Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hưởng 400% lương trực Tết, giáo viên có muốn cũng chưa chắc được phân công
Thứ sáu: 15:59 ngày 28/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Nhâm Dần sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó, người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương.

Cận Tết Nguyên đán, câu chuyện trực Tết ở các nhà trường phổ thông lại được bàn tán khá nhiều. Suy cho cùng, giáo viên được phân công trực đều là những ngày trước và sau Tết nên họ mới có ý kiến vì một số giáo viên tham gia trực trường không có quyền lợi gì.

Nếu, nhà trường mà phân công giáo viên trực Tết trong 5 ngày Luật cho phép nghỉ thì có khi nhiều người còn xung phong nhưng dễ gì được phân công.

Bởi lẽ, trực 5 ngày Tết (từ 29 hoặc 30 tháng Chạp đến hết ngày 4 tháng Giêng) là có tiền làm thêm giờ. Mỗi ngày trực Tết, không tính tiền lương, phụ cấp đang lĩnh thì người tham gia trực sẽ có thêm trên dưới 1 triệu đồng nên không phải ai muốn cũng được nhà trường phân công.

Những ngày này, phần lớn là Ban giám hiệu nhà trường rồi đến nhân viên văn phòng tham gia trực Tết. Ngay cả đội ngũ cốt cán như tổ trưởng chuyên môn và các thành viên trong Ban chấp hành Công đoàn còn chưa đến lượt, nói gì đến giáo viên không đảm nhận chức vụ.

Giáo viên nếu được phân công trực Tết sẽ được hưởng tiền làm thêm giờ.
(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Hiểu đúng ngày trực Tết và những ngày làm việc bình thường

Thông thường, nhiều giáo viên thấy địa phương cho học sinh nghỉ Tết là nghĩ mình cũng được nghỉ Tết luôn nhưng thực tế không phải là vậy. Điều này đã được quy định rõ trong nhiều văn bản Luật hiện hành.

Giáo viên hiện nay được xếp vào ngạch viên chức nên phải tuân thủ theo mọi quy định của pháp luật hiện hành và những ngày nghỉ theo luật định.

Và, không có Luật nào cho phép công chức, viên chức được nghỉ Tết quá 5 ngày (trừ nghỉ quy đổi ngày cuối tuần) nên khi giáo viên được phân công trực trước hoặc sau Tết thì nghĩ là… trực Tết nhưng thực tế không phải vậy.

Chẳng hạn như năm nay, nhiều địa phương cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 24/1/2022 (tức là ngày 22 tháng Chạp) nhưng đó là ngày học sinh nghỉ mà thôi, còn giáo viên thì chưa được nghỉ.
Bởi, Tết Nhâm Dần tới đây, Chính phủ đồng ý với phương án đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là người lao động sẽ bắt đầu nghỉ từ ngày 31/01/2022 đến hết ngày 04/02/2022.
Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức nói chung, giáo viên ở các nhà trường nói riêng sẽ được nghỉ 05 ngày liên tục từ ngày 31/01/2022 (tức ngày 29 tháng Chạp) đến hết ngày 04/02/2022 (tức ngày mùng 4 Tết).

Tuy nhiên, do chuỗi nghỉ 5 ngày liên tiếp liền kề với ngày nghỉ cuối tuần nên người lao động làm việc theo chế độ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật sẽ có kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày liên tục từ ngày 29/01/2022 (tức ngày 27 tháng Chạp) đến hết ngày 06/02/2022 (tức ngày mùng 6 Tết).

Điều này đồng nghĩa, nếu giáo viên được Ban giám hiệu nhà trường phân công trực trong khoảng thời gian từ ngày 31/01/2022 (tức ngày 29 tháng Chạp) đến hết ngày 04/02/2022 (tức ngày mùng 4 Tết) thì mới gọi là trực Tết và được hưởng chế độ làm thêm giờ.

Còn trước và sau những ngày nghỉ Tết thì nhà trường phân công giáo viên vào trường trực hoặc tham gia các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ là những công việc bình thường, đúng thẩm quyền phân công của hiệu trưởng và giáo viên không thể đòi hỏi thêm quyền lợi gì - điều này được thể hiện rõ trong Điều lệ trường học.

Mỗi ngày trực Tết có trên dưới 1 triệu đồng, giáo viên có muốn trực cũng không được

Theo hướng dẫn của Luật Lao động hiện hành, nếu người lao động tham gia làm việc vào những ngày nghỉ, ngày lễ sẽ được hưởng chế độ làm thêm giờ, cụ thể như sau: “Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.

Như vậy, nếu giáo viên tham gia trực Tết thì ngoài chế độ ngày lương, phụ cấp đang hưởng thì ngày trực Tết sẽ được hưởng thêm tiền làm thêm giờ.

Cụ thể, người lao động làm thêm giờ trong ngày Tết Nhâm Dần sắp tới, tính cả tiền lương của ngày hôm đó thì người lao động làm việc ban ngày sẽ được hưởng 400% tiền lương của ngày làm việc bình thường.

Chẳng hạn, lương của giáo viên đang 9 triệu đồng/ tháng thì ngày trực sẽ được cộng thêm 900 ngàn đồng nữa.

Nhiều giáo viên có thâm niên cao, đang hưởng trên chục triệu đồng/ tháng thì ngày trực Tết sẽ có hơn 1 triệu đồng tiền làm thêm, cộng với lương, phụ cấp của mình thì ngày cũng gần 2 triệu đồng.

Vì thế, ngay cả Tết dương lịch thì Ban giám hiệu họ cũng chia ra để trực và ngày trực của họ lên đến hơn 1 triệu đồng. Ngày Tết, bắt buộc nhà trường phải phân công mỗi ngày có 1 người trực lãnh đạo, 1 người trực hành chính.

Trong 5 ngày nghỉ thì Ban giám hiệu nhà trường (thường là 3 người) thường phải có người trực lãnh đạo luân phiên thì mỗi người cũng chỉ trực 1 đến 1,5 ngày và luôn kèm theo 1 nhân viên nhà trường nên giáo viên muốn trực cũng không có cửa để tham gia.

Hơn nữa, cứ gần đến Tết thì các Sở, Phòng Giáo dục các địa phương đều có hướng dẫn cụ thể về việc trực Tết của các nhà trường.

Trong đó, có địa phương còn nhấn mạnh đến đối tượng tham gia trực Tết và thông thường là Ban giám hiệu, Đoàn, Đội, nhân viên nhà trường, đội ngũ cốt cán, ít khi đề cập đến giáo viên không đảm nhận chức vụ.

Vì thế, giáo viên nếu hiểu đúng tinh thần trực Tết thì sẽ không còn băn khoăn tại sao mình cũng tham gia trực trong dịp Tết Nguyên đán nhưng lại không được chi trả tiền làm thêm giờ mà lãnh đạo nhà trường và nhân viên trực lại được kê tiền làm thêm giờ.

Bởi lẽ, phải trực trong 5 ngày nghỉ Tết theo quy định thì mới được hưởng tiền làm thêm giờ còn trước và sau 5 ngày này thì giáo viên không được hưởng thêm bất kỳ quyền lợi gì ngoài số tiền lương và phụ cấp hàng tháng như bình thường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguồn Giaoduc

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục