Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thế giới ghi nhận hơn 27 triệu người nhiễm, gần 883.000 người chết do nCoV, ca nhiễm đang tăng ở nhiều nước sau thời gian ngắn dịch bệnh ổn định.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 27.040.433 ca nhiễm và 882.960 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 281.498 và 5.180 ca sau 24 giờ, trong khi 19.139.562 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Y tá chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Tây Java, Indonesia ngày 3/9. Ảnh: AFP.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.428.442 ca nhiễm và 192.809 người chết, tăng lần lượt 42.857 và 782 ca so với một ngày trước đó. Thành phố New York hoãn mở lại trường học đến 21/9 để cho các nhà trường nhiều thời gian chuẩn bị hơn, khi nhiều trường đại học ghi nhận ca nhiễm tăng cao sau khi học kỳ mùa thu khai giảng.
Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington đưa ra ước tính đến ngày 1/1 năm sau, 410.000 người sẽ chết vì nCoV ở Mỹ, tức là hơn 220.000 người chết trong 4 tháng tới, nếu xu hướng giảm đeo khẩu trang đang xuất hiện ở nhiều khu vực tiếp diễn. Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci nhấn mạnh một trong những cách giúp Mỹ tránh được kịch bản xấu này là sử dụng khẩu trang nhiều hơn.
Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams ngày 5/9 nói rằng các bang nên chuẩn bị cho kịch bản phân phối vaccine trước ngày 1/11 để đề phòng trường hợp một vaccine được phê chuẩn vào thời điểm đó. "Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi hy vọng sẽ có vắc xin vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau", Adams nói.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, số ca tử vong tăng lên 126.203 sau khi ghi nhận thêm 619 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 31.199 trong 24 giờ qua, lên 4.123.000.
Quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh đã trở thành nơi thử nghiệm quan trọng cho các loại vaccine Covid-19 tiềm năng. Họ đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba cho 4 loại đang được phát triển.
Bất chấp nhiều chỉ trích về cách ứng phó Covid-19, Tổng thống Bolsonaro bất ngờ nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ. Ông luôn xem nhẹ Covid-19 và bác lời khuyên của giới khoa học, cho rằng phải nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế.
Colombia, vùng dịch lớn khác ở Mỹ Latin, ghi nhận 658.456 ca nhiễm và 21.156 ca tử vong, tăng lần lượt 8.394 và 270. Nước này từ 1/9 dỡ bỏ hạn chế sau khi phong tỏa toàn quốc từ hồi tháng ba, dẫn đến việc đóng cửa nhiều doanh nghiệp, khiến tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Colombia hiện trong giai đoạn hạn chế chọn lọc. Hạn chế tổ chức sự kiện và tụ tập đám đông lớn sẽ tiếp tục trong tháng này trong khi nhiều hoạt động kinh tế được nối lại với các quy định để đảm bảo an toàn.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ bảy thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 636.884 ca nhiễm và 14.779 ca tử vong, tăng lần lượt 1.806 và 101 ca.
Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Matshidiso Moeti cuối tháng 8 nhận định châu lục này "dường như đã qua đỉnh dịch" với số ca nhiễm mới giảm dần. Chính phủ Nam Phi đã dần nới lỏng hạn chế để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết nỗi lo lắng lớn nhất của họ là có thể xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng cảnh báo ca nhiễm có thể gia tăng trở lại nếu người dân lơ là cảnh giác.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 110 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 17.759. Số ca nhiễm tăng 5.205, lên 1.020.310. Nga dự kiến tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V cho nhóm dân số có nguy cơ nhiễm nCoV cao sẽ bắt đầu vào tháng 11-12.
Nga hôm 31/8 bắt đầu dỡ bỏ hạn chế ngăn dịch ở phần lớn các khu vực của đất nước khi hàng triệu học sinh bước vào năm học mới giữa đại dịch. Website thông tin về chống Covid-19 của chính phủ cho hay học sinh sẽ không bị bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học, nhà ăn hoặc giờ nghỉ trưa, song sẽ được kiểm tra thân nhiệt khi tới trường.
