Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Hụi - “trò chơi” may, rủi (!?)
Chủ nhật: 08:43 ngày 21/07/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hụi được xem là hình thức tiết kiệm, tích luỹ vốn của một bộ phận người dân. Thế nhưng, hụi cũng luôn tìm ẩn sự may rủi, bởi khi chủ thảo tuyên bố “bể hụi” thì coi như các hụi viên gần như mất trắng cả vốn, lãi.

HTML clipboard

Đông đảo hụi viên của bị cáo Trừ dự khán phiên toà

(BTN) - Hụi được xem là hình thức tiết kiệm, tích luỹ vốn của một bộ phận người dân. Thế nhưng, hụi cũng luôn tìm ẩn sự may rủi, bởi khi chủ thảo tuyên bố “bể hụi”thì coi như các hụi viên (tay em chơi hụi) gần như mất trắng cả vốn, lãi. Do chuyện “chơi hụi” thường nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nên trước đây một thời gian dài Nhà nước không khuyến khích việc người dân tham gia hụi, thậm chí pháp luật không thừa nhận việc chơi hụi. Mãi đến ngày 27.11.2006, Chính phủ mới ban hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP về hụi, họ, biêu, phường (theo cách gọi riêng ở từng địa phương, có thể gọi chung là hụi) nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ người chơi hụi, cũng như đưa hoạt động chơi hụi vào nề nếp, minh bạch. Thế nhưng, từ đó đến nay, không phải ai tổ chức chơi hụi, tham gia chơi hụi đều thực hiện đúng theo quy định của Nghị định.

NHỮNG VỤ “BỂ HỤI” XÔN XAO DƯ LUẬN

 Những ngày cuối tháng 1.2013, khi mọi người, mọi nhà đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, thì nhiều người dân ở ấp Long Thành, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành “mất tết” vì chủ thảo hụi Nguyễn Văn Thanh cùng vợ là Mang Thị Huôi bỗng dưng biến mất. Người dân cho biết, vợ chồng Thanh, Huôi đứng ra tổ chức nhiều dây hụi khác nhau có giá từ 1.000.000 - 5.000.000 đồng từ năm 2010. Theo tính toán ban đầu của 40 hộ dân có đơn thưa vợ chồng Thanh, Huôi “giật hụi” thì tổng số tiền hụi đôi vợ chồng này còn nợ trên 1,7 tỷ đồng. Khi vợ chồng Thanh, Huôi “mất dạng”, nhiều hụi viên kéo đến UBND xã Long Thành Trung yêu cầu xã can thiệp, xử lý. Thế nhưng, thẩm quyền UBND xã thì chỉ có thể hướng dẫn người dân khởi kiện tại toà án, còn các hụi viên thì cho rằng, chủ thảo Thanh, Huôi có dấu hiệu hình sự, phải xử lý hình sự. Khoảng 1 tháng sau khi “mất dạng” thì vợ chồng Thanh, Huôi bỗng dưng trở về. Các hụi viên liền kéo đến vây, khiến vợ chồng Thanh, Huôi phải đến Công an xã Long Thành Trung lánh nạn ngay trong đêm.

Trước đó, vào tháng 8.2012, tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu xảy ra 1 vụ “bể hụi” với số tiền lớn hơn dây hụi của Thanh, Huôi. Theo phản ánh của các hụi viên, vợ chồng Lê Thị Kim Hương và Trần Thanh Dũng- ngụ ấp Tân Định 1, xã Suối Đá làm chủ thảo mở hụi từ tháng 8.2011 với nhiều dây hụi 500.000 đồng. Đến tháng 8.2012, vợ chồng Hương, Dũng tuyên bố “bể hụi” chiếm đoạt số tiền nợ của các con hụi hơn 8 tỷ đồng. Trước khi “bể”, vợ chồng Dũng, Hương chuyển trường cho con đi học nơi khác, nửa đêm chuyển toàn bộ tài sản lên xe tải, bỏ đi nhiều ngày, sau đó thì vợ chồng Dũng, Hương quay về nhà. Thế nhưng, các cơ quan chức năng huyện Dương Minh Châu chỉ yêu cầu các hụi viên khởi kiện ra toà, không xử lý hình sự.

Gần đây nhất là vụ “bể hụi” tại thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu khiến nhiều người quan tâm, bởi số tiền hụi và tiền mượn nợ của chủ thảo Lương Thị Kim Lan- ngụ khu phố 3, thị trấn huyện Tân Châu lên đến hơn 20 tỷ đồng. Do nôn nóng trong việc yêu cầu xử lý chủ thảo hụi Kim Lan, nên một số hụi viên kéo nhau đến UBND huyện yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý bà Lan. Tổng số đơn của người dân “thưa” bà Lan liên quan đến tiền hụi và tiền mượn là 62 đơn, với số tiền khoảng hơn 20 tỷ đồng, người nhiều nhất hơn 1,5 tỷ đồng, người ít nhất 21 triệu đồng. Đến sáng 16.7, dù cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Châu đang vào cuộc xác minh giải quyết, nhưng do nghi ngờ bà Lan tẩu tán tài sản hơn 10 hụi viên kéo nhau đến trụ sở Huyện uỷ huyện Tân Châu đề nghị gặp Bí thư, cũng như yêu cầu cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn việc bà Kim Lan tẩu tán tài sản, nhanh chóng xử lý hành vi lừa đảo.

MỜ MẮT và sụp bẫy

Trở lại với chủ thảo hụi Nguyễn Văn Thanh, Mang Thị Huôi, các hụi viên cho biết, trước đây ông Thanh làm thợ hồ, sau đó chuyển qua làm thầu nhưng chủ yếu là lãnh những công trình nhà ở nhỏ. Tự dưng ông Thanh nghỉ làm thầu, về cất nhà và cùng vợ làm chủ thảo hụi. Thấy nhà cửa của ông Thanh cũng to lớn, đi xe tay ga đắt tiền nên nhiều người tin tưởng tham gia. Lúc đầu, vợ chồng ông Thanh mở những dây hụi nhỏ, đăng hụi rất đúng hẹn, tạo niềm tin cho hụi viên. Dần dà, những dây hụi vợ chồng ông Thanh mở số tiền tăng dần, số người tham gia cũng nhiều hơn. Để chứng tỏ mình làm ăn gặp thời, lâu lâu vợ chồng Thanh, Huôi còn bao xe tổ chức cho các hụi viên đi nghỉ mát nên uy tín ngày càng lên cao. Cho đến ngày “bể hụi”, không ít hụi viên than trời vì quá tin tưởng vào vẻ bề ngoài của vợ chồng Thanh, Huôi.

Còn bà Lương Thị Kim Lan trước khi trở thành chủ thảo hụi, cũng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng kể từ khi bà Lan gả con gái đi Nhật thì mọi người nhìn bà bằng con mắt khác. Cũng từ đó, bà Lan chính thức trở thành chủ thảo hụi. Lúc đầu bà Lan chỉ mở những dây hụi nhỏ và rất uy tín trong việc đăng hụi. Sau đó, bà Lan mở thêm nhiều dây hụi với những số tiền khác nhau. Trong thời gian này, bà Lan cất nhà to, có xe ô tô đậu trong nhà và quan trọng hơn chính là “cái mác” có con gái Việt kiều nên khiến nhiều người không ngần ngại tham gia chơi hụi với bà. Đùng một cái, bà Lan tuyên bố “bể hụi” nên nhiều hụi viên cho rằng bấy lâu nay bà lợi dụng vẻ bề ngoài để lừa gạt.

