Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làm thế nào để mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bền vững:
Hợp tác xã chưa phát huy vai trò là đầu mối liên kết
Thứ sáu: 00:23 ngày 03/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc tham gia hợp tác xã giúp nông dân từng bước tiếp cận với các mô hình liên kết sản xuất, an tâm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều HTX chưa rõ ràng trong công tác quản lý, còn chồng chéo giữa các mối quan hệ xã hội, “tình nghĩa dòng họ, tình làng nghĩa xóm”, đến khi phát sinh vấn đề rất khó giải quyết.

Lúa chín khô trên đồng (ảnh chụp ngày 28.4)

Vụ việc ông P.V.M, thành viên Hợp tác xã dịch vụ thuỷ lợi nông nghiệp Hưng Thuận bất ngờ gửi đơn kêu cứu khắp nơi khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Tuy nhiên, vấn đề lại thuộc trách nhiệm của lãnh đạo HTX.

Hợp tác xã có "tuỳ nghi"?

Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Giám đốc HTX dịch vụ thuỷ lợi nông nghiệp Hưng Thuận cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, HTX ký hợp đồng với Công ty L.V.V sản xuất 96 ha lúa ST25, gồm 5 thành viên, trong đó, có 4 thành viên được HTX ký hợp đồng; riêng ông M không triển khai ký vì ông M là người thân quen, là cháu trong gia đình.

Về diện tích lúa 2,8 ha của ông M kêu cứu, trước đây ông đăng ký sản xuất bắp giống, do mưa, bắp không phát triển được, ông xin bổ sung vào trong hợp đồng trồng lúa ST25 nên gieo sạ trễ. Do vậy, ông Nhỏ yêu cầu ông M phải tự liên hệ Công ty L.V.V để trao đổi.

Sau đó, phía Công ty L.V.V đồng ý cho ông M xuống giống với số diện tích trên, với điều kiện là ông M phải hỗ trợ lại một phần chi phí là 200 đồng/kg sau khi thu hoạch để Công ty chế biến thủ công (theo quy định là phải xuống giống đồng loạt ít nhất là 5 ha để đủ mẻ sấy, mỗi mẻ từ 25-30 tấn).

Theo ông Nhỏ, đây là lần đầu HTX được ký kết hợp sản xuất lúa có bao tiêu với doanh nghiệp, với chính sách hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp nên tất cả các thành viên tham gia đều rất vui mừng. Tuy nhiên, vụ việc ông M gửi đơn kêu cứu không thông qua lãnh đạo HTX là điều đáng tiếc.

Sau khi nắm rõ tình hình, ông Nhỏ đã liên hệ với đại diện Công ty L.V.V thì được biết, lúa của ông M không đạt chuẩn nên không thu mua. Với mong muốn hỗ trợ thành viên HTX nên ông Nhỏ có đề nghị phía Công ty hỗ trợ thu mua lại toàn bộ số lúa thu hoạch được từ 2,8 ha nói trên với giá 8.000 đồng/kg nhưng ông M không đồng ý.

Sau khi đạt được thoả thuận, ông M đồng ý cho thu hoạch lúa và bán lúa với giá loại I và nhận tiền hỗ trợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thu hoạch lúa xong và vận chuyển về nhà máy (ngày 2.5), ông M lại cho biết không đồng ý với mức hỗ trợ của Công ty L.V.V.

Theo ông P.V.M, trước khi bước vào vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, ông Nhỏ có liên hệ với ông để mời dự hội thảo triển khai mô hình liên kết với Công ty L.V.V và yêu cầu ông đăng ký diện tích sản xuất. Trong quá trình thực hiện, ông Nhỏ không hề nói cho ông P.V.M biết là phải ký kết hợp đồng mà chỉ đưa cho ông bản photocopy của hợp đồng ông Nhỏ đại diện HTX ký kết với Công ty L.V.V, do nghĩ ông Nhỏ là bà con dòng họ bên vợ nên ông hoàn toàn tin tưởng. Đến khi nhận được câu trả lời của bà T (nhân viên thu mua của Công ty L.V.V) không mua lúa, ông đã điện thoại ngay cho ông Nhỏ để báo sự việc, với mong muốn ông Nhỏ hỗ trợ trong việc liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp, thế nhưng ông Nhỏ lại phủi bỏ trách nhiệm khi nói: "Mày tự điện thoại cho bà H, ông T (Ban Giám đốc Công ty L.V.V) để nói chuyện, tao còn công việc làm ăn của tao nữa". Là một nông dân đang bị thiệt hại, nên ông buộc phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng mong tìm sự giúp đỡ.

Theo ông M, vụ việc sẽ không có gì quá lớn nếu bà T trả lời ngay từ đầu là sẽ không thu mua lúa của ông, ông đã thu hoạch kịp thời để bán cho thương lái bên ngoài, đâu phải để lúa chín quá lâu ngoài đồng, thất thoát mấy tấn lúa như vậy. "Bà M là lãnh đạo Công ty L.V.V nói không biết thông tin không thu mua lúa của tôi là điều không thể chấp nhận được, vì bà T là đại diện của Công ty L.V.V làm việc với nông dân về công tác thu mua. Hơn nữa, trong quá trình canh tác, từ lúc gieo sạ đến lúc lúa chín, tôi cũng chỉ tiếp xúc với các cán bộ kỹ thuật chứ nào có được gặp hay tiếp xúc với ban lãnh đạo Công ty L.V.V" - ông M cho biết.

Lý do vắng mặt trong cuộc họp ngày 4.5 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết đơn kêu cứu, ông M cho biết cuộc họp tổ chức lúc 8 giờ sáng nhưng nhận được điện thoại thông báo khoảng 6 giờ cùng ngày, quá bất ngờ và do không sắp xếp được công việc nên ông không thể dự được.

Ngành chức năng vào cuộc

Ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của ông P.V.M, lãnh đạo Sở NN&PTNT chỉ đạo ông làm đại diện đến làm việc với ông M vào sáng 29.4.2022.

Qua trao đổi và đi đến thống nhất, ông M đồng ý cho thu hoạch lúa và bán cho Công ty L.V.V với giá 8.000 đồng/kg, đồng thời, nhận hỗ trợ 16 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 2.5, sau khi lúa được thu hoạch xong và chuyển về nhà máy thì bất ngờ ông M không đồng ý nhận tiền mà tiếp tục khiếu nại.

Theo ông M, sau cuộc gặp với ông Nguyễn Văn Hồng, ông đồng ý với phương án thoả thuận là sẽ bán lúa sau thu hoạch với giá 8.000 đồng/kg và nhận hỗ trợ 16 triệu đồng với điều kiện là phải thu hoạch ngay trong ngày 30.4. Tuy nhiên, phải đến ngày 2.5, phía Công ty L.V.V mới thu hoạch làm sản lượng lúa của ông bị thất thoát nhiều hơn. Do đó, ông yêu cầu phải bồi thường thêm.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng trong cuộc họp ngày 4.5 về việc giải quyết đơn kêu cứu của ông P.V.M, qua khảo sát thực tế ruộng lúa của ông M vào ngày 28.4, Phòng đánh giá lúa của ông M không thể đạt mức 5,8 tấn/ha như ông M yêu cầu làm căn cứ bồi thường. Bên cạnh đó, việc ông M không có ký kết hợp đồng với HTX Hưng Thuận và Công ty L.V.V nên không có cơ sở pháp lý để giải quyết yêu cầu bồi thường.

Phát biểu tại cuộc họp ngày 4.5, ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, UBND tỉnh và Sở rất quan tâm đến việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, Sở đang triển khai thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đối với diện tích 2.000 ha lúa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia được thụ hưởng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 28.6.2017 của UBND tỉnh.

Về vấn đề đơn kêu cứu của ông M, ông Trương Tấn Đạt cho rằng, dù ông M không có tên trong danh sách thành viên ký hợp đồng với HTX Hưng Thuận nhưng phía Công ty L.V.V vẫn đồng ý thu mua và hỗ trợ như vậy là thoả đáng.

Do đó, việc ông M tiếp tục yêu cầu bồi thường thêm là không có cơ sở. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đề nghị HTX Hưng Thuận nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác xét duyệt cho thành viên tham gia ký kết hợp đồng thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, thường xuyên kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn thành viên của HTX về việc thực hiện hợp đồng, thanh lý hợp đồng, tránh xảy ra trường hợp như vụ việc của ông M.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục