Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tình trạng căng thẳng tại quốc gia Trung Mỹ này vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống sau khi Tổng thống bị đảo chính Manuel Zelaya bí mật rời Nicaragua về nước, ẩn náu trong sứ quán Brazil tại thủ đô Tegucigalpa.

Tình trạng căng thẳng tại quốc gia Trung Mỹ này vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống sau khi Tổng thống bị đảo chính Manuel Zelaya bí mật rời Nicaragua về nước, ẩn náu trong sứ quán Brazil tại thủ đô Tegucigalpa. Những cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Zelaya biến thành bạo động khi cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay để giải tán hàng ngàn người tuần hành trên các ngả đường tiến về sứ quán Brazil.
Có tin cho biết một người biểu tình 65 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết tại quận Flor del Campo, 5 người khác bị thương khá nghiêm trọng đang được điều trị tại bệnh viện Escuela.
Bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế, Tổng thống lâm thời Honduras Roberto Micheletti vẫn từ chối “đối thoại” với ông Zelaya, thậm chí còn ra lệnh cho quân đội và cảnh sát phong toả sứ quán Brazil, cắt điện, nước và hạn chế việc cung cấp thực phẩm.
Cộng tác viên của hãng tin AP tường trình từ bên trong sứ quán Brazil cho biết, đã 3 ngày qua, nhiều người trung thành với ông Zelaya đã không được tắm rửa, cạo rậu và thay đổi quần áo. Hồ nước chứa trong sứ quán cũng đã cạn kiệt, mãi đến chiều 23.9 mới có xe chở nước đến.
![]() |
Do sứ quán Brazil bị cắt điện, ông Manuel Zelaya phải dùng một mảnh bìa cứng để quạt khi tổ chức họp báo ngày 24.9. Ảnh: Reuters. |
Dù không dám tấn công vào sứ quán Brazil, nhưng chính quyền lâm thời tại Honduras hiện đang tìm mọi cách buộc Tổng thống bị đảo chính Zelaya phải rời khỏi sứ quán để bắt giữ.
Cho đến bây giờ vẫn không ai biết được làm thế nào ông Zelaya lại có thể qua mặt được lực lượng an ninh Honduras để về đến thủ đô Tegucigalpa. Theo Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ông Zelaya là một “tay cao bồi”, khá liều lĩnh. Khi còn ở Nicaragua, ông Zelaya và ông Chavez đã “dàn dựng” một cuộc đàm thoại qua điện thoại, trao đổi về việc đến New York (Mỹ) tham dự khoá họp lần thứ 64 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ngay sau đó, ông Chavez đi Mỹ, còn ông Zelaya đến El Salvador gặp các nhà lãnh đạo Mặt trận giải phóng dân tộc Farabundo Marti và Tổng thống Mauricio Funes (Chính phủ El Salvador đã xác nhận thông tin này nhưng khẳng định họ không giúp ông Zelaya trở về nước). Tổng thống Venezuela Hugo Chavez không tiết lộ chi tiết về vụ “xâm nhập” ngoạn mục của ông Zelaya, chỉ tiết lộ rằng, người đồng cấp bị đảo chính này đã di chuyển bằng xe hơi, xe máy cày, thậm chí đi bộ, và được sử giúp đỡ của những người ủng hộ, trong đó có cả binh lính Honduras.
Dù tỏ thái độ ủng hộ Tổng thống bị đảo chính Manuel Zelaya bằng cách cắt viện trợ cho Honduras, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn bị chỉ trích vì đã không mạnh tay hơn nữa trong việc gây sức ép đối với chính quyền lâm thời của ông Roberto Micheletti. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã yêu cầu được gặp riêng ông Obama trong tuần này để thảo luận về tình hình Honduras. Ngoài ra, ông Lula cũng kêu gọi Đại hội đồng LHQ có hành động cụ thể để phục hồi quyền lực cho ông Zelaya cũng như đảm bảo an ninh cho sứ quán Brazil tại thủ đô Tegucigalpa.
Đặng Hoàng Thái
(Theo Reuters/AP)