạm trong lĩnh vực ký hợp đồng lao động như ký không đúng loại hợp đồng, nội dung các điều khoản không cụ thể về địa điểm, công việc làm; lương trả thấp hơn mức lương tối thiểu, không trả đủ lương làm thêm giờ, làm việc vào ngày chủ nhật, lễ, tết, không xây dựng và đăng ký thang bảng lương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tham gia bảo hiểm xã hội không đầy đủ cho người lao động, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội; xử lý kỷ luật lao động không đúng trình tự thủ tục, không đúng thẩm quyền, sa thải người lao động không báo cáo với Sở Lao động tại địa phương…
“Về phía người lao động do hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, tác phong công nghiệp, trình độ tay nghề còn thấp chưa thể đáp ứng kịp đòi hỏi của nền công nghiệp hiện đại nên rủi ro trong quan hệ lao động như mất việc làm, tai nạn lao động, bị kỷ luật... là rất cao”, bà Trần Thị Vân Thu, chuyên gia về an toàn vệ sinh lao động cảnh báo.
Thống kê của Thanh tra Bộ, số sai phạm nhiều như vậy nhưng hiện nay chỉ khoảng 700 doanh nghiệp bị xử phạt. Thậm chí có những địa phương, UBND các tỉnh quy định tất cả đoàn thanh tra không được làm việc quá nửa ngày tại một doanh nghiệp và chỉ được tiến hành thanh tra tại doanh nghiệp khi được sự đồng ý của tỉnh.
(Theo VNE)