Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kích thích nền kinh tế. Song song với kích cầu tăng trưởng cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc: Thời gian qua các nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ đã đạt hiệu quả. |
Chiều 5.8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.2009, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua các nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ đã đạt hiệu quả. Các lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… đều có mức tăng trưởng, thị trường tài chính tiền tệ cơ bản được duy trì ổn định góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Thông báo tới báo chí ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2009 diễn ra trong hai ngày (4-5.8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần theo dõi tình hình thế giới để có phản ứng và chính sách kịp thời đối phó với những diễn biến có thể xảy ra. Với tinh thần hướng đến đạt mức tăng trưởng GDP trên 5%, Chính phủ đã đề ra một số chủ trương lớn.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kích thích nền kinh tế. Song song với kích cầu tăng trưởng cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt chú ý tiêu thụ lúa gạo, cá ba sa, đảm bảo cho nông dân có lãi, ổn định cuộc sống; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách ưu tiên dành cho 61 huyện nghèo, đảm bảo hỗ trợ của Chính phủ đúng địa chỉ và có hiệu quả.
Thủ tướng cũng lưu ý tới một số vấn đề còn tồn tại, đó là xuất khẩu suy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu thấp hơn so với cùng kỳ; giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ cho giao thông, thủy lợi còn thấp; tai nạn giao thông tuy có giảm số vụ nhưng vẫn còn có những vụ tai nạn nghiêm trọng; dịch bệnh vẫn còn và diễn ra trên người và trên gia súc… Những tồn tại này ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của kinh tế đất nước.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, riêng đối với dịch cúm A/H1N1 không được chủ quan trong phòng, chống vì dịch đang có những diễn biến phức tạp, nhưng tránh hoang mang trong nhân dân vì hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị, trong tháng 8, các Bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010; tập trung giải ngân vốn đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo, những vấn đề như: Chính sách điều hành giá xăng dầu, điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới; điểm mới của Dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Tập đoàn kinh tế Nhà nước; việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… được báo chí quan tâm.
Về chính sách điều hành giá xăng dầu, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã nhận được đề nghị tăng giá của các doanh nghiệp. Bộ cũng đang cân nhắc để có quyết định chính thức bởi việc tăng giá rất nhạy cảm sẽ có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.
Đối với vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, năm 2009 Việt Nam đã xuất khẩu trên 5 triệu tấn. Chủ trương của Chính phủ sẽ xuất khẩu nhiều hơn năm ngoái, tăng số lượng để bù vào giá gạo có thấp hơn so với năm 2008. Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cho biết, vụ hè thu sắp tới sẽ thu hoạch khoảng 10 triệu tấn gạo và miền Nam chắc chắn sẽ trúng mùa lớn.
Trả lời báo chí về Dự thảo Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN), Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn đồng thời là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, Dự thảo có những điểm mới như: Cho phép thí điểm các TĐKTNN chào giá cạnh tranh trọng nội bộ phạm vi TĐ; đối với các TĐ thực hiện khai thác tài nguyên khoáng sản và sử dụng đất thì giao công ty mẹ quản lý tài nguyên khoáng sản để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Dự thảo Nghị định có 1 chương về giám sát TĐKTNN. Trong tình hình hiện nay chưa tổ chức 1 cơ quan chuyên biệt riêng để giám sát mà sử dụng bộ máy hành chính của các Bộ, ngành để giám sát TĐ.
Đối với việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đến nay NHNN đã chỉ đạo triển khai tích cực cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này; phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền giới thiệu về thủ tục cho vay... Ban lãnh đạo NHNN đã đi kiểm tra thực tế tại địa phương (chính sách này đã được triển khai cho vay khoảng 388.000 tỷ đồng). NHNN sẽ có hình thức tuyên truyền mạnh mẽ hơn, đồng thời đề nghị địa phương nào, đối tượng nào đang khó tiếp cận, gặp trở ngại với nguồn vốn này báo cáo cụ thể để có biện pháp xử lý kịp thời.
(Theo chinhphu.vn)