Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Huawei lún sâu trong khó khăn
Thứ ba: 12:52 ngày 07/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tin xấu liên tục đổ về Huawei khi các hãng viễn thông khắp thế giới đặt dấu hỏi liệu họ có khả năng cung cấp công nghệ 5G như đã hứa hẹn.

Cuối tháng 6, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) tuyên bố "Huawei và ZTE là rủi ro an ninh với các mạng viễn thông hiện tại và mạng 5G của Mỹ trong tương lai vì có quan hệ chặt chẽ với chính phủ và bộ máy quân sự Trung Quốc". Sau thông báo này, Huawei đang phải đón nhận nhiều tin không vui suốt một tuần qua.

Hụt hơi trong cuộc đua 5G

Từ 2019, Mỹ liên tục gây sức ép lên đồng minh, yêu cầu loại Huawei khỏi danh sách tham gia triển khai hạ tầng mạng 5G. Thế nhưng nhiều nước vẫn lựa chọn hợp tác, như Anh cho phép Huawei cung cấp thiết bị 5G dù giới hạn ở mức thị phần dưới 35%.

Tuy nhiên, cuối tuần qua, báo chí Anh cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cân nhắc ngừng sử dụng thiết bị Huawei trong hệ thống mạng 5G trong vài tháng tới. Nước này cũng sẽ loại dần các thiết bị Huawei đã triển khai trước đó.

Tương tự, trả lời Reuters, Guillaume Poupard, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng Pháp ANSSI, nói dù hiện chưa có bất kỳ lệnh cấm nào, các nhà mạng Pháp đang được vận động không chọn thiết bị của Huawei khi xây dựng mạng 5G.

Tại Singapore, hãng viễn thông Trung Quốc đang thua các đối thủ châu Âu khi tập đoàn Singtel chọn Ericsson (Thụy Điển), còn liên doanh giữa Starhub và M1 chọn Nokia (Phần Lan) là nhà cung cấp chính cho mạng 5G. Bộ trưởng Thông tin Singapore S.Iswaran khẳng định họ không loại hay cấm bất cứ công ty nào trong quá trình lựa chọn đối tác, mà xét duyệt dựa trên hiệu suất, bảo mật và khả năng phục hồi.

Tham vọng bành trướng với công nghệ 5G của Huawei đang gặp khó khăn. Ảnh: Reuters.

Diễn biến ở Ấn Độ còn phức tạp hơn. Giữa năm 2019, Trung Quốc được cho là đã đe dọa trừng phạt Ấn Độ nếu nước này gạt Huawei khỏi kế hoạch triển khai 5G vì sức ép từ Washington. Đến tháng 12/2019, Huawei thông báo đã được cấp phép thử nghiệm mạng 5G tại quốc gia Nam Á này.

Nhưng vận đen tiếp tục bám lấy Huawei khi xung đột biên giới Trung - Ấn xảy ra từ giữa tháng 6. Bên cạnh việc chặn 59 ứng dụng, Ấn Độ thực hiện nhiều bước đi mạnh mẽ trên "chiến tuyến" công nghệ, như đang xem xét cấm các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE, tham gia đấu thầu dự án phát triển hạ tầng viễn thông, bao gồm kế hoạch nâng cấp 5G...

Sản xuất chip đình trệ

Dù bị Mỹ gây khó dễ, không thể phủ nhận Huawei vẫn là hãng công nghệ viễn thông lớn nhất thế giới và đang dẫn đầu về 5G. Đầu năm nay, hãng cho biết đã ký hợp đồng thương mại 5G với 91 quốc gia, trong đó hơn một nửa (47) ở châu Âu, 27 ở châu Á và 17 tại những khu vực khác.

Tuy nhiên, Carisa Nietsche, nhà nghiên cứu bảo mật tại Washington, nhận định một cuộc thay đổi lớn đang ngấm ngầm diễn ra. Nhiều nước và nhiều nhà mạng bắt đầu tỏ ra lo ngại kế hoạch triển khai 5G của mình có nguy cơ bị đình trệ nếu Huawei không thể cung cấp cơ sở hạ tầng 5G như hứa hẹn do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ.

Trong thông điệp đầu 2020, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei cho biết hãng đạt doanh thu trên 850 tỷ nhân dân tệ (122 tỷ USD) trong 2019, tăng 18% so với năm trước đó. Doanh số smartphone cũng đạt 240 triệu máy, tăng 17% so với 2018. Dù vậy, ông thừa nhận 2020 sẽ là một năm đầy khó khăn khi công ty "phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung ứng".

Lo ngại này đã sớm thành hiện thực. Trụ sở của Huawei ở Thẩm Quyến được đặt trong tình trạng báo động từ giữa tháng 5 khi Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất chip cho Huawei phải xin giấy phép nếu sử dụng công nghệ của Mỹ.

Để giảm phụ thuộc vào Mỹ, Huawei đã thành lập công ty HiSilicon chuyên nghiên cứu và thiết kế chip, sau đó đặt hàng TSMC sản xuất. Tuy nhiên, giống như các công xưởng chip khác trên thế giới, TSMC cần dùng tới công nghệ, máy móc và trang thiết bị của Mỹ để vận hành sản xuất. Nếu không thể xin giấy phép, việc cho ra đời các bộ vi xử lý dành cho smartphone, máy chủ, máy trạm 5G... sắp tới của Huawei sẽ bị đình trệ.

Quy định của Mỹ được đánh giá là "đòn chí mạng" bởi lượng chip dự trữ cho các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ cạn kiệt cuối năm nay. "Nếu quy định không thay đổi và nếu căng thẳng Mỹ - Trung không hạ nhiệt, Huawei có thể sẽ không còn khả năng cung cấp trang thiết bị 5G từ năm tới", Edison Lee, chuyên gia phân tích của Jefferies, nói.

Giấc mơ dẫn đầu về smartphone tan vỡ

Hai năm trước, Huawei đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2020. Giấc mơ này chưa bị dập tắt hoàn toàn nhưng khó thành hiện thực sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể, cấm các doanh nghiệp trong nước hợp tác kinh doanh với hãng Trung Quốc.

Có hai thứ đang cản trở tham vọng của Huawei. Thứ nhất, quy định mới của Mỹ khiến Huawei không thể sản xuất chip 5G do chính họ thiết kế, trong khi smartphone 5G được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm tới. Việc phải tìm đến các đối tác như Samsung hay MediaTek khiến họ mất đi vị thế cạnh tranh và phải đánh đổi bằng việc từ bỏ thị phần trong mảng smartphone.

Thứ hai là điều đã được các chuyên gia phân tích mổ xẻ một năm qua: Huawei không còn được cấp phép sử dụng dịch vụ Google trên các thiết bị di động. "Ở thị trường bên ngoài Trung Quốc, việc thiếu dịch vụ Google trên dòng điện thoại cao cấp là vấn đề lớn. Huawei có thể tạm thời tập trung vào những phiên bản cũ, giá rẻ cho thị trường đang phát triển, nhưng chiến lược này không thể kéo dài và cũng không giúp họ tiến xa", Bryan Ma, Phó chủ tịch IDC, nói.

Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, nhận định Huawei đang đối mặt với tương lai đầy thách thức khi bị "đánh" cả về phần cứng và phần mềm như vậy.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục