Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Như nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại nước ta đều tăng, đặc biệt là tỷ lệ tử vong. Hơn một nửa số bệnh nhân ung thư tử vong trong một năm là thách thức của ngành y tế.
Thông tin được GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tại Hội nghị khoa học Quốc tế Hội miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam lần thứ nhất.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 1-2/8, do Hội miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Phương Đông tổ chức.
"Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư hàng năm đều tăng, đặc biệt là tỷ lệ tử vong. Hơn một nửa số bệnh nhân ung thư tử vong trong một năm là thách thức của chúng ta dù trong thời gian qua chúng ta đã cố gắng rất nhiều", GS Khoa cho biết.
Mỗi năm nước ta có trên 180.000 ca mắc ung thư mới, trên 120.000 người tử vong. Nếu tính cả số đã mắc hiện còn sống, nước ta có hơn 354.000 người sống chung với bệnh ung thư.
Liệu pháp miễn dịch đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị ung thư (Ảnh minh họa: EurekAlert).
Theo ông, về chẩn đoán, Việt Nam có hầu hết tất cả các phương tiện chẩn đoán hiện đại. Dấu ấn lớn nhất là kỹ thuật sinh học phân tử, nhờ đó các bác sĩ xác định được nhiều đột biến gen giúp cá thể hóa quá trình chẩn đoán, điều trị, từ đó mở ra con đường mới trong điều trị ung thư.
Về điều trị, các phương pháp điều trị của nước ta cũng tiệm cận với thế giới, trong đó có điều trị đích, điều trị miễn dịch.
Điều trị đích thực chất là tác động trực tiếp vào tế bào ung thư, tiêu diệt trực tiếp tế bào ung thư bằng kháng thể đơn dòng, phân tử nhỏ. Trong khi đó, cơ chế của điều trị miễn dịch ung thư liên quan chặt chẽ đến việc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch.
Hai phương pháp này đều đã được chứng minh tính hiệu quả tuy nhiên điểm hạn chế là không phải trường hợp nào cũng áp dụng được. Và một điều tất yếu không thể tránh khỏi là hiện tượng kháng thuốc điều trị sau một thời gian.
GS.TS Phạm Văn Thức, Chủ tịch Hội miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam (Ảnh: B.V).
GS.TS Phạm Văn Thức - Chủ tịch Hội miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam - cho biết thêm, những năm gần đây, tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh ung thư trên thế giới và Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng do nhiều yếu tố khách quan như già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ…
Việt Nam đã cập nhật và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, khả năng chẩn đoán sớm và điều trị ung thư như PET-CT, đột biến di truyền, đột biến gen... ngang tầm với nhiều nước trong khu vực
Các phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, y học hạt nhân. Gần đây có một phương pháp mới là miễn dịch trị liệu ung thư, sử dụng kháng thể đơn dòng, các tế bào miễn dịch, các thuốc tăng cường miễn dịch ung thư… Trong đó, nổi bật là phương pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch.
"Phương pháp miễn dịch trị liệu ung thư đã được áp dụng rộng rãi, thành công ở nhiều nước trên thế giới. Sự ra đời của các phương pháp này thực sự là cuộc cách mạng trong điều trị ung thư, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống và đẩy lùi bệnh ung thư trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam", GS Thức nhấn mạnh.
Vì thế, ông hy vọng hội nghị này sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, tạo cơ hội cho các nhà khoa học, bác sĩ trong và ngoài nước gặp gỡ chia sẻ kiến thức từ đó nâng cao năng lực chuyên môn và vận dụng trong điều trị thực tiễn, mang tới cơ hội sống khỏe cho các bệnh nhân ung thư.
PGS.TS.BS Nguyễn Trung Chính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, cho biết, hội nghị này là cơ hội để các y bác sĩ cập nhật các tiến bộ y tế mới nhất trên thế giới, ứng dụng trong thăm khám và điều trị chuyên sâu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Đây cũng là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia miễn dịch trị liệu ung thư cùng nhau trao đổi cách chăm sóc toàn diện cho người bệnh trong bối cảnh ung thư ngày càng trẻ hóa. Thông qua hội nghị, các phương pháp trong điều trị đích và miễn dịch trị liệu ung thư được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới đã và đang và sẽ triển khai nhiều ở Việt Nam.
Mục đích giúp cho bệnh nhân ung thư sống lâu hơn, sống dài hơn và nếu phát hiện sớm có thể khỏi bệnh ví dụ như bệnh nhân ung thư vú.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 1.000 chuyên gia, cán bộ y tế trong và ngoài nước với 40 báo cáo khoa học. Trong đó có các nội dung về ứng dụng liệu pháp miễn dịch như các kỹ thuật sinh học phân tử - miễn dịch, kỹ thuật nuôi cấy tế bào trị liệu miễn dịch, ứng dụng liệu pháp miễn dịch, các thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch và một số phương pháp điều trị khác...
Nguồn dantri.com.vn