Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hồn rác
Thứ bảy: 22:50 ngày 05/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đống rác ngày một thêm to, bốc mùi nồng nặc, người ngồi trên xe máy đi qua đoạn đường có đống rác, ai cũng phải đưa tay lên bịt mũi.

1. Đại dịch Covid-19 được khống chế, cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Giá đất lên cơn sốt. Đất mặt tiền càng sốt cao, giá lên ngất ngưởng. Người ta đua nhau làm “cò” đất. Bạn tôi, nó làm mướn thời vụ, đến rủ tôi cùng làm cò với nó: “Dễ kiếm tiền lớn lắm mày ơi!”. Nhiều nhà nông bán đất trúng to, trở thành “đại gia”. Cuộc sống từ túng thiếu vụt cái trở nên vương giả. Có nhiều tiền, người ta cũng bỏ nghề làm nông cha truyền con nối xưa nay.

Tư Chảnh bán được thửa đất mặt tiền, lập tức đập bỏ căn nhà cấp bốn, cất căn nhà lầu mái Thái, sắm chiếc ô tô bảy chỗ giá hơn 2 tỷ đồng, thêm dàn karaoke xịn. Đồ cũ trong nhà, lớp bán ve chai, lớp đem bỏ ngoài bãi rác, thay vào toàn đồ mới loại xịn. Vợ Tư Chảnh bỏ việc trồng cấy, chăn nuôi bấy lâu nay, ít chơi bời, qua lại với chòm xóm như lúc trước. Thị giao du với những người có nhiều tiền, rủ nhau đến các chỗ làm đẹp, đi du hí đây đó, vào siêu thị mua hàng xịn, trang phục lộng lẫy, vàng vòng như quý bà.

Thửa đất Tư Chảnh bán, chủ đất mới bỏ hoang, chờ giá lên cao nữa. Đất bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm, hằng ngày, vợ Tư Chảnh sai người làm công đem rác ra bỏ thành đống. Thấy vậy, nhiều nhà trong xóm cũng mang ra bỏ, lâu dần thành đống rác to. Về đêm, bầy chó mèo lùng sục, bới móc kiếm đồ ăn thừa, chúng tranh cướp miếng ăn, tranh giành bạn tình, cắn xé lẫn nhau. Còn ban ngày, đây là nơi những người nghèo lượm ve chai đến tìm bới. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tấm biển ghi dòng chữ “cấm đổ rác” chả biết ai lén lút sửa lại thành “cứ đổ rác”.

Tư Chảnh không còn thân thiết với những người bạn nông dân như trước, bỏ hẳn chuyện uống rượu đế, chuyển qua uống rượu tây, bia ngoại. Nhà Tư Chảnh khách khứa ra vào nhộn nhịp, sau tiệc nhậu bù khú họ thi nhau giành karaoke, âm thanh ầm ĩ. Ca riết cũng nhàm, họ rủ nhau tổ chức khiêu vũ. Mà đã khiêu vũ thì phải “có kép, có đào”. Mấy cặp vợ chồng lúc đầu chồng là kép, vợ là đào, sau đổi đào, đổi kép qua lại cho vui.

Nhóm khiêu vũ ngày càng thêm đông người, mấy ả độc thân hăng hái tham gia. Không đủ cặp đào-kép, họ bày ra trò bắt thăm, kép bắt số lẻ, đào bắt số chẵn. Họ phân ra, kép nào có số lẻ nhỏ nhất cặp với đào có số chẵn lớn nhất, lần lượt theo thứ tự. Ả nào bắt phải thăm có số 00 thì làm khán giả, vừa ngồi xem các cặp đào-kép biểu diễn, vừa nhâm nhi rượu, bia, vỗ tay cổ vũ.

Tư Chảnh được cặp với ả đào trẻ, xinh đẹp, bộ đồ ả bận tuy sờn cũ nhưng khá trễ nải, để lồ lộ thân hình bốc lửa. Suốt buổi khiêu vũ, đào-kép cuốn lấy nhau, họ nhảy cũng khá nên được vỗ tay tán thưởng. Lúc cao trào, đào ngả người như nằm ngửa trên đùi kép, kép cúi rạp đỡ đào đứng lên, thuận tay kéo người đào sát vào ngực, hai tay đào đặt lên hai vai kép, hai tay kép ôm gọn eo đào. Vợ Tư Chảnh cũng tham gia nhóm khiêu vũ, ả cũng nhảy rất khá. Từ bữa bày ra trò bắt thăm, ả không được cặp với chồng lần nào. Có bữa ả bắt được thăm có số 00, ngồi một lát, ả lấy xe máy ra đi, không biết đi đâu. Tư Chảnh để mắt thấy vợ đã rời đi, nhân lúc cao trào, đưa miệng gắn vào môi ả đào, tiếng vỗ tay tán thưởng bôm bốp của mấy ả ngồi ngoài sàn nhảy.

Vợ Tư Chảnh biết chuyện chồng “cặp bồ” với ả đào, tính làm lớn chuyện, mấy ả kia rù rì “Hơi đâu đánh ghen, đời bi giờ chuyện ấy nhỏ, bỏ đi!”. “Lo mà hưởng thụ đi bà”. “Chồng ăn chả thì vợ ăn nem, tội gì làm lớn chuyện!”. Nghe mọi người nói vậy, vợ Tư Chảnh bỏ nhóm, ả đi nhảy với nhóm khác.

*  *  *

Tư Chảnh không tin vào mắt mình, trong đầu nghĩ “Không lẽ? Không thể nào!”. Gã bước nhanh đến bên ả, nắm tay ả kéo đi, hai người bước tới gốc cây xoài, nơi ánh sáng bóng đèn mờ ảo. Ả chủ động đưa hai tay lên ôm lấy cổ gã, đặt nụ hôn nóng rẫy vào miệng gã.

- Em! Em mua bộ đồ này ở đâu vậy?

- Bà già mua cho em đó, anh chỉ hứa lèo có mua cho em đâu.

- Bả mua ở đâu?

- Làm sao em biết, bả còn mua cho em cả nội y, đôi giày xịn nữa.

Tư Chảnh vừa hỏi vừa cúi xuống nhìn đôi giày ả đang đi, ngẩng lên nói với ả:

- Anh cũng mua một bộ đồ y chang bộ này, làm cả cái thẻ ATM nữa.

- Vậy ha? Anh giỏi ghê, thương quá đi! Mà anh để đâu rồi, sao không tặng cho em?

- Anh phải giấu, mụ vợ anh mà biết nổi xung lên, làm sao anh chịu nổi. Mà má em làm gì có nhiều tiền vậy?

- Ừa! Không biết bả lấy đâu nhiều tiền thế, hay bả trúng số? À, còn cái thẻ ATM nữa, bà già không biết mật khẩu, hên còn tờ giấy của ngân hàng ghi thông tin, tới 50 triệu lận anh.

Nghe ả nói vậy, Tư Chảnh bàng hoàng, hai tay đẩy ả ra, miệng ngắc ngứ:

- Bả! Bả làm nghề gì? Làm ở đâu. Ở đâu? Hả? Hả?

- Anh làm sao mà cuống lên thế? Bả lượm... lượm... Ờ mà em hổng biết, bả có nói đâu mà biết.

Về nhà, Tư Chảnh vội vàng hỏi vợ:

- Cái bao! Cái bao đựng rác em bỏ đâu rồi?

- Thì đầy rác, sai người làm công đem bỏ ngoài bãi rác chứ bỏ đâu.

- Chết! Chết tui rồi.

- Cái gì chết! Con bồ nó đá hả?

2.

Đống rác ngày một thêm to, bốc mùi nồng nặc, người ngồi trên xe máy đi qua đoạn đường có đống rác, ai cũng phải đưa tay lên bịt mũi.

