Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
HTX không còn quỹ đất để làm vườn sản xuất của HTX nhằm thí điểm, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến…
Ông Hà Chí Mãng, Chủ nhiệm HTX mãng cầu xã Thạnh Tân cho biết, HTX ra đời từ năm 2005, đây là tâm huyết của những nông dân với cây mãng cầu, mong muốn có một tổ chức, đồng tâm hiệp lực, đưa cây mãng cầu phát triển bền vững. Tuy nhiên, HTX chưa nhận được sự hỗ trợ nào về vốn, về giống, về kỹ thuật canh tác. Cho đến nay, văn phòng làm việc của HTX vẫn phải thuê. Ban chủ nhiệm đã cố gắng hết sức vừa làm vừa học, vừa tích luỹ kinh nghiệm, để hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. Từ thực tế cuộc sống và kinh nghiệm của những lần thất bại, nên dù đã nỗ lực hết mình nhưng lực bất tòng tâm, số diện tích mãng cầu của HTX từ trước đến giờ vẫn không thay đổi, vì khi HTX chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân thì sẽ không có nhiều người vào HTX. Hiện nay, người dân trồng mãng cầu ít vốn, thường cho thuê vườn trọn vụ, họ có tiền ngay mà chẳng cần tốn công sức chăm bón. Những lợi ích trước mắt ấy, đã đẩy nông dân ngày càng xa HTX.
Để tồn tại và từng bước tháo gỡ khó khăn, HTX đã chủ động thuê 2ha mãng cầu trồng thí điểm theo đúng quy trình kỹ thuật, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch, kết quả mang về rất khả quan, bước đầu đem lại niềm tin cho người dân, có nhiều người dân đã đồng ý vào HTX.
Ông Hà Chí Mãng Chủ nhiệm HTX mãng cầu xã Thạnh Tân bên vườn mãng cầu thí điểm |
Nhưng làm thế nào để HTX phát triển, xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh của vùng đất có diện tích mãng cầu lớn nhất nước, với chất lượng và thương hiệu mãng cầu Tây Ninh đang có mặt trên thị trường từ Nam chí Bắc? Đây là niềm trăn trở của Ban chủ nhiệm HTX, những người tâm huyết với cây mãng cầu Tây Ninh. Bước đầu, Ban chủ nhiệm tham gia chương trình tập huấn nâng cao năng lực hoạt động HTX, do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức từ tháng 6.2010 đến nay. Sau đó vận động nông dân tham gia lớp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) do trung tâm hỗ trợ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực miền Nam tổ chức; tham gia hội chợ, hỗ trợ đưa trái mãng cầu vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op.
Khó khăn hiện nay, theo ông Hà Chí Mãng, HTX không còn quỹ đất để làm vườn sản xuất của HTX nhằm thí điểm, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến như: sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng công nghệ tưới để tiết kiệm nước, bảo quản chậm chín và chế biến sản phẩm… HTX cũng đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn trong khâu vận chuyển tiêu thụ.
Để HTX mãng cầu xã Thạnh Tân phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, trong việc cho mượn hoặc cho thuê đất; hỗ trợ HTX được vay vốn với lãi suất ưu đãi; nghiên cứu áp dụng kỹ thuật bảo quản chậm chín và chế biến trái mãng cầu, giảm bớt thiệt hại và làm tăng giá trị sản phẩm.
Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng, HTX phải tự cứu mình. Thông qua hoạt động dịch vụ cung ứng phân bón và thuốc BVTV hiện nay, HTX tạo mối quan hệ mật thiết với bà con nông dân, tạo được sự tín nhiệm, làm cho nông dân hiểu được lợi ích khi tham gia hợp tác liên kết. Hợp tác xã sẽ tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ trái mãng cầu gắn với thương hiệu, giảm bớt rủi ro về giá và mang tính ổn định. Phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức nhân rộng việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Duy Đức