Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh
Chủ nhật: 08:49 ngày 16/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 15.6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Hội Nông dân, Hội Doanh nghiệp và Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tổ chức toạ đàm với chủ đề “Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh”.

Ông Nguyễn Thành Tâm – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu khách mời tham dự buổi toạ đàm

Tham dự toạ đàm có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và các hộ nông dân tiêu biểu của tỉnh.

Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, những năm qua, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào sự phát triển của tỉnh; sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng ổn định từ 3%-3,5%/năm đóng góp gần 20% giá trị vào cơ cấu GRDP của tỉnh.

Những năm gần đây, Tây Ninh thu hút mạnh các nhà đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi công nghệ tiên tiến, hiện đại. Toàn tỉnh có 146 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi đang hoạt động, 51 dự án đang xây dựng (trong đó có các nhà đầu tư chiến lược: Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn; Công ty Cổ phần BAF Việt Nam; Công ty Cổ phần sữa Vinamilk) với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ đầu tư mới, hệ thống dây chuyền hiện đại, tự động, góp phần hình thành các chuỗi liên kết chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tây Ninh đang chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ từng bước hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích từ 15.000 - 20.000 ha, bao gồm các loại rau quả, cây ăn trái sản xuất tập trung, chuyên canh trên địa bàn các huyện. Số lượng nhà kính, nhà lưới rau quả chất lượng cao được phát triển tối thiểu từ 300 - 500 nhà, đồng thời xây dựng các thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh (mãng cầu, mía, rau quả thực phẩm…).

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu khai mạc buổi toạ đàm.

Bên cạnh đó, về cơ chế chính sách, tỉnh có 7 chính sách hỗ trợ chuyên đề dành cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết sản xuất, hỗ trợ chứng nhận GAP, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ đầu tư công trình tưới tiên tiến tiết kiệm nước để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Trong chương trình toạ đàm, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, bà Nguyễn Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Trần Nhật Ninh- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cùng đại diện doanh nghiệp và nông dân đã có những trao đổi, chia sẻ thông tin tổng quan về tình hình nông nghiệp, những chính sách khuyến nông và lợi thế khi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trần Nhật Ninh- Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (gọi tắt là Nhựa Tiền Phong) chia sẻ những giải pháp mới trong nông nghiệp như: hệ thống tưới tự động, hồ điều tiết nước ngầm thông qua những sản phẩm mà Nhựa Tiền Phong kết hợp với các tập đoàn lớn trên thế giới nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất (phụ tùng lắp gioăng HDPE, phụ tùng zắc co, ống uPVC, sản phẩm cross-wave...), đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe như ISO, ANZ...

Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận tại buổi toạ đàm.

Nhựa Tiền Phong mong muốn được đồng hành cùng các doanh nghiệp, hộ nông dân của tỉnh Tây Ninh trong việc ứng dụng các giải pháp mới vào sản xuất nông nghiệp; cam kết luôn lắng nghe các nhu cầu để tìm ra những giải pháp tối ưu, không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên nước, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

Buổi toạ đàm cũng là cơ hội kết nối, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích đến các doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân có thêm động lực triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm gia tăng sản lượng, tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu..., sớm đưa Tây Ninh trở thành một địa phương có nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục