Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tại Honduras, người dân vẫn bất đồng về vấn đề ủng hộ sự trở lại của Tổng thống Manuel Zelaya – vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết sự bế tắc chính trị của Honduras.

![]() |
Những người ủng hộ Tổng thống Manuel Zelaya ngồi chắn ngang một con đường trong cuộc biểu tình ở Catacamas hôm 18.7.2009. Ảnh: Reuters |
Trong khi cuộc đối thoại hoà bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras diễn ra tại Costa Rica vẫn bế tắc, do cả hai bên liên quan chính là phe Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya và phe chính phủ lâm thời không đạt được sự đồng thuận về đề xuất của nước trung gian hoà giải Costa Rica; thì tại quốc gia châu Mỹ Latinh người dân vẫn bất đồng về vấn đề ủng hộ sự trở lại của Tổng thống Manuel Zelaya – vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết sự bế tắc chính trị của Honduras.
Hiện nay, xã hội Honduras chia rẽ thành hai nửa rõ rệt, một nửa dân chúng nước này ủng hộ sự trở lại của ông Manuel Zelaya, nhưng nửa còn lại thì phản đối. Hôm 18.7, hơn 2.000 người đã tụ tập tại thủ đô Tegucigalpa của Honduras để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống bị trục xuất Manuel Zelaya. Trong khi đó, các nhóm những người phản đối cũng tụ tập ở một vài thành phố trong nước để đòi “hoà bình và dân chủ”.
Mặc dù, cả hai phía đối nghịch nhau về sự lựa chọn vị lãnh đạo của mình tuy nhiên người dân Honduras đều có chung một mong đợi là cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này sớm được giải quyết vì hiện nay nước này đang bị thế giới cô lập. Những ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng chính trị đang ngày càng rõ rệt. Giao thương quốc tế đang diễn biến bất lợi cho nước này. Hầu hết các trường trung học và tiểu học đều ngừng hoạt động do các thầy cô đình công…
Người dân Honduras giờ đây có thêm thói quen nghe đài hoặc xem tivi thường xuyên hơn với hy vọng nhận được tin tốt lành.
Vòng 2 cuộc đối thoại hoà bình giữa Tổng thống Manuel Zelaya và chính quyền lâm thời của Honduras diễn ra tại Costa Rica ngày 18.7 đã kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận về đề xuất của nước trung gian hoà giải Costa Rica. Trong bản đề xuất này, Tổng thống Costa Rica Oscar Arias đề nghị để ông Zelaya trở về Honduras thực hiện nốt nhiệm kỳ Tổng thống đến ngày 27.1.2010 và sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 25.10, thay vì 29.11 như kế hoạch đồng thời thành lập một chính phủ thống nhất và hoà hợp dân tộc, bao gồm đại diện của các chính đảng chủ chốt. Phía Tổng thống bị phế truất Zelaya đã nhất trí với đề xuất của Costa Rica về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, nhưng từ chối cho phép những nhân vật tham gia đảo chính vào chính phủ mới. Trong khi đó, phe chính quyền lâm thời bác bỏ thẳng thừng việc để ông Zelaya tiếp tục nắm quyền.
Trước đó, ông Zelaya đã tuyên bố sẽ trở về trong vài ngày tới cho dù không đạt được bất kỳ thoả thuận nào, tuy nhiên, bây giờ ông đã đồng ý chờ đến ngày 24.7.
TÙNG LÂM
(Theo Xinhua, BBC)