BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hồng ban nút là bệnh gì? 

Cập nhật ngày: 30/08/2019 - 08:42

Hồng ban nút là dạng viêm da nằm ở lớp mỡ dưới da, biến mất sau 3-6 tuần và có thể tái phát.

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM, cho biết hồng ban nút hay còn gọi là hồng ban đỏ, là sẩn cục viêm nhiễm bằng hạt đậu, chắc, dưới da màu đỏ. Số lượng u cục đỏ có thể một hoặc nhiều, gặp ở mọi lứa tuổi, chủng tộc song phổ biến ở phụ nữ.

Các nhà chuyên môn chưa biết hết các nguyên nhân gây ra hồng ban nút. Một số nguyên nhân phổ biến là tình trạng nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc hoặc triệu chứng của một vài bệnh.

Ở nước ta, nguyên nhân thường gặp nhất là lao và nhiễm liên cầu khuẩn. Những trường hợp này, điều trị nguyên nhân thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, bệnh còn do nhiễm trùng chlamydia, nhiễm nấm Coccidioidomycosis, Mycoplasma, Blastomycoisis, viêm gan B, bệnh trùng xoắn, giang mai, thương hàn, phong lao.. Người bị viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn cũng có thể mắc hồng ban nút. Phụ nữ mang thai mắc hồng ban nút do dị ứng hoặc nhạy cảm thuốc kháng sinh, amixicillin, penicillin...

Hồng ban nút thường xuất hiện ở vùng trước mào xương chày hoặc mông, bắp chân, mắt cá chân, bắp tay và đùi nhưng ít thấy ở mặt và vùng cổ, chi trên. Kích thước cục u khoảng 1-2 cm. Trong vài ngày, chúng có thể trở thành màu tím, sau đó mờ dần. Bệnh cấp tính có thể nhanh khỏi trong vòng 6 tuần, nhưng có thể tái phát.

Bệnh hồng ban nút cần phân biệt với các bệnh phát ban như viêm da bán cấp hoặc mạn tính. Giai đoạn đầu cần phân biệt với các vết côn trùng cắn, sẩn mề đay cấp tính, viêm tắc tĩnh mạch nông, viêm tắc tĩnh mạch dạng nốt. Giai đoạn bệnh tiến triển cần phân biệt với viêm nút quanh động mạch, viêm mạch hoại tử... Các triệu chứng thường gặp như mệt mỏi toàn thân, sốt, đau khớp, da đỏ, viêm hoặc kích ứng, sưng chân hoặc khu vực có hồng ban nút khác.

Bệnh nhân cần phải xác định được nguyên nhân do nhiễm trùng, thuốc hay bệnh để sử dụng phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả. Nếu liên quan đến bệnh lao hay nhiễm trùng thì dùng thuốc điều trị bệnh lao, các bệnh viêm nhiễm do liên cầu. Thuốc thalidomid được chỉ định trong trường hợp hồng ban nút do Mycobacterium leprae (hay bệnh phong). Sử dụng corticosteroid hàng ngày đối với thể không rõ nguyên nhân, các nốt hồng ban mất sau vài ngày. Trường hợp hồng ban kéo dài có thể dùng thuốc tiêm trực tiếp vào trung tâm các nốt hồng ban và do bác sĩ chuyên khoa da liễu thực hiện.

Nguồn VNE