Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Tình trạng “nhắm mắt chơi hụi” để rồi sập bẫy lừa của các chủ hụi, dẫn đến những hậu quả đau thương cho gia đình là bài học không hề cũ mà nhiều người vẫn phải nuốt nước mắt đón nhận!

|
Chủ hụi Nguyễn Thị Xem phải nhận bản án 12 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thời gian qua, có những chủ hụi đã phải ra đứng trước vành móng ngựa với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau khi “sự cố bể hụi” xảy ra. Các cơ quan thông tin đại chúng đã đăng, phát khá nhiều thông tin không lấy gì làm vui về các vụ án có liên quan tới hụi. Thế nhưng tình trạng chơi hụi… bất chấp nguy cơ, hậu quả và những hệ luỵ do bể hụi khiến không ít người rơi vào cảnh tình khốn đốn vẫn cứ xảy ra…
Khi chủ hụi dùng chiêu trò, thủ đoạn
Vào tháng 7.2014, Báo Tây Ninh từng thông tin về vụ bể hụi tại chợ Phước Điền, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Theo đó, khi chủ hụi Nguyễn Thị Hằng tuyên bố bể hụi, hàng trăm người dân, tiểu thương tại chợ Phước Điền đã phải khóc ròng vì toàn bộ tiền bạc dành dụm của gia đình đem đầu tư chơi hụi trong phút chốc đã bay biến. Sở dĩ nhiều người tin tưởng bà Hằng là vì thấy bà này cũng có công ăn việc làm ổn định bằng nghề buôn bán trái cây tại chợ. Bà Hằng từng được xem là người có uy tín qua hơn 10 năm làm chủ hụi, vì thế nhiều người không e ngại khi tham gia các dây hụi do Hằng làm chủ, trong đó có cả những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi sự việc vỡ lở, bà Hằng bỏ đi khỏi địa phương. Thế là các hụi viên chỉ còn biết… khóc ròng! Theo nhẩm tính của họ thì số tiền bị mất từ vụ bể hụi của bà này không dưới 10 tỷ đồng. Chủ hụi bỏ trốn, các hụi viên chỉ còn biết trông chờ vào sự giúp đỡ của cơ quan chức năng và họ đã làm đơn tố cáo bà Hằng gửi đến công an. Gần 2 năm trôi qua, chủ hụi Nguyễn Thị Hằng sắp tới sẽ phải ra trước vành móng ngựa để đối mặt với pháp luật, với các nạn nhân của mình về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo dự kiến vụ án sẽ được Toà án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử trong tháng 5 này. Theo cáo trạng, thì từ năm 2002, bà Hằng đứng ra tổ chức nhiều dây hụi. Đến khoảng tháng 1.2010, để có vốn nuôi heo, Hằng sử dụng thủ đoạn gian dối với hình thức ghi tên nhiều hụi viên không có thật (thường gọi là “hụi ma”) hoặc lấy tên của các hụi viên có tham gia chơi hụi (nhưng họ không hề hay biết) để hốt hụi (lĩnh hụi). Ngoài ra, khi cần tiền để trả cho các hụi viên mà mình đã mạo tên để lĩnh hụi trước đó, Hằng bịa tin là có hụi viên cần tiền nên bán hụi để chiếm đoạt tiền của những người mua hụi. Đến tháng 6.2014, Nguyễn Thị Hằng tuyên bố bể hụi. Kết quả điều tra xác định từ ngày 5.10.2012 đến tháng 6.2014, Hằng chiếm đoạt tiền của các hụi viên trong 11 kỳ mở hụi với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng. Có dây hụi gồm 22 phần, trong đó bà Hằng tham gia đến 4 phần và có 3 phần là của “hội viên ma”. Sau đó, Hằng dùng tên của các “hụi viên ma” và tên của 8 hụi viên khác để hốt hụi. Quá trình điều tra cũng xác định được Hằng đã bán khống 566 phần hụi cho 40 người để chiếm đoạt tiền.
Cũng giống như chủ hụi Nguyễn Thị Hằng, chủ hụi Nguyễn Thị Xem (ngụ ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) dùng thủ đoạn tương tự- ghi tên “hụi viên ma” để thực hiện hành vi lừa đảo. Năm 2011, Xem đứng ra tổ chức nhiều dây hụi. Trong quá trình làm chủ hụi, bằng thủ đoạn gian dối, Xem đã ghi tên nhiều hụi viên không có thật để hốt hụi và lấy tên của các hụi viên để hốt hụi nhằm chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân. Đến tháng 12.2013, Nguyễn Thị Xem tuyên bố bể hụi. Quá trình điều tra đã xác định tổng số tiền bà Xem chiếm đoạt của các hụi viên trong 15 dây hụi là hơn 500 triệu đồng.
Thủ đoạn trên cũng được chủ hụi Trần Ngọc Sang (SN 1976, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) thực hiện. Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến tháng 9.2010, Sang làm chủ hụi trên địa bàn huyện Tân Biên. Do có ý chiếm đoạt từ trước nên Sang đã lập khống danh sách hụi viên để tự mình bỏ thăm và hốt hụi. Lợi dụng việc có một số hụi viên vắng mặt tại buổi bốc thăm hốt hụi, Sang đã tự ý mượn tên họ để bỏ thăm hòng qua mặt các hụi viên khác để thu tiền hụi. Sau đó, Sang tuyên bố không còn khả năng thanh toán cho các hụi viên chưa hốt hụi. Kết quả có 20 hụi viên bị Sang chiếm đoạt với số tiền gần 500 triệu đồng.
Thiệt hại rơi về phía hụi viên
Phần lớn sau khi các vụ bể hụi xảy ra, các hụi viên rất hiếm có cơ hội để nhận lại số tiền đã bị chiếm đoạt, nếu có thì phần được nhận lại cũng rất ít ỏi, chẳng đáng mấy so với con số mất mát. Bởi thường là khi bể hụi, các chủ hụi chẳng còn lại mấy tài sản để có thể bồi hoàn cho các nạn nhân. Trong vụ án của Nguyễn Thị Xem, theo lời trình bày: bị cáo không còn tài sản nào khác ngoài phần đất nhưng trên phần đất còn có căn nhà mà tiền cất nhà lại là của con bị cáo. Vì vậy bị cáo mong hội đồng xét xử xem xét lại, để chồng con của bị cáo còn có chỗ để ở. Riêng số nợ đối với các hụi viên thì… ráng chờ sau khi bà Xem ra tù sẽ cố gắng kiếm tiền để trả! Dĩ nhiên lời hứa cũng chỉ mới là lời hứa, bởi khi ra đứng trước vành móng ngựa thì bà Xem đã hơn 55 tuổi, vậy sau khi bà chấp hành mức án 12 năm tù, ai dám chắc bà còn đủ sức khoẻ và khả năng để kiếm tiền trả nợ?
Vụ bà Nguyễn Thị Hằng cũng vậy, sau vụ bể hụi với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, tài sản của bà này chẳng còn bao nhiêu. Chưa biết bao giờ các hụi viên mới nhận lại được số tiền bị chiếm đoạt?
Mới đây thôi, dư luận lại lùm xùm xung quanh vụ bể hụi của vợ chồng Phạm Tấn Tài và Nguyễn Thị Bạch Yến ở thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành. Khi bể hụi, vợ chồng Yến – Tài gặp các chủ nợ thương lượng làm giấy nợ và cam kết bán tài sản để trả nợ. Thế nhưng số tài sản của Yến – Tài chỉ khoảng 7 tỷ đồng, trong khi số nợ là hơn 25 tỷ. Điều đáng nói, trong 67 hụi viên thì chỉ có 16 hụi viên được thi hành án nhờ họ “nhanh chân” khởi kiện ra toà và yêu cầu thi hành án. Còn lại các hụi viên khác do “chậm chân” nên đành ôm cục uất nghẹn, không biết bao giờ vợ chồng Yến – Tài mới có thể trả được nợ cho mình. Bản án buộc vợ chồng Yến – Tài trả nợ cho họ đã có trên tay nhưng khi yêu cầu thi hành án thì con nợ đã chẳng còn tài sản gì. Thực sự thì số tiền hàng tỷ đồng của các hụi viên đã trôi về đâu- đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra xung quanh vụ bể hụi của vợ chồng Yến – Tài.
