PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hơn 500 văn bản và câu chuyện “tam sao…”
Thứ hai: 05:13 ngày 05/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - A lô, Bàn Dân đó hả, thức dậy chưa cho hỏi thăm chuyện này chút coi?

- Xin lỗi ông à, lúc này là tháng “chưa nằm đã sáng” mà bây giờ thì mặt trời đã lên khỏi chân trời làm sao ngủ nướng được, lại còn nghe ông réo điện thoại giựt ngược nữa.

- Ờ há, đáng lẽ tôi phải xin lỗi ông mới đúng. Tại vì suốt đêm qua tôi cứ ấm ức chuyện này, mà phải chờ tới sáng mới gọi hỏi thăm ông. Số là hồi hôm tôi lướt mạng, bắt gặp một tin có cái tựa rất “giựt gân” là “Hơn 500 văn bản xin ý kiến/năm, chứng tỏ Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) không có chút năng động nào”.

Đọc vô bài mới biết, trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở Hà Nội, tại một buổi thảo luận tổ về việc ban hành nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, chiều 30.5, một vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) “rất băn khoăn với câu chuyện Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) nói, một năm TP.HCM có hơn 500 văn bản xin ý kiến. Ông cho rằng: Điều này thể hiện TP.HCM không có một chút nào năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm”.

Đọc tin đó, tôi thắc mắc vô cùng. Theo tôi biết, xưa nay TP.HCM có tiếng là điạ phương năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước về nhiều phương diện, sao nay lại nổi lên thông tin khá nóng bỏng với nhận định đánh giá không mấy tốt đẹp như thế?! Thế là tôi phải đi tìm đọc tất cả thông tin của các báo liên quan đến kỳ họp Quốc hội, nhưng vẫn không thấy cái phát biểu về “hơn 500 văn bản xin ý kiến” ấy ở đâu hết. Sao lạ vậy ông, chẳng lẽ vị đại biểu dân cử ấy lại “dựng chuyện” trên diễn đàn cơ quan quyền lực cao nhứt nước?

- Ông thắc mắc như thế là không sai, mà vị đại biểu ấy cũng không dựng chuyện.

- Là sao? Sao tôi không tìm thấy thông tin ấy ở rất nhiều báo có đưa tin kỳ họp?

- Có gì đâu, chẳng qua là vị đại biểu ấy nhắc lại câu chuyện về “hơn 500 văn bản…” từ một lời phát biểu tại một hội nghị diễn ra ở TP. HCM đã hơn một tháng rưỡi trước, chớ không phải tại kỳ họp Quốc hội hiện giờ. Còn câu phán xét về tính năng động, sáng tạo gì đó, theo Bàn Dân nghĩ là còn phiến diện lắm, vì nó chỉ mới căn cứ trên hiện tượng “hơn 500 văn bản/năm” chứ chưa có sự phân tích thấu đáo về hiện tượng ấy. Nghĩa là ông đã gặp phải câu chuyện kể đi nhắc lại nhiều lần nên “tam sao thất bổn”, cùng với cách viết báo “giựt tít câu viêu” thôi.

- Ông nói nghe khó hiểu thấy mồ, nếu ông có nắm rõ vấn đề thì làm ơn cắt nghĩa cặn kẽ cho tôi bớt… ấm ức đi?

- Mắc gì ông ấm ức?

- Sao không mắc, dù sao thành phố lớn đó cũng kề cận tỉnh mình, cũng cùng trong một khu vực trọng điểm phát triển của cả nước, cũng “môi hở răng lạnh” chớ ông! Ông biết gì làm ơn nói tôi nghe đi?

- Nói cho chính xác là tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP. HCM hôm 16.4.2023, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT có phát biểu “về việc địa phương gửi 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ KH-ĐT đã có 604 văn bản trả lời.

Từ đây liên hệ tới vấn đề tình trạng các cơ quan hành chính, công chức, viên chức của TP.HCM không dám làm dẫn đến đình trệ”. Về việc này, vị Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, “sau khi có phản ánh, địa phương đã chỉ đạo phân tích các văn bản đã xin ý kiến.

Qua dữ liệu, TP.HCM nhận thấy các văn bản xin ý kiến thuộc 4 nhóm, cụ thể: Nhóm 1: nội dung là các vấn đề thực tiễn của TP.HCM phát sinh, quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi ý kiến về hướng xử lý.

Nhóm 2: những vấn đề đã có quy định nhưng còn sự khác nhau giữa luật này và luật kia nên phải hỏi để thống nhất hướng giải quyết. Nhóm 3: những vấn đề đã có quy định nhưng cách hiểu còn khác nhau. Nhóm 4: những vấn đề đã có trong quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn nên phải hỏi”.

Qua phân tích của người đứng đầu chính quyền TP. HCM, ông thấy có phải là do các nguyên nhân: vấn đề mới phát sinh pháp luật chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng quy định không thống nhất giữa các luật, hoặc cách hiểu về quy định pháp luật có khác nhau, hoặc do việc nghiên cứu quy định pháp luật có nhiều điểm chưa chắc chắn.

Ông thử nghĩ coi, nếu như ông là người có trách nhiệm phải giải quyết một vấn đề có liên quan đến pháp luật mà “đụng phải” những tình huống như thế ông có nên lập văn bản xin ý kiến cấp có thẩm quyền hay không? Hay là ông “mắt nhắm mắt mở” giải quyết theo sự “mờ ớ” của chính mình?

- Khó thật hả ông. Gặp trường hợp khó xử vì pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ ràng mà “dám nghĩ dám làm” theo ý mình thì… rất “dễ chết”. Còn “biết sợ sai” phải gửi văn bản xin ý kiến cấp trên lại bị nhận xét là không năng động, sáng tạo.

- Theo Bàn Dân nghĩ, công chức làm công vụ có sự cẩn trọng như thế vẫn tốt hơn là “nhắm mắt làm càn”. Cho dù có được tiếng là “dám nghĩ, dám làm” để rồi phải “ăn ngủ không yên” vì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra thì… “tổn thọ” lắm!

- Vậy là tôi đã hiểu vì sao luật phải ban hành liên lục, rồi lại phải sửa đổi, bổ sung liên tục.

- Như vậy là ông hết “lăn tăn” cái vụ 500 văn bản và câu chuyện “tam sao thất bổn” rồi chứ!

Bàn Dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh