Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến nay đã có 84 doanh nghiệp TP. HCM đầu tư trên địa bàn tỉnh với 101 dự án, tổng vốn đăng ký là 16.780,7 tỷ đồng.
Kể từ sau lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh (ngày 10.8.2007) đến nay, mối quan hệ giữa hai địa phương ngày càng được thắt chặt hơn, đã tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế và tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá của từng địa phương. Theo đó, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp của Tây Ninh và thành phố HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các chương trình hợp tác trên các lĩnh vực giao thông, xây dựng, phát triển khu công nghiệp, đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, thương mại-du lịch, tài chính ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng thế mạnh của các địa phương. Kết quả đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân.
Về hợp tác phát triển kinh tế, đến nay đã có 84 doanh nghiệp của thành phố đầu tư trên địa bàn tỉnh với 101 dự án, tổng vốn đăng ký là 16.780,7 tỷ đồng, trong đó có 43 dự án đang hoạt động với số vốn đăng ký là 1.953,5 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai thực hiện, vốn đăng ký là 5.815 tỷ đồng và 42 dự án chưa triển khai, số vốn đăng ký là 9.011 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như: Công nghiệp 63 dự án, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp 10 dự án, xây dựng khu dân cư 8 dự án, thương mại dịch vụ 17 dự án, du lịch sinh thái 1 dự án, lâm nghiệp 1 dự án và giáo dục đào tạo 1 dự án. Điển hình một số dự án đã và đang triển khai thực hiện: Khu công nghiệp Trảng Bàng có 34 dự án, vốn đăng ký 4.474 tỷ đồng, đang hoạt động 20 dự án, vốn đăng ký 895 tỷ đồng, đang triển khai 4 dự án, vốn đăng ký 2.427 tỷ đồng, chưa triển khai 10 dự án, vốn đăng ký 1.151 tỷ đồng. Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài gồm 31 dự án đầu tư, vốn đăng ký 550 tỷ đồng, đang hoạt động 10 dự án, vốn đăng ký 642,064 tỷ đồng, đang triển khai 5 dự án, vốn đăng ký 2.938,779 tỷ đồng, chưa triển khai 16 dự án, vốn đăng ký 1.969,236 tỷ đồng. Khu Kinh tế cửa khẩu Xa Mát có 5 dự án, vốn đăng ký 3.776 tỷ đồng, các dự án này chưa triển khai do đang chờ giao đất.
Một công ty ở TP.HCM khảo sát đảo Nhím để xây dựng dự án phát triển kinh tế |
Thành phố đã hỗ trợ tổng cộng 51,5 tỷ đồng để thực hiện các dự án như đường vòng quanh Khu Di tích lịch sử Cách mạng miền Nam, nâng cấp và mở rộng hương lộ 12, nâng cấp đường vào khu tái hiện di tích Trung ương Cục miền Nam. Đáng kể nhất là thành phố hỗ trợ toàn bộ số vốn 26,5 tỷ đồng nâng cấp đường Lộc Hưng-Sông Lô dài 4.420 km kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Ngoài ra trên lĩnh vực giao thông vận tải đã khai thác có hiệu quả các tuyến xe buýt Mộc Bài-Tân Bình-Bến Thành, Mộc Bài-Gò Vấp-Bến xe miền Đông, Gò Dầu-Trảng Bàng-Củ Chi, Củ Chi-Truông Mít-cầu K13-Bến xe Hoà Thành.
Về lĩnh vực ngân hàng, đã tổ chức vận động các tổ chức tín dụng có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh mở phòng giao dịch hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm 2007-2008 các ngân hàng TMCP Đông Á, An Bình, Á Châu, Quốc Tế, Gia Định, Miền Tây. Hiện nay UBND tỉnh đã chấp thuận cho các phòng giao dịch này nâng lên thành chi nhánh.
Về lĩnh vực thuỷ lợi, hai địa phương đã phối hợp thực hiện việc điều tiết nước trên kênh Đông và cung cấp nước trên kênh N23 do Công ty khai thác dịch vụ thuỷ lợi TP. Hồ Chí Minh quản lý, tổng vố đầu tư 34,559 tỷ đồng để phục vụ sản xuất cho nhân dân huyện Củ Chi và các vùng lân cận. Đồng thời triển khai dự án nạo vét, nâng cấp kênh tiêu T38-Củ Chi dài 5,48 km, kết hợp đắp đường giao thông nông thôn dài 5,8 km với tổng mức đầu tư 84,24 tỷ đồng.
Về lĩnh vực khoa học và công nghệ, hai địa phương phối hợp nghiên cứu ứng dụng cơ giới hoá canh tác mía, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tập hợp các nhà khoa học, lực lượng cán bộ và đầu tư kinh phí nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị. Đã tiến hành khảo nghiệm máy cày sâu không lật đất (cày ngầm có rung), máy trồng mía (bao gồm cả máy cắt hom mía), máy chăm sóc mía 2 hàng (bón phân và xới cỏ 2 hàng), máy thu hoạch mía, máy băm lá mía sau thu hoạch, máy nâng chuyển mía lên xe tải… trong đó máy cày sâu không lật đất cần được phổ biến, nhân rộng phục vụ sản xuất, các loại máy khác cũng có khả năng nhân rộng sau khi đã khắc phục, cải tiến một số khuyết điểm.
Với những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chương trình hợp tác trong thời gian qua và dự kiến chương trình, kế hoạch hợp tác giữa Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2015 chắc chắn sẽ còn thu nhận nhiều kết quả khả quan hơn nữa.
THD