Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ba năm một lần người dân lại tổ chức lễ hội, phải treo thịt lợn lên trên hòn Dạ Há thì khi xoay hòn đá đó mới chuyển động được. Hòn đá Dạ Há xoay về hướng nào, coi như cả vùng đó làm ăn không được, gặp nhiều điều xui xẻo...
Hòn đá Dạ Há ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) đến nay vẫn chứa đựng nhiều điều huyền bí đối với người dân nơi đây. Ba năm một lần người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội, phải treo thịt lợn lên trên hòn Dạ Há (kiểu như cho hòn đá ăn thịt) thì khi xoay hòn đá đó mới chuyển động được. Hòn đá Dạ Há xoay về hướng nào, coi như cả vùng đó làm ăn không được, gặp nhiều điều xui xẻo...
Từ trong truyền thuyết
Theo ông Bùi Văn Phức, chủ tịch UBND xã Văn Sơn thì hiện không có sử sách nào ghi lại về lễ hội thờ cúng hòn đá Dạ Há. Ngoại trừ cụ Bùi Văn Nhưởng (hơn 80 tuổi), hiện không ai hiểu về hòn đá này.
Cụ Nhưởng vốn là thầy mo trong làng nên khá am hiểu về các lễ hội, tục lệ của làng. Cụ đã được nghe ông bà kể khá nhiều về những câu chuyện liên quan đến hòn Dạ Há. Cụ Nhưởng bảo: Hòn Dạ Há này có từ lâu lắm rồi, ngày nhỏ tôi đã được nghe ông nội kể về sự linh thiêng của nó. Nhưng để biết nó có từ bao giờ thì chưa có sử sách, tư liệu nào trong làng ghi lại. Theo tục lệ của người Mường nơi đây thì cứ ba năm tổ chức một lần lễ hội, trước lễ hội thường tổ chức các trò kéo co, ném còn. Đây không chỉ là nét sinh hoạt riêng của người dân xã Văn Sơn mà còn là của cả xứ Mường này. Dân làng trong các thôn bản phải đóng góp trâu, gà, lợn để ăn uống trong 3 ngày diễn ra lễ hội.
Hòn đá Dạ Há đến nay vẫn chứa đựng nhiều điều huyền bí |
Nhiều người dân còn kể cho nhau nghe câu chuyện về một anh du kích ở Tân Lạc, trong một lần bị quân Pháp truy quét đã bị bắn gẫy chân. Anh du kích cố bò lết tìm nơi ẩn nấp, mong sao thoát khỏi sự truy sát của địch. Nhưng biết chân mình chảy nhiều máu, chắc chắn bọn địch sẽ tìm ra anh từ những vết máu đó và sẽ bắn chết anh ngay lập tức, anh cố lết vào đình để ẩn nấp. Anh lính chỉ biết cầu khấn thần miếu và hòn Dạ Há mong sao cho bọn lính đừng tìm ra dấu vết của mình. Và cuối cùng điều kỳ diệu đã xảy ra, không biết lính Pháp mất dấu vết hay vì nguyên do gì đó mà bọn chúng đã bị đánh lạc hướng.
Nguồn nước giếng kỳ lạ
Ở gần hòn đá Dạ Há trước đây còn có một chiếc giếng khá linh thiêng. Người dân nơi đây gọi là giếng Biệng (tên trùng tên với xóm Biệng). Điều lạ là trước khi mùa lễ hội diễn ra, giếng nước cạn kiệt không có bất cứ giọt nước nào, nhưng khi tổ chức lễ hội người dân dâng lễ vật trước giếng, nước ở các khe giếng cứ thế tuôn ra. Theo tục lệ của người dân nơi đây, trước hội là lễ múc nước cho vua ở giếng tại ruộng Tình Khêng.
Cụ Nhưởng nhớ lại: "Vào các mùa trong năm, giếng này rất ít nước. Nhất là vào mùa khô hạn, thì đến một giọt cũng hiếm". Lễ hội năm đó, gia đình ông Nhưởng phải làm nhiệm vụ be bờ để dẫn nước từ giếng về hòn đá Dạ Há để làm lễ. Lúc đó cụ Nhưởng mới khoảng 13 tuổi, được bố cho đi theo để hỗ trợ lấy nước làm lễ. Thấy bố sai bảo lấy đất để be xung quanh cái miệng giếng, cụ Nhưởng thắc mắc rằng, vào mùa khô hạn thế lấy đâu ra nước mà lấy bây giờ. Nhưng thấy bố làm việc miệt mài nên cụ Nhưởng cứ làm theo lời bố mình chỉ bảo.