Nước mắt của các hụi viên chơi hụi trong dây hụi của chủ thảo Lương Thị Kim Lan khi kéo đến trụ sở huyện Tân Châu kêu cứu

Trao đổi với phóng viên, chị TT.N.T, người chơi hụi với chủ thảo Lương Thị Kim Lan cho biết hiện nay bà Lan nợ chị tổng số tiền nợ hụi, nợ mượn hơn 1,5 tỷ đồng. Chỉ riêng hụi, chị tham gia 15 dây, đều là hụi còn sống, có giá từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng/dây hụi/tháng, do chị thấy các dây hụi của bà Lan mở có lãi cao nên tham gia để tiết kiệm. Tuy nhiên, đúng ngày 20.6.2013, là ngày bà Lan phải đăng hụi cho chị, thì không thấy bà đâu, điện thoại thì không liên lạc được. “Lúc đó tôi muốn xỉu luôn” - chị N.T nói. Ngoài số tiền hụi đã đóng cho bà Lan, cách nay khoảng 2 tháng chị N.T lại cho bà Lan mượn số tiền hơn 400 triệu đồng.

Còn chị Lê Thị T.K - ngụ KP2, thị trấn Tân Châu, cũng do tin tưởng bà Lan có nhà cửa đàng hoàng, rất có uy tín với hụi viên ở địa phương, đăng hụi đúng hẹn, nên chị K đã không ngần ngại tham gia vào các dây hụi do bà Lan mở. Thời gian gần đây, khi chị K hốt hụi, bà Lan mở miệng mượn lại chị số tiền hốt hụi và trả lãi cho chị. Bà Lan nói là cho người khác mượn để đáo hạn ngân hàng, chị K đã đồng ý. Hiện nay số tiền nợ mà bà Lan mượn của chị K lên đến hơn 600 triệu đồng.

ĐƯỢC VẠ THÌ MÁ ĐÃ SƯNG

Nhìn chủ hụi Trần Thị Trừ- ngụ thị trấn huyện Trảng Bàng đứng trước vành móng ngựa trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, không ai ngờ rằng một người “ngon ngọt” như thế lại lừa 164 nạn nhân, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng tiền hụi. Từ năm 2000, Trần Thị Trừ đứng ra làm thảo hụi để kiếm tiền hoa hồng. Được một thời gian, bà Trừ cảm thấy việc làm thảo hụi không giàu nhanh chóng nên đến tháng 2.2008, Trừ vay tiền và lấy tiền hụi thảo của hụi viên để mua đất, xây nhà, xây dựng siêu thị gia đình, trồng lan. Do việc kinh doanh thua lỗ nên không có tiền trả nợ vay, tiền đóng lại hụi hằng tháng. Để giữ “uy tín”, bà Trừ tiếp tục mở nhiều dây hụi lớn từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng, trong đó Trừ tham gia chơi từ 1 đến 2 phần để khui hụi. Đến đầu năm 2010, bà Trừ bắt đầu mượn tên các hụi viên ít đến khui hụi để lĩnh tiền chơi hụi mà không thông báo cho những người này biết. Trong quá trình đi gom hụi, Trừ nói với các hụi viên chưa lĩnh hụi là hụi kêu tiền lời thấp, để các hụi viên đóng hụi cao rồi chiếm đoạt phần tiền chênh lệch. Ngoài ra để chiếm đoạt tiền, Trừ còn nói với các hụi viên tham gia trong dây hụi có người lĩnh hụi nhưng không được, kêu hụi viên đóng hụi đăng theo để chiếm đoạt tiền. Sự việc kéo dài cho đến ngày 12.5.2011, Trừ không còn khả năng thanh toán nên tuyên bố “bể hụi”. Tại thời điểm đó, có 33 dây hụi từ 1 đến 5 triệu đồng đang hoạt động, trong đó có 30 dây hụi Trừ đã tự ý lấy tên hụi viên lĩnh tiền.

