Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Họp Quốc hội và câu chuyện giáo dục
Thứ bảy: 01:04 ngày 13/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nắm bắt tình hình cụ thể khi yêu cầu nhà trường, ngành Giáo dục ở các địa phương không đặt nặng chuyện kiểm tra, thi cử, đánh giá khi học sinh trở lại trường, điều quan trọng là tập trung, tranh thủ thời gian dạy những kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất cho học sinh.

Giáo viên Trường tiểu học Hoàng Lê Kha xịt nước sát khuẩn tay cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Việt Đông (chụp ngày 2.3.2021)

Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và phiên chất vấn, trả lời chất vấn vừa kết thúc. Giáo dục là một trong bốn lĩnh vực, bốn ngành được chọn để đại biểu Quốc hội chất vấn và người đứng đầu ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp. Điều này có thể hiểu được, bởi hai lý do cơ bản: chương trình, sách giáo khoa năm 2018 vừa được triển khai trên cả nước và ngành Giáo dục đang chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch Covid-19.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo tinh thần của Nghị quyết 29 năm 2014 là một trong những nội dung được quan tâm. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, người đứng đầu Bộ GD&ĐT dù mới nhận nhiệm vụ và cũng lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng ông đã nắm chắc nhiều vấn đề, vừa vĩ mô vừa cụ thể.

Đúng như Bộ trưởng nói, đại dịch Covid- 19 cũng là một dịp “test nhanh” cả ngành Giáo dục, trên nhiều phương diện. Những ưu điểm, hạn chế, khó khăn của ngành đều bộc lộ rõ qua cơn “cuồng phong” mang tên Covid-19.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cả nước cũng khẳng định (và thừa nhận), dù sao, dạy học trực tuyến, đối với điều kiện cụ thể của nước ta, vẫn là cách dạy học phi truyền thống, hình thức dạy và học này chưa thể thay thế hình thức dạy học trực tiếp. Số liệu được công bố cho thấy, cả nước còn gần hai triệu học sinh phổ thông chưa có bất kỳ thiết bị điện tử nào để học trực tuyến.

Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn, vì số liệu thống kê chỉ mang tính tương đối. Cách thống kê, thu thập thông tin cũng không hoàn toàn phản ánh đúng thực tế, bởi lẽ, một gia đình có hai hoặc ba người đang trong độ tuổi đi học chỉ có một chiếc máy tính hay một cái điện thoại để dùng chung.

Nhưng khi thu thập, khảo sát, lại tính chung và cho rằng, cả ba người trong độ tuổi đến trường đều có thiết bị học tập. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nắm bắt tình hình cụ thể khi yêu cầu nhà trường, ngành Giáo dục ở các địa phương không đặt nặng chuyện kiểm tra, thi cử, đánh giá khi học sinh trở lại trường, điều quan trọng là tập trung, tranh thủ thời gian dạy những kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất cho học sinh. Đó là câu trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, đồng thời có thể xem như chỉ đạo của người đứng đầu ngành Giáo dục.

Bởi vì, hiện nay, mặc dù hàng chục triệu học sinh, sinh viên chưa thể tới trường nhưng ở nhiều địa phương vẫn cố “bày ra” chuyện thi cử, kiểm tra, dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi vòng trường, thậm chí có cả kế hoạch thi chọn học sinh giỏi.

Trong điều kiện dạy học trực tiếp, những hoạt động như vừa kể là hoàn toàn bình thường. Nhưng học trực tuyến, nên loại bỏ (tạm thời) những hoạt động không thật cần thiết, bởi nó thiếu tính thực chất, độ tin cậy thấp. Trong tình hình như hiện nay, những hoạt động có phần nặng tính hình thức không nên thực hiện, để thời gian đó cho thầy trò tập trung dạy và học nhằm hoàn thành khối lượng kiến thức tối thiểu, cốt lõi nhất.

Tham gia trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực Giáo dục còn có một số vị bộ trưởng của ngành khác. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà- vị Bộ trưởng xuất thân là một cô giáo dạy Văn chính thức đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẩn trương rà soát để sửa đổi, điều chỉnh nhiều nội dung trong chùm Thông tư 01, 02, 03 và 04. Chùm thông tư này mới được Bộ GD&ĐT ban hành hồi đầu năm nay và chỉ chưa đầy một năm “đi vào cuộc sống” nó bộc lộ nhiều bất cập, phi thực tế.

Báo chí, trong đó có Báo Tây Ninh, rất nhiều lần đã chỉ ra những điều không thực tế của nhiều nội dung quy định trong chùm thông tư nêu trên. “Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức, đã quyết định cắt giảm 150 chứng chỉ cho đào tạo, bồi dưỡng, kể cả 2 chứng chỉ bắt buộc là tin học và ngoại ngữ là 152, trong đó có 61 chứng chỉ đối với công chức và 87 chứng chỉ đối với viên chức.

Tôi rất mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ sớm căn cứ vào nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau. Bây giờ chúng ta căn cứ vào Luật Giáo dục mới thì chúng ta đưa ra việc mầm non là phải cao đẳng và tiểu học trở lên phải tốt nghiệp đại học sư phạm.