Cả tin, dễ sập bẫy lừa
Một thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh cho biết, thông thường các chủ hụi thường tạo cho mình vẻ bề ngoài giàu có. Thế nhưng, người nào tỉnh táo sẽ có thể nhận thấy những điều bất thường trong sự giàu có của họ. Hiện nay nhiều người xem việc đứng ra làm chủ hụi như là một cái nghề. Nếu làm chủ hụi chỉ nhằm hưởng tiền “hoa hồng” từ những người hốt hụi thì các chủ hụi cũng khó mà giàu lên nhanh chóng để xây nhà to, sắm ô tô…
Thực tế cho thấy, qua những vụ bể hụi, rất ít trường hợp chủ hụi bị xử lý hình sự. Đây là vấn đề khiến nhiều người bức xúc và lên tiếng. Khó xử lý hình sự là do các chủ hụi thường tìm cách đối phó với pháp luật! Trước khi tuyên bố bể hụi, các chủ hụi đã âm thầm tẩu tán tài sản bằng cách chuyển quyền sở hữu cho người thân, để rồi sau đó họ sẵn sàng ghi giấy thừa nhận nợ, không cần bỏ trốn khỏi địa phương. Chính vì vậy pháp luật cũng khó quy cho họ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hầu hết các vụ bể hụi có mức thiệt hại lớn, khi toà án đưa ra hoà giải, các chủ hụi đều thừa nhận có nợ và cam kết trả nợ cho hụi viên. Và theo quy định, toà án phải ra quyết định công nhận sự hoà giải thành của các đương sự. Vấn đề là sau khi có quyết định hoà giải thành, các hụi viên yêu cầu thi hành án thì chủ hụi tuyên bố: không có tài sản để thi hành án.
|
Một hụi viên bật khóc khi nghe tin Nguyễn Thị Hằng bị bể hụi.
Cách đây 10 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP (Nghị định 114) ngày 27.11.2006 về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là họ). Cụ thể tại Điều 5 của Nghị định có nói rõ: chủ họ là người tổ chức, quản lý họ, thu các phần họ và giao các phần họ đó cho thành viên được lĩnh họ trong mỗi kỳ mở họ cho tới khi kết thúc họ, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Chủ họ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Điều 6 quy định về thành viên là người tham gia họ, góp phần họ và được lĩnh họ. Thành viên có thể góp một hoặc nhiều phần họ trong một họ. Điều 7 của Nghị định quy định về hình thức thoả thuận về họ, theo đó thoả thuận về họ được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Văn bản thoả thuận về họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia họ có yêu cầu. Bên cạnh đó tại khoản 2, Điều 9 của Nghị định có quy định về nội dung sổ họ. Cụ thể tuỳ theo từng loại họ, sổ họ có thể bao gồm các nội dung gồm: tên, địa chỉ của chủ họ và các thành viên trong họ; phần họ, kỳ mở họ, thể thức góp họ và lĩnh họ; số tiền, tài sản khác đã góp họ hoặc đã lĩnh họ; việc chuyển giao phần họ; việc ra khỏi họ và chấm dứt họ; chữ ký hoặc điểm chỉ của các thành viên khi góp họ và lĩnh họ; các nội dung khác liên quan đến hoạt động của họ.
Thế nhưng từ đó đến nay, chẳng có hụi viên nào yêu cầu chủ hụi phải đem văn bản thoả thuận về hụi đi chứng thực và cũng chẳng có chủ hụi nào ghi sổ hụi đúng với tinh thần mà Nghị định 114 quy định. Qua tìm hiểu tại các vụ bể hụi được đưa ra xét xử hình sự tại TAND tỉnh thời gian qua, đa số các hụi viên bị chiếm đoạt tiền chỉ vì bị chủ hụi lợi dụng lòng tin. Có hụi viên vì quá tin tưởng vào chủ hụi mà không cần biết dây hụi mình tham gia chơi có những ai, nhà cửa ở đâu, chỉ cần nghe chủ hụi kêu đóng hụi là móc tiền ra đóng ngay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để cho nhiều chủ hụi sử dụng chiêu thức “hụi viên ma” chiếm đoạt tiền của hụi viên suốt một thời gian dài mà không ai hay biết.
Tình trạng “nhắm mắt chơi hụi” để rồi sập bẫy lừa của các chủ hụi, dẫn đến những hậu quả đau thương cho gia đình là bài học không hề cũ mà nhiều người vẫn phải nuốt nước mắt đón nhận!
THẾ NHÂN