Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Virus bại liệt "tái xuất" trong nước thải ở Anh làm một phần thế giới giật mình, nhưng thực tế căn bệnh vẫn lưu hành ở một phần châu Phi và châu Á, vẫn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu và có nguy cơ lây lan quốc tế, theo tuyên bố mới.
Tối 24-6, Ủy ban khẩn cấp về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) đối với bệnh bại liệt do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập đã ban hành tuyên bố mới liên quan đến cuộc họp diễn ra từ ngày 15-6, kết luận bại liệt vẫn là Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm (PHIEC) và gia hạn Khuyến nghị tạm thời của cơ quan này thêm 3 tháng.
Trẻ em được cho uống vắc-xin bại liệt - Ảnh: AP
Ủy ban đã xem xét dữ liệu về các virus bại liệt hoang dã (WPV1) và virus bại liệt có nguồn gốc vắc-xin (cVDPV) đang lưu hành và nhấn mạnh tình hình phức tạp ở Afghanistan - nơi động đất thảm khốc làm dấy lên khủng hoảng y tế, Congo, Israel, Malawi, phần lãnh thổ Palestine đang tranh chấp, Pakistan, Eritea và Yemen.
Các dòng đang gây lo ngại là WPV1 hoang dã "nhập khẩu" từ Pakistan/Afghanistan vào Đông Nam Châu Phi, virus giảm độc lực nguồn gốc vắc-xin ở cVDPV ở một số nước châu Phi có tỉ lệ tiêm chủng thấp đặc biệt là Nigeria...
Ủy ban khẩn cấp cho rằng nguy cơ lây lan quốc tế của WPV1, cVDPV1, cVDPV3 vẫn còn và có nguy cơ lây lan quốc tế dù chỉ có 6 nước đang có ca bệnh. Trong khi có 30 nước vẫn đang có ca cVDPV2. Các nước này tập trung ở châu Phi và khu vực Nam Á. Một số quốc gia không còn virus bại liệt hoang dã nhưng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cVDPV, cần đẩy mạnh tiêm chủng gồm Trung Quốc, Congo, Iran, Kenya, Sudan, Tajkistan.
Du khách đến những vùng có dịch cũng được khuyến cáo tiêm ít nhất một mũi IPV (vắc-xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm).
Ở phần còn lại của thế giới, nơi tỉ lệ tiêm ngừa bại liệt cao, nỗi ám ảnh sốt bại liệt gần như đã bị xóa sổ nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên vừa qua mẫu virus bại liệt đã được phát hiện trong nước thải tại London - Anh làm dấy nên lo ngại. Dù WHO đã xác nhận đó là virus nguồn gốc vắc-xin, có thể từ chất thải của một người vừa được chủng ngừa bằng OPV (vắc-xin sống giảm độc lực, dùng đường uống) chứ không có ca bệnh, nhưng nguy cơ bị nhiễm bệnh từ virus giảm độc lực này vẫn có ở các cộng đồng tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Do đó tiêm chủng mở rộng vẫn là khuyến nghị chung của ngành y tế khắp thế giới, ngay cả ở những quốc gia mà căn bệnh đã được khống chế thành công, song song với nỗ lực chuyển đổi dần từ OPV sang IPV, bởi virus trong vắc-xin IPV đã bị bất hoạt hoàn toàn.
Việt Nam là nước có tỉ lệ tiêm chủng bại liệt cao do đã sản xuất được vắc-xin nội địa từ năm 1962 và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; đã được WHO tuyên bố là khống chế thành công bệnh bại liệt trên toàn quốc từ năm 2000.
Nguồn NLĐO