Cụ Nhưởng cho rằng, không cho đá Dạ Há ăn thịt, sẽ không xoay được |
"Bố tôi bảo rằng, con hãy chờ đến 12h đêm (đúng giờ hoàng đạo) thì ra lấy nước về đóng rượu cần cho vua uống khi làm lễ. Tôi liền cãi lại, chờ cả ngày chả thấy nước đâu, đêm thì lấy đâu ra nước mà lấy". Nhưng điều kỳ lạ, khi cụ Nhưởng ra đến nơi, những mạch nước vốn khô nứt, giờ đã chảy ra nguồn nước trong vắt, mát lạnh. Điều đó khiến cụ Nhưởng vô cùng ngạc nhiên, chính cụ cũng phải công nhận nguồn nước đó là có thật. Vì chính tay cụ lấy nguồn nước từ giếng Biệng về làm lễ.
Hòn đá ăn thịt người?
Cụ Nhưởng cho biết: Theo quan niệm của người Mường, Dạ Há là con vật ác, con vật này thường ăn thịt người. Hòn đá Dạ Há được đặt ở phía đông nam so với nhà đình, ngay cạnh sân đình. Người Mường thường cúng bằng cách vần tượng Dạ Há vào ngày mở hội, để xoay tượng Dạ Há theo bốn hướng: đông tây nam bắc.
Chúng tôi được cụ Nhưởng dẫn tới bên hòn đá Dạ Há, lâu ngày không được chăm sóc nên hòn đá bị vây bủa bởi những bụi cây cối um tùm xung quanh. Tảng đá Dạ Há là những khối đá được đè lên nhau, ở giữa là hốc đá được làm giống như miệng một con quái vật. Cụ Nhưởng bảo, khi các thanh niên lực lưỡng chuẩn bị đòn khênh để xoay hòn đá theo các hướng, nếu không chuẩn bị một mâm cỗ và treo một tảng thịt lợn vào cổ tảng đá thì sẽ không thể xoay hòn đá đó được.
Để xác định hướng xoay hòn đá Dạ Há, mọi người thống nhất và cử ra một thầy mo để gieo quẻ âm dương. Nếu thầy mo gieo quẻ nằm sấp thì hòn Dạ Há sẽ phải xoay về hướng đông tây, còn quẻ nằm ngửa sẽ phải quay về hướng nam bắc. Các thanh niên trong làng xoay đá đúng theo hướng đã gieo quẻ thì dừng lại. Theo cụ Nhưởng, việc xác định vị trí hòn Dạ Há quay về hướng nào rất quan trọng. Nếu mồm Dạ Há chếch về hướng nào, cả vùng đó dân chúng thường gặp những điều thiếu may mắn, người trong làng hay bị ốm đau, cây trồng và vật nuôi bị mất mùa.
Cụ Nhưởng xác nhận: "Từ khi tôi nhỏ đến lúc lớn lên, chưa thấy hòn đá Dạ Há quay về các thôn trong xã mình. Có năm hòn đá quay về hướng Thượng Cốc (huyện Tân Lạc), năm đó họ làm ăn mất mùa, nhiều điều không hay xảy ra, thiệt hại nhiều quá, họ bèn cử một đám thanh niên lên xoay trộm cho hòn đá đi hướng khác. Nhưng đám người to khoẻ gồng hết sức mà hòn đá vẫn không nhúc nhích".
Theo ông Bùi Văn Phức, chủ tịch UBND xã Văn Sơn thì trước đây dân làng 3 năm tổ chức kéo hội một lần. Nhưng, sau thời kỳ cải cách ruộng đất, đình và miếu bị xuống cấp, rồi đổ nát. Từ đó đến nay cũng không ai đứng ra tổ chức lễ hội nữa. Chiếc giếng bình thường đang cạn khô nhưng sau khi tổ chức lễ hội thì tự nhiên lại chảy nước. Ông Phức cũng đã hỏi nhiều cụ cao niên trong làng, nhưng các cụ chỉ lắc đầu và bảo đó là điều kỳ bí của cả xứ Mường này. |
Theo Bee