Nửa đêm! Sau chầu nhậu say khướt, Tư Chảnh quýnh quáng bước ra sân, ra cổng hậu phía sau nhà. Ánh trăng lờ mờ huyền ảo, trong nhà đám bạn nhậu tranh nhau nói, ai cũng nói cười ỏm tỏi. Tư Chảnh bước đi như người mộng du, tay mở cánh cổng hậu, hai chân bước đi bồng bềnh, về phía có đống rác. Hình ảnh bộ đồ đầm xịn, đôi giày, cái thẻ trong tài khoản có 50 triệu để trong túi áo đầm cứ chập chờn, chập chờn…

Trong đám bạn nhậu, có người phát hiện chủ nhà bỏ đi, đã lâu không thấy trở lại, vừa lúc vợ Tư Chảnh về tới, mọi người cùng lao nhao hỏi: “Em! Em ơi! Tư Chảnh đi đâu lâu không thấy về?”. “Em vào trong nhà xem hay là ổng xỉn ngủ rồi”. Nghe mọi người nói, vợ Tư Chảnh vào trong bật công tắc tất cả các bóng đèn, mở cửa các căn phòng. Trống vắng. Không thấy chồng đâu. Thị bước ra hỏi: “Ổng đi lâu chưa? Mà đi với ai, hay lại đi theo con… con Ẩn bồ của ổng rồi?”. “Em Ẩn có bồ khác rồi, không còn cặp với Tư Chảnh nữa à!”. “Ổng say khướt rồi, thấy ổng đi ra phía sau hè nhà”. Mọi người cùng túa đi tìm, những tiếng gọi nháo nhác vang vọng thinh không.

Gần đống rác, lũ chó đi rông, chó hoang giành ăn cắn nhau ỏm tỏi. Ánh đèn pin của ai đó rọi vào nơi lũ chó đang cắn xé nhau. Tiếng la thất thanh: “Người ta! Ai đó té ngã gần đống rác kìa”. Mọi người có mặt trong nhà Tư Chảnh theo ánh sáng đèn pin, đèn từ điện thoại di động cùng chạy ra: “Tư Chảnh! Tư Chảnh té xỉu nè anh em ơi”.

Tiếng la, tiếng người gọi í ới, lũ chó thi nhau sủa inh ỏi. Âm thanh xé toạc màn đêm yên tĩnh, mùi hôi từ đống rác cũng bị đánh thức, bốc ra nồng nặc.

Tư Chảnh được đưa đi cấp cứu. Cô nhân viên y tế trực ca đêm làm động tác vệ sinh, rửa sạch mặt mũi cho nạn nhân. Miệng Tư Chảnh sưng vù, môi trên, môi dưới nhiều vết xước, vết răng cắn, máu chảy đầm đìa. Nguyên nhân được xác định: Tư Chảnh quá xỉn, té ngã, miệng ói ra thức ăn, lũ chó phát hiện nhao tới giành ăn. Lũ chó không chủ động tấn công người. Cô nhân viên trạm y tế, sau khi sơ cứu, nói với mọi người có mặt: “Phải đưa lên tuyến trên tiếp tục xử lý các vết thương, còn phải chích ngừa bệnh dại”.

Lành vết thương, miệng Tư Chảnh sẹo chằng chịt, người quen gặp mặt không ai nhận ra.

3.

Từ bữa Tư Chảnh thoát nạn, khỏi vết thương về nhà, cả hai vợ chồng bỏ hẳn việc tham gia nhóm khiêu vũ, không tổ chức ăn nhậu, ca hát om sòm tại nhà. Khu dân cư bớt được một đòn tra tấn từ dàn karaoke, chỉ còn mùi rác ngày thêm nồng nặc cùng lũ chó, mèo hoang về đêm làm náo loạn.

Cuối năm, trời chuyển mùa ít mưa, ngày nắng chang chang, đêm về ánh trăng sao lung linh huyền ảo, bầy chó vẫn tru lên văng vẳng. Trong nhà, vợ Tư Chảnh la oai oái, thị hết van xin khẩn thiết lại khóc nức nở: “Dạ! Dạ! Vâng! Vâng! Con xin bà, con xin nhận! Xin nhận”. Tư Chảnh lay gọi vợ mấy lượt. Thị tỉnh ngủ, mồ hôi túa ra: “Mơ! Mơ sợ quá! Khiếp quá!”. “Sao dạo này em hay mơ vậy?”. “Chả hiểu sao cả tháng nay cứ mơ thấy việc ấy, trùng lặp, sợ lắm. Sợ lắm!”.

Vợ chồng Tư Chảnh nuôi con chó lai giống béc-giê, thân hình to cao hơn hẳn bầy chó lảng vảng quanh đống rác, tên Dzu-ka, ban ngày xích cổ, đêm khoá cổng thả ra cho tự do trong khuôn viên có hàng rào kiên cố.

 Trời sáng tỏ, vợ Tư Chảnh ra mở cổng nhưng lại quên khuấy việc phải xích cổ con chó trước khi mở cổng. Con Dzu-ka lao vút ra ngoài. Lát sau nó quay lại, kéo lê vật gì đó, cố sức chạy từ đống rác về cổng nhà chủ. Phía sau, bầy chó nhao nhao đuổi theo. “Dzu-ka! Dzu-ka!”! Nghe tiếng gọi của bà chủ, Dzu-ka cố chạy đến bên, nó há miệng nhả ra một bọc vải nhàu nhĩ, rớt lên bàn chân bà chủ.

Thấy lạ, vợ Tư Chảnh cúi xuống nhìn, thấy trong bọc vải có vật gì đó cựa quậy. Một hài nhi, da tím tái, miệng mấp máy phát ra tiếng ọ ẹ yếu ớt. Thị la lên oai oái. Tư Chảnh nghe tiếng la thất thanh của vợ, vội chạy ra. Thị chỉ tay xuống trước mặt rồi bỗng hai chân sụp xuống, ngã sóng soài ra đất, bất tỉnh.

Tư Chảnh nhìn chiếc váy đầm, màu quen quen. Gã ngồi xuống dùng tay mở ra, trên ngực hài nhi là mảnh giấy, có mấy chữ ngoằn ngoèo. Gã cầm lên xem, tay vội vo mảnh giấy đút vào túi áo ngực, hai tay bế hài nhi lên.

Nhớ đến những giấc mơ kỳ lạ, xảy ra liên tiếp nhiều đêm, vợ Tư Chảnh kiên quyết xin được nuôi đứa nhỏ. Tư Chảnh không ngăn cản, gã cảm thấy yên lòng, cảm kích trước hành động của vợ. Gã thầm cảm ơn mụ vợ.

*  *  *

Lại nói đến người bạn rủ tôi đi làm cò đất. Sau vài vụ kiếm được ít vốn, anh rủ bạn hùn hạp, vay thêm tiền từ ngân hàng mua đất, chuyển sang làm “lái”, không làm “cò” nữa. Đất khi mua giá cao ngất, hết cơn “sốt”, tuột xuống còn phân nửa. Vậy mà cũng không ai mua. Đến kỳ đáo hạn vay, không có tiền trả phải giao toàn bộ đất mua, thêm cả đất nhà đang ở cho ngân hàng, cũng chưa hết nợ.

Đống rác được dời đi. Chủ mua lại thửa đất động thổ xây nhà mới. Dùng máy đào móng, thấy vật cứng lạ hở ra. Một quả bom. Loại bom trong chiến tranh được thả từ máy bay B25 của Mỹ xuống. Bom-rác chưa nổ. Tư Chảnh rùng mình.

N.K.L

Tin cùng chuyên mục