Giáo viên và học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang ở thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga. Giới chức cho biết tất cả nhân viên trường học ở thủ đô đã được xét nghiệm nCoV.
Pháp ghi nhận 8.550 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 317.706, trong đó 30.724 người chết. Ca nhiễm ở Pháp tăng trở lại sau một quãng thời gian kiềm chế được dịch, nhưng chủ yếu tập trung ở người trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứn nên không tạo ra áp lực mới với hệ thống bệnh viện.
Hơn 12 triệu trẻ em Pháp trở lại trường học vào ngày 1/9. Trẻ em trên 11 tuổi phải đeo khẩu trang trong lớp. Người lớn cũng phải đeo khẩu trang mọi lúc tại nơi làm việc, cả trong văn phòng và nhà máy.
Iran báo cáo 22.154 người chết sau khi ghi nhận thêm 110 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 1.894 , lên tổng cộng 384.666 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.
Dù nhiều phụ huynh lo lắng về nguy cơ lây lan nCoV, Iran mở lại trường học từ ngày 5/9 với các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo mức tăng kỷ lục 90.600 ca nhiễm và 1.044 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 4.110.839 và 70.679.
Dù ca nhiễm đang tăng mạnh, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi thể hiện lạc quan bằng cách chỉ ra tỷ lệ hồi phục cao tại Ấn Độ, với khoảng 75% tổng số ca nhiễm đã bình phục. New Delhi đang thảo luận với Moskva về vaccine Sputnik V.
Ấn Độ gần đây nới lỏng nhiều hạn chế hơn để giảm bớt áp lực kinh tế và sẽ cho phép tàu điện ngầm ở khu vực đô thị hoạt động trở lại từ ngày 7/9. Tại thành phố Bengaluru, hàng nghìn quán rượu được phép phục vụ rượu cho khách hàng từ 1/9 sau khoảng gần 6 tháng hoạt động này bị cấm. Họ vẫn phải đảm bảo quy định về giãn cách xã hội và chỉ được hoạt động với 50% công suất.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 234.570 ca nhiễm và 3.790 ca tử vong, tăng lần lượt 2.529 và 53 ca.
Philippines giữ một số hạn chế trong và xung quanh thủ đô cho đến cuối tháng 9 để kiềm chế ca nhiễm gia tăng. Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi công chúng tuân thủ những biện pháp giữ an toàn.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 190.665 ca nhiễm, tăng 3.128 trường hợp so với hôm trước, trong đó 7.940 người chết, tăng 108 ca. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Indonesia báo cáo hơn 3.000 ca trong 24 giờ.
Thủ đô Jakarta hôm 27/8 gia hạn hạn chế xã hội thêm hai tuần, các nhà hàng và nơi thờ phượng phải tiếp tục hoạt động với công suất hạn chế. Tổng thống Joko Widodo hôm 1/9 nói dịch ở Indonesia nhiều khả năng đạt đỉnh vào tháng này, đồng thời cho biết ông "rất tự tin" về khả năng tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.982 người nhiễm, tăng 34 ca. Họ ghi nhận 27 người chết. Giới chức lại phát hiện ổ dịch mới ở khu ký túc xá cho lao động nước ngoài, sau khi tuyên bố hồi tháng trước rằng tất cả công nhân sống trong ký túc xá đã hồi phục hoặc đã làm xét nghiệm. Singapore từ đầu tháng này đã nối lại đi lại với một số nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 2/9 thừa nhận nước này có nhiều thiếu sót trong nỗ lực ứng phó Covid-19. Ông cho rằng nếu có cơ hội làm lại, chính phủ Singapore sẽ ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang sớm hơn, đồng thời cách ly toàn bộ công dân từ nước ngoài về, thay vì chỉ áp dụng với những người nhập cảnh từ một số quốc gia nhất định.
WHO ngày 5/9 hoan nghênh việc một lượng đáng kể vaccine tiềm năng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ không bao giờ ủng hộ một loại vaccine chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Nguồn VNE