Chính vì vậy mà giai đoạn thế hệ lịch sử chúng ta để lại thì nó vẫn còn những tồn tại, cho nên chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao bảo đảm giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, trong tuyển dụng giáo viên mới, chúng ta cần phải giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên đã hợp đồng từ năm 2015 trở về trước.

Vừa qua chúng ta mới giải quyết được khoảng 50.000 thôi, nhưng vẫn còn tồn đọng. Tồn đọng này lại vướng chủ yếu là do việc chúng ta thực hiện chùm thông tư này, cho nên chúng tôi mong muốn để tạo cơ hội cho giáo viên đã có 10 năm, 15 năm hợp đồng trong các cơ sở giáo dục và đến bây giờ có cơ hội để được xét tuyển vào trong ngành Giáo dục”- đoạn văn trong ngoặc kép là nội dung được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu lên trong phiên trả lời chất vấn.

Qua đó có thể thấy rằng, sau thời gian dư luận cả trong và ngoài ngành phàn nàn về nội dung chùm thông tư, việc điều chỉnh, sửa đổi chắc chắn được thực hiện trong thời gian tới. Tinh thần chung, mục đích lớn nhất của cải cách hành chính nói chung, cải cách hành chính trong ngành Giáo dục nói riêng, là đơn giản hoá, cắt bỏ, loại hẳn những điều không cần thiết, gây cản trở công việc chuyên môn và bất hợp lý về chính sách. Đỉnh cao của nghệ thuật chính là sự đơn giản. Phức tạp hoá, quan trọng hoá những vấn đề vốn đơn giản, thường cản trở sự phát triển.

Theo dõi kỹ, đối chiếu thông tin, có một điều không thể không đề cập: một vài đại biểu Quốc hội, hình như thiếu thông tin hoặc có thông tin nhưng không đầy đủ nên câu hỏi chất vấn không đúng, nói thẳng ra là đã có sự nhầm lẫn. Đó chính là câu chuyện về những sai sót trong sách giáo khoa lớp 1.

Người nêu câu chuyện sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 là một đại biểu của một thành phố ở miền Trung. Vị đại biểu này liệt kê một số sai sót trong sách giáo khoa vốn đã được báo chí, dư luận trong ngành, giới chuyên môn đề cập nhiều, nói khác đi, thông tin vị đại biểu nêu lên không mới.

Nhưng điều đáng nói, vị đại biểu này đã nhầm lẫn giữa bộ sách giáo khoa này với bộ sách giáo khoa khác. Cụ thể, những sai sót hoặc những bài học gây tranh cãi được vị đại biểu nêu lên thuộc bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản ĐHSP TP. Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội chứ không phải những bộ sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT).

Một giảng viên đang dạy đại học, sau khi nghe câu chất vấn của vị đại biểu, ông lên tiếng. Lời lẽ của vị giảng viên có phần gay gắt hơn mức cần thiết nhưng thông tin ông nêu ra, cơ bản là đúng. Năm đầu tiên thay sách giáo khoa, dư luận “dậy sóng” chủ yếu tập trung vào bộ sách Cánh diều chứ không phải những bộ sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.

Còn vì sao dư luận phản ứng gay gắt, như từng đề cập, chuyện sai sót có tính chuyên môn trong bộ sách là có thật nhưng đây không hẳn là yếu tố chính. Cái chính khiến bộ sách giáo khoa lớp 1 trở nên ồn ào quá mức cần thiết là do yếu tố thị phần. Những ai ở trong ngành hoặc có điều kiện theo dõi thời sự giáo dục đều biết rõ điều này. Những bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng có nhiều sai sót nhưng vì sao dư luận, báo chí hầu như không đề cập đến những sai sót ấy?

Việt Đông

Ý kiến của một giảng viên đại học

 “Nghe các đại biểu chất vấn về sạn, sỏi gây “phản giáo dục” trong sách giáo khoa, tôi có cảm giác các đại biểu không có đầy đủ thông tin hay nhầm lẫn một cách tai hại khi quy hết cho Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Đành rằng, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam không phải không xuất bản phẩm có lỗi, nhưng so với nhà xuất bản khác là không đáng kể. Những lỗi bị dư luận vạch ra, họ sẵn sàng tiếp thu và sửa chữa chứ không chống chế.

Trong khi dư luận phản ứng mạnh mẽ nhất lại thuộc các nhà xuất bản khác, nhất là sách Cánh diều do Nhà xuất bản ĐHSP xuất bản. Ông Nguyễn Minh Thuyết cậy thế là Tổng chủ biên chương trình đã ra sức bảo vệ sách Cánh diều do chính tay ông biên soạn, càng biện bạch, càng sửa càng sai mới làm cho dư luận phẫn nộ. Những mẩu chuyện ngụ ngôn về thói lưu manh, xảo trá của người lớn, những ngôn từ bỗ bã của đám dân nhậu vỉa hè áp đặt vào sách để dạy cho trẻ em lớp một mới đúng là “phản giáo dục”, nhưng ông Thuyết và nhóm soạn sách lẫn Hội đồng phản biện sách vẫn khư khư giữ quan điểm”.

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục