BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hưng Thái Tự - hội quán Tịnh độ cư sĩ tại Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 01/09/2024 - 15:30

BTN - Hiện tại, Hội quán có hơn 20 tín đồ có gốc từ xưa, ngoài tín đồ theo Tịnh độ cư sĩ, hằng năm còn có nhiều người đến viếng, tham gia sinh hoạt tu tập và làm công quả, phước thiện ở phòng thuốc.

Tây Ninh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, nơi hội tụ của nhiều tộc người đã góp phần làm đa dạng và phong phú đời sống văn hoá, xã hội của cư dân, bên cạnh các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin Lành…

Từ thập niên 1950, đức Tông sư Minh Trí đến vùng đất Tây Ninh mở phòng thuốc chữa bệnh, hoằng hoá đạo mầu đã đặt nền tảng cho sự hiện diện của Tịnh độ cư sĩ Phật hội, cùng với Cao Đài là hai tôn giáo nội sinh có nếp sinh hoạt gần gũi với người dân. Hội quán Hưng Thái (Hội quán) được thành lập trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ với phương châm dùng y học dân tộc để giúp đời, hoằng dương Phật pháp.

Điện Phật ở hội quán Hưng Thái.

Vào những năm đầu thập niên 1950, đặc biệt là năm Thìn bão lụt (1952), đức Tông sư Minh Trí đến Tây Ninh hoằng đạo, hốt thuốc chữa bệnh cho cư dân. Buổi đầu, đức Tông sư mượn giảng đường Thích Quảng Đức của Phật giáo (nay là vị trí trụ sở Uỷ ban nhân dân và Công an phường 2, thành phố Tây Ninh) để mở phòng thuốc Nam phước thiện bắt mạch, bốc thuốc trị bệnh miễn phí cho người dân.

Cảm mến trước đạo hạnh của đức Tông sư Minh Trí, nhiều tín đồ đã quy y theo Tịnh độ cư sĩ Phật hội hoạt động với phương châm “tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân” và dùng y học dân tộc để giúp đời, hoằng dương Phật pháp. Đức Tông sư còn nhận được sự ủng hộ của chính quyền lúc bấy giờ tại Tây Ninh nên việc phát triển tín đồ và lập hội quán của Tịnh độ cư sĩ Phật hội được thuận lợi.

Có người nữ thời bấy giờ thường gọi là bà Ba cầm đồ thấy được những việc làm ý nghĩa của đạo đã mua ô đất hiến cho Tịnh độ cư sĩ Phật hội để xây dựng hội quán tại Tây Ninh và tồn tại đến nay (toạ lạc tại số 046 Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố 3, phường 2, thành phố Tây Ninh), được biết trước đây phần đất này là sở rác của Mỹ, sau không còn sử dụng.

Hội quán Hưng Thái được khởi công xây dựng trên phần đất này đến năm 1956 thì hoàn thành, có kiến trúc đơn giản, điện thờ Phật và phòng thuốc phước thiện chữa bệnh cho người dân trong và ngoài địa phương.

Hội quán còn được người dân Tây Ninh quen gọi là chùa Hưng Thái, chùa Bông Sen bởi trước chùa là bức tường đắp nổi hoa văn hoa sen- một nét đặc trưng trong kiến trúc của các hội quán Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam; hay còn gọi là chùa Bà Tư (tức bà Nguyễn Thị Huệ)- người có nhiều đóng góp và gắn bó lâu ở hội quán.

Hội quán Hưng Thái (thành phố Tây Ninh).

Trải qua nhiều đời chức sắc, thầy thuốc của Tịnh độ cư sĩ Phật hội cùng phụng đạo giúp đời tại hội quán Hưng Thái, tiêu biểu có ông Châu Văn Châu là người ở Tây Ninh, xưa thường gọi là ông Huyện Châu làm Hội trưởng Tịnh độ cư sĩ Phật hội tỉnh Tây Ninh; ông Trần Sình là người gốc Hoa ở Vũng Tàu đến hội quán làm quản từ… góp phần lớn trong việc trùng hưng hội quán, hoằng dương Phật pháp, phát triển tín đồ, chữa bệnh cứu người… để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng cư dân Tây Ninh.

Sau năm 1975, Nhà nước mượn Hội quán làm Ban Y tế của tỉnh Tây Ninh.

Từ năm 1953, bà Nguyễn Thị Huệ- mọi người thường gọi thân mật là bà Tư, người ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre làm y sĩ của Tịnh độ cư sĩ Phật hội. Đến năm 1980, Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam cử bà về Hội quán làm Trưởng Ban Trị sự Chi hội Hưng Thái tự. Trong thời gian này, bà cải tạo lại Hội quán có kiến trúc khang trang như hiện nay và tiếp tục hốt thuốc từ thiện, truyền dạy nghề y.

Năm 2023, bà Nguyễn Thị Huệ qua đời, nối bước thân mẫu phụng đạo giúp đời, hiện nay, Hội quán do ông Châu Trí làm Trưởng Ban Trị sự Chi hội Hưng Thái tự, tổ trưởng tổ chẩn trị của phòng thuốc phước thiện tại hội quán.

Với phương châm hành đạo là “tu học - hành thiện - ích nước - lợi dân” và thực hành “phước huệ song tu”, thời gian qua, Hội quán không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hoà hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Hội quán sinh hoạt, công phu theo thời khoá của Tịnh độ cư sĩ Phật hội. Hằng năm, tại Hội quán tổ chức cúng lớn vào các dịp rằm thượng nguơn (15.1), rằm trung nguơn (15.7), rằm hạ nguơn (15.10), Đại lễ Phật đản (8.4) và huý kỵ đức Tông sư Minh Trí (23.8) tính theo nông lịch. Vào ngày kỵ đức Tông sư, hội quán tổ chức cho tín đồ trở về tổ đình Hưng Minh để tham dự lễ huý kỵ do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tổ chức.

Hiện tại, Hội quán có hơn 20 tín đồ có gốc từ xưa, ngoài tín đồ theo Tịnh độ cư sĩ, hằng năm còn có nhiều người đến viếng, tham gia sinh hoạt tu tập và làm công quả, phước thiện ở phòng thuốc.

Tín đồ ở Tây Ninh quy y theo Tịnh độ cư sĩ Phật hội không đông nhưng giữ được nếp sinh hoạt tôn giáo tu phước, tu huệ theo đúng tông chỉ của đạo và hành thiện, hành y giúp người, giúp đời. Đặc biệt, nhiều người từ mọi nơi đến làm công quả, hỗ trợ việc làm thuốc, xắt thuốc, phơi thuốc… và tặng thuốc.

Y sĩ Châu Trí khám bệnh cho người dân.

Phòng thuốc phước thiện có hơn mười người do y sĩ Châu Trí làm tổ trưởng tổ chẩn trị, các thành viên làm xuyên suốt từ thứ hai đến chủ nhật. Nguồn thuốc Nam chủ yếu được khai thác tại chỗ và người dân các vùng Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu chở lên cho- mỗi lần hàng tấn cây thuốc. Hội quán phải mướn công nhật hoặc tín đồ làm công quả hỗ trợ chặt thuốc, phơi thuốc phục vụ cho rất nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày. Những bệnh nhân nghèo được cấp thuốc hoàn toàn miễn phí.

Trong những năm gần đây, Hội quán Hưng Thái đã khám và điều trị hơn 16.000 lượt bệnh nhân, hơn 83.000 thang thuốc Nam với tổng giá trị trên 2,8 tỷ đồng tặng cho bệnh nhân, người có hoàn cảnh khó khăn. Tịnh độ cư sĩ Phật hội tại Tây Ninh còn có sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các tôn giáo khác tại địa phươngvà thường tương trợ trong công tác thiện nguyện.

Đến nay, Hưng Thái tự là hội quán duy nhất của Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tại Tây Ninh, nơi lưu dấu của đức Tông sư Minh Trí- người đã đặt nền tảng cho sự hiện diện của Tịnh độ cư sĩ Phật hội trên mảnh đất phía Tây Nam của Tổ quốc, dẫn dắt tín đồ thực hành tu tập theo tôn chỉ “tu học - hành thiện - ích nước - lợi dân” và thực hành “phước huệ song tu”.

Phí Thành Phát