BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hợp tác xã Phước Giang (Trảng Bàng): Thiếu vốn đầu tư

Cập nhật ngày: 16/08/2013 - 09:27
HTML clipboardTrong thời gian qua, hoạt động của HTX vẫn ở mức cầm chừng bởi gặp nhiều khó khăn. Đến nay, hoạt động về dịch vụ nông nghiệp của HTX này vẫn chưa có gì, còn nuôi trồng thuỷ sản thì chỉ có 6 hộ tham gia.

Nuôi cá trong vèo trên sông Vàm Cỏ Đông có thu nhập khá

(BTN) - Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ấp Phước Giang (HTX Phước Giang), xã Phước Lưu (Trảng Bàng) được thành lập vào năm 2010. Lúc mới thành lập, HTX có 22 hộ xã viên, hiện nay nâng lên được 23 hộ. Trong thời gian qua, hoạt động của HTX vẫn ở mức cầm chừng bởi gặp nhiều khó khăn. Đến nay, hoạt động về dịch vụ nông nghiệp của HTX này vẫn chưa có gì, còn nuôi trồng thuỷ sản thì chỉ có 6 hộ tham gia.

ChỈ có 1 hỘ nuôi cá trong vèo

Anh Võ Tấn Lực (SN 1976) nhà ở bên bờ sông Vàm Cỏ Đông cho biết, anh đã nuôi cá lóc trong vèo trên sông đã được 2 năm và mới tham gia vào HTX Phước Giang từ đầu năm 2013. Theo anh Lực, nuôi cá trong vèo cũng dễ và cho thu nhập khá. Vèo làm bằng mành lưới ni-lông, với kích thước ngang 4 mét, dài 5 mét, cao 2,5 mét, đặt xuống dòng sông giống như một chiếc mùng lật ngửa.

Trong năm 2012, nhà anh Lực nuôi 4 vèo cá, mỗi vèo thả 5.000 con cá lóc giống. Thức ăn cho cá lóc là cá biển và cá tạp dưới sông rạch, mỗi ngày chỉ cho cá ăn một lần. Sau hơn ba tháng nuôi, mỗi con cá lóc nặng từ 300 gam đến 500 gam là thu hoạch.

Nuôi cá trong vèo có khó khăn là có khi nguồn nước bị ô nhiễm làm cho cá bị bệnh ghẻ. Để trị bệnh này, anh mua thuốc sát trùng về đùm trong bọc vải, treo trong nước ở 4 góc vèo, đồng thời trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá.

Trong năm 2012, gia đình anh Lực có thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ nghề nuôi cá lóc trong vèo, sau khi đã trừ hết chi phí chăn nuôi. Hiện anh đang tiếp tục nuôi cá lóc và cá trê lai trong các vèo.

Anh Lực cho biết thêm, hiện nay ở HTX Phước Giang, chỉ mới có gia đình của anh là nuôi cá trong vèo. Ý định của anh tham gia vào HTX là để tư vấn và tạo điều kiện cho các xã viên khác cùng tham gia nuôi cá. Anh sẵn sàng giúp đỡ các xã viên- từ việc mua cá con giống, hướng dẫn cách chăn nuôi và thu mua cá từ các hộ nuôi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hộ xã viên nào khác tham gia nuôi cá lóc trong vèo như anh Lực. 

Các hỘ nuôi lươn phẢi tẠm ngưng

Anh Nguyễn Thành Nhân- Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ấp Phước Giang cho biết, từ khi được thành lập đến nay, HTX được ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi được 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Số vốn này được xét cho 5 hộ xã viên vay nuôi lươn.

Thời gian qua, trong HTX có 6 hộ nuôi lươn, đến nay các hộ xã viên này đều đã thu hoạch xong. Nhìn chung những hộ nuôi lươn cũng có lời, nhưng do quy mô nuôi còn nhỏ hẹp, nên mức lời không nhiều. Trong đó có hộ anh Võ Văn Bao, thả nuôi 40kg lươn giống, đến khi thu hoạch được 160kg. Trừ đi hết các chi phí, gia đình anh Bao còn lời được khoảng 10 triệu đồng. Các hộ nuôi khác cũng có lãi nhưng ít hơn hộ anh Bao.

Tuy nhiên, từ sau khi thu hoạch lươn xong, các hộ nuôi lươn phải tạm ngưng nuôi vì nguồn thức ăn cho lươn là cá tạp dưới sông rạch đang khan hiếm. Các hộ xã viên phải chờ đến đầu mùa lũ, khi mà nguồn cá tạp dưới sông, trên ruộng nhiều mới bắt đầu thả nuôi lươn trở lại.

Anh Nhân cho biết thêm, để nuôi lươn có lãi, người chăn nuôi phải tự tạo nguồn thức ăn bằng cách đi đánh bắt các loại cá tạp về xay cho lươn ăn. Thêm một khó khăn khác nữa là đầu ra của con lươn cũng còn bấp bênh, vẫn không tránh khỏi tình trạng bị ép giá… Khó khăn lớn nhất hiện nay của xã viên HTX Phước Giang là thiếu vốn đầu tư để nuôi trồng thuỷ sản và đầu ra sản phẩm.

Để giúp cho xã viên HTX Phước Giang phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Ban Chủ nhiệm HTX mong các ngành chức năng quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho xã viên vay vốn ưu đãi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và nhất là có hướng tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định. Ngoài việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản, khi có điều kiện HTX sẽ đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp đúng như tên gọi của HTX.

D.H