Kết quả điều tra cho thấy, Trừ đã dùng các thủ đoạn gian dối như mượn tên hụi viên lĩnh hụi, thu tiền hụi cao hơn hưởng chênh lệch chiếm đoạt của 164 nạn nhân với số tiền là 3.210.243.000 đồng. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 28.1, theo bà Men- một nạn nhân, thì ngoài số tiền bà dành dụm đóng hụi cho bị cáo Trừ hơn 60 triệu, hiện bà đang khởi kiện bị cáo Trừ thêm một vụ kiện dân sự với hơn 1 tỷ đồng. Còn ông Sơn thì cho biết ông đã đóng hụi cho bà Trừ với số tiền là 60 triệu đồng cũng là tiền gom góp dành dụm của cả gia đình. Với bản án 18 năm tù dành cho Trừ là đúng tội. Tuy nhiên, theo các hụi viên thì với số tài sản còn lại của Trừ, nếu thi hành án bán ra chia theo tỷ lệ cho các con nợ thì chắc mỗi người không được là bao.

Còn vụ “bể hụi” của vợ chồng Lê Thị Kim Hương và Trần Thanh Dũng, sau khi các hụi viên khởi kiện vợ chồng Hương, Dũng ra toà, TAND huyện đã tiến hành hoà giải, vợ chồng Hương, Dũng đều thừa nhận nợ, do đó TAND huyện đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự. Thế nhưng, vấn đề mà các hụi viên quan tâm, với số tài sản còn lại của vợ chồng Hương, Dũng, chắc có lẽ khi họ yêu cầu thi hành án thì chỉ vớt vát lại phần nào số tiền của mình, bởi lẽ tổng số nợ của vợ chồng Hương, Dũng lớn hơn nhiều so với giá trị tài sản còn lại.

Đó là 2 vụ “bể hụi” đã được các ngành chức năng xử lý, 1 vụ xử lý hình sự, 1 vụ xử lý dân sự. Còn vụ “bể hụi” của Nguyễn Văn Thanh và Mang Thị Huôi thì đến nay chưa có kết quả giải quyết dứt điểm. Riêng vụ “bể hụi” của chủ hụi Lương Thị Kim Lan hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang xác minh nên chưa thể nói trước được là xử lý hình sự hay dân sự.

Ông Đỗ Văn Thinh- Chánh án TAND huyện Dương Minh Châu cho biết, hiện nay tình trạng mở hụi đang diễn ra tràn lan từ thành thị tới vùng quê và diễn biến rất phức tạp, thậm chí nợ hụi còn biến tướng thành những giao dịch dân sự khác mà đến khi ra toà các đương sự mới chịu khai ra là do nợ hụi. Ông Thinh cho biết thêm, trong tổng số án dân sự 9 tháng qua mà TAND huyện thụ lý có đến 40% vụ liên quan đến hụi. Cũng theo ông Thinh, hiện nay có một số người xem việc lập và mở hụi như là nghề “chuyên nghiệp”, còn các hụi viên thì giống như những người kinh doanh ham lãi cao nhưng sản phẩm mà họ đang kinh doanh là “sản phẩm ảo”. Chính việc “mập mờ” của các đường dây hụi, có bao nhiêu người tham gia dây hụi, ai “hốt hụi”, ai chưa “hốt” có khi các hụi viên cũng không nắm được. Ông Thịnh khuyên người dân nên chọn hình thức tiết kiệm khác và hạn chế chơi hụi để tránh rủi ro.

Từ lâu vấn nạn “bể hụi”, “giật hụi” thường mang lại nhiều hệ luỵ cho nhiều người, ngoài ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân (vì mỗi dây hụi thường có trên dưới 20 hụi viên, và các chủ thảo hụi lại thường có rất nhiều dây hụi) nó còn gây ra tình hình phức tạp về an ninh trật tự địa phương. Các chủ thảo hụi thường lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để tuyên bố vỡ hụi, để được xét xử theo hướng dân sự. Do đó, vấn đề cần thiết là các cơ quan chức năng cần làm rõ các vụ vỡ hụi có mang tính chất lừa đảo hay không, nhằm có biện pháp xử lý thích đáng để ngăn ngừa chung cho xã hội. Nhưng vấn đề chính là người dân cần phải nhận thức và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định tham gia chơi hụi, đừng… nhắm mắt tự đưa mình vào “trò chơi” may rủi.

TẤN PHÁT

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục