BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng đến kiến trúc xanh trong đô thị 

Cập nhật ngày: 20/08/2024 - 08:10

BTNO - Ngày 19.8, Hội Kiến trúc sư (KTS) Tây Ninh tổ chức kỷ niệm 24 năm thành lập và Hội thảo chuyên đề “Công nghệ nhà thông minh hiện đại và kiến trúc xanh trong đô thị”.

Hội Kiến trúc sư nhận hoa chúc mừng của Hội Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh.

Tại hội thảo, Hội KTS Tây Ninh trao quyết định kết nạp hội viên mới cho 5 KTS.

Các đại biểu dự hội thảo đã được nghe các tham luận như: Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, xu hướng kiến trúc xanh cho công trình công cộng, nhà ở; nâng cấp cuộc sống với giải pháp Nhà thông minh.

Theo Hội KTS, đến năm 2030, tỉnh có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị mới loại V, trong đó, thành phố Tây Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II và sẽ tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I. Quy hoạch tỉnh cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.

Theo ThS.KTS Lê Duy Phương, hiện nay việc lập hồ sơ bản vẽ quy hoạch và đến khi áp dụng vào thực tế có nơi, có lúc chưa thực chất quan tâm bản sắc văn hóa địa phương, chạy theo bề nổi; chẳng hạn xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí…

Một số đô thị hiện nay thiếu hạ tầng, mất cảnh quan đô thị... gây tác động tiêu cực cho môi trường sống, nhất là khu vực thành phố, do quá tải cơ sở hạ tầng đô thị, an ninh xã hội không bảo đảm, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm..

Các kiến trúc sư nhận quyết định kết nạp hội viên mới.

Ông Lê Duy Phương kiến nghị tỉnh lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được phê duyệt trước năm 2025 và các quy hoạch chung đô thị được phê duyệt mới.

Ngoài ra, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách, quy định quy phạm pháp luật về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; nghiên cứu và triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh. Chọn 1 đô thị trong tỉnh thí điểm để xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, tạo lập văn hóa “sống xanh” trong mỗi người dân.

Trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã nêu rõ quan điểm xây dựng “Tây Ninh xanh”, trong đó yếu tố xanh vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển của tỉnh.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Chủ tịch Hội KTS cho biết, mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Các công ty tham gia trưng bày sản phẩm tại hội thảo.

Bên cạnh đó, mục tiêu của tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại…

Ông Trịnh Ngọc Phương- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tây Ninh phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Trịnh Ngọc Phương, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên; tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao động; khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Nhi Trần