Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chính quyền lâm thời ra sắc lệnh cấm việc tụ tập trái phép và cho phép bắt giữ bất cứ ai được xem là “nguy hiểm” mà không cần trát của toà, đóng cửa kênh truyền hình Channel 36 và đài truyền thanh Radio Globo ủng hộ ông Manuel Zelaya.

Trước việc lực lượng ủng hộ Tổng thống bị đảo chính Manuel Zelaya lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ, chính quyền lâm thời tại Honduras đã đi trước một bước bằng việc tạm đình hoãn thực thi một số điều khoản liên quan đến quyền tự do công dân được quy định trong hiến pháp nước này.
Theo đó, chính quyền lâm thời của ông Roberto Micheletti đã ra sắc lệnh cấm việc tụ tập trái phép và cho phép bắt giữ bất cứ ai được xem là “nguy hiểm” mà không cần trát của toà. Đây là sắc lệnh hoàn toàn trái hiến pháp Honduras, cảnh sát chỉ được phép bắt giữ trong trường hợp hành vi phạm tội bị bắt quả tang.
![]() |
|
Ngoài ra, sắc lệnh này còn cho phép chính quyền tạm thời đóng cửa các cơ quan truyền thông nào “kích động gây bất ổn trật tự xã hội”. Quy định này được cho là nhằm “khoá miệng” các kênh truyền hình và đài truyền thanh ủng hộ ông Zelaya vì lo ngại Tổng thống bị đảo chính sẽ phát động “một cuộc khởi nghĩa”. Chỉ vài giờ khi sắc lệnh có hiệu lực, kênh truyền hình Channel 36 và đài truyền thanh Radio Globo đã bị ngưng phát sóng.
Trả lời phỏng vấn của giới báo chí từ sứ quán Brazil, ông Zelaya chỉ trích sắc lệnh của chính quyền lâm thời và kêu gọi cộng đồng quốc tế bày tỏ thái độ phản đối. Trong khi đó ông Carlos Montoya, cựu quan chức trong chính phủ của ông Zelaya nói: “Chính quyền này bị bệnh thần kinh. Chúng tôi không muốn bạo lực, chỉ muốn đối thoại”.
Bất chấp sắc lệnh mới được ban hành chiều 27.9, những người ủng hộ ông Zelaya từ các tỉnh xa xôi vẫn liên tục đổ về Tegucigalpa. Trong những ngày qua, cảnh sát tỏ ra khá mạnh tay khi đàn áp những cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Zelaya. Có tin cho biết, đã có ít nhất 10 người biểu tình thiệt mạng, nhưng chính quyền lâm thời khẳng định số người chết chỉ có 3.
Trong khi đó, sau khi ra tối hậu thư cho chính phủ Brazil trong vòng 10 ngày phải có quyết định rõ ràng về “tình trạng” của vị Tổng thống Honduras bị đảo chính đang ẩn náu trong sứ quán Brazil tại Tegucigalpa; Ngoại trưởng của chính quyền lâm thời Carlos Lopez tuyên bố vì Brazil đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Honduras từ khi ông Zelaya bị đảo chính nên họ có quyền hạ cờ Brazil và dỡ bỏ quyền miễn trừ ngoại giao và “sứ quán Brazil không khác gì một văn phòng tư nhân”. Tuyên bố của ông Carlos Lopez ngầm đe doạ: Nếu chính phủ Brazil không nhanh chóng cho Tổng thống bị đảo chính tỵ nạn chính trị, họ sẽ tấn công vào sứ quán Brazil để bắt giữ, đưa ra toà xét xử tội phản quốc.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva rất giận dữ và tuyên bố chính phủ Brazil “không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào của những kẻ đảo chính”.
Mới sáng 27.9, Tổng thống lâm thời Micheletti nhấn mạnh sẵn sàng đón tiếp phái đoàn Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đến Tegucigalpa đóng vai trò trung gian đàm phán; đến sáng 28.9, Ngoại trưởng lâm thời Carlos Lopez lại từ chối chấp nhận việc OAS cử phái đoàn đến và cho rằng “chưa phải lúc”. Thậm chí, chính quyền lâm thời còn trục xuất 4 quan chức cấp cao của OAS đến Honduras hôm 27.9 với mục đích nối lại các cuộc đàm phán giữa ông Micheletti và ông Zelaya.
Đ.Hoàng Thái
(Theo AP/Reuters)