BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hợp tác liên khu vực chống khủng bố 

Cập nhật ngày: 31/07/2017 - 06:14

Hội nghị về vấn đề chống khủng bố do Indonesia và Australia đồng tổ chức đã bế mạc với cam kết tăng cường hợp tác trước mối đe dọa ngày một gia tăng của tổ chức IS.

Cảnh sát Australia tăng cường tuần tra trong chiến dịch truy quét khủng bố tại Sydney

Cảnh sát Australia tăng cường tuần tra trong chiến dịch truy quét khủng bố tại Sydney.

Ngày 30-7, nhà chức trách Australia cho biết đã chặn đứng một âm mưu khủng bố nhằm làm rơi một máy bay bằng thiết bị nổ tự tạo, sau khi bắt giữ 4 đối tượng trong các chiến dịch đột kích và truy quét khủng bố ở thành phố Sydney.

Cảnh giác cao độ

Hãng Reuters dẫn lời cảnh sát trưởng liên bang Australia Andrew Colvin xác nhận, 4 đối tượng bị bắt trong nhiều vụ đột kích tại Sydney với cáo buộc liên quan đến âm mưu khủng bố. Ông Colvin cho hay trong những ngày gần đây, lực lượng thực thi pháp luật đã nắm thông tin rằng có một số đối tượng ở Sydney đang lên kế hoạch tiến hành một vụ tấn công khủng bố bằng thiết bị nổ tự tạo.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, an ninh đã được tăng cường tại tất cả các sân bay nội địa và quốc tế của Australia. Theo đó, hành khách được yêu cầu đến sớm hơn giờ bay 2 giờ để tiến hành kiểm tra hành lý kỹ lưỡng.

Nhà chức trách Australia không cho biết cụ thể âm mưu khủng bố nói trên nhằm vào tuyến bay trong nước hay quốc tế, nhưng theo tờ Daily Telegraph, mục tiêu của âm mưu khủng bố là một đường bay trong nước.

Theo ông M.Turnbull, âm mưu khủng bố này dường như có sự phối hợp từ các nhóm và không phải theo kiểu “sói đơn độc” nên mức độ cảnh báo khủng bố trên khắp Australia vẫn được duy trì.

Chính quyền Canberra đã nâng mức độ cảnh báo khủng bố ở Australia và áp dụng luật an ninh quốc gia mới, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về các vụ tấn công do cá nhân thực hiện với cảm hứng từ các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng

Trước đó, hội nghị về vấn đề chống khủng bố do Indonesia và Australia đồng tổ chức đã bế mạc tại thành phố Manado thuộc tỉnh Sulawesi của Indonesia, với cam kết tăng cường hợp tác trước mối đe dọa ngày một gia tăng của tổ chức IS.

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng của 6 quốc gia tham dự gồm Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines cùng 2 nước Australia và New Zealand kêu gọi tăng cường chia sẻ thông tin cũng như hợp tác kiểm soát biên giới, cải cách luật pháp và ngăn chặn việc các phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng mạng xã hội để lên kế hoạch tấn công và tuyển mộ chiến binh; cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật ở Trung Đông trong vấn đề chống khủng bố.

IS thay cách tác chiến

Trong bản đồ bành trướng trên toàn cầu của IS, Đông Nam Á là khu vực trọng tâm mà chúng sẽ thâm nhập, đặt ra nguy cơ bất ổn đối với an ninh và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, nền văn hóa và tôn giáo đa dạng của khu vực. Mối đe dọa của IS ở Đông Nam Á đang ngày càng hiện hữu và cho thấy nhiều xu thế mới của chủ nghĩa khủng bố.

Theo các nhà quan sát, những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy 4 xu hướng: Một là miền Nam Philippines đang trở thành trung tâm của IS ở Đông Nam Á. Trong thời gian tới chúng sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của khu vực trung tâm này tới Singapore, Malaysia, Indonesia, miền Nam Thái Lan, Myanmar và Nhật Bản.

Hai là, các phần tử cực đoan ở trong và ngoài khu vực trung thành với IS tiếp tục kết nối với nhau. Một khi IS thành lập khu vực trung tâm ở miền Nam Philippines, các phần tử cực đoan mang quốc tịch nước ngoài sẽ được tập hợp ở trung tâm này, thậm chí sẽ coi đây là “chiến trường thay thế” khu vực Trung Đông, từ đó phát động các cuộc tấn công khủng bố với quy mô lớn hơn.

Ba là, phương thức tác chiến của các tổ chức khủng bố ở khu vực Đông Nam Á dưới ảnh hưởng của IS đã có sự thay đổi.

Bên cạnh phương thức tấn công như ẩn nấp ở các nơi bí mật để bắt cóc và tống tiền cũng khác nhau, giờ đây các nhóm khủng bố địa phương đã nhắm vào các thành phố, đây là một thách thức lớn đối với quân đội chính phủ.

Bốn là, cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Marawi có thể sẽ nảy sinh “hiệu ứng làm mẫu” ở Đông Nam Á.

Nguồn SGPPO