Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhằm góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp an toàn bền vững, bảo vệ môi trường, trong năm vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng sinh thái trên cây lúa (ruộng lúa, bờ hoa) tại thị xã Hoà Thành; 3 mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường, không có rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV tại thị xã Trảng Bàng và hai huyện Tân Biên, Dương Minh Châu.
Hệ thống tưới cho cây mía tại Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long.
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nông dân có thói quen bỏ vỏ chai, bao bì ngay tại ruộng, kênh, rạch… tác động tiêu cực đến môi trường sống, để lại những hệ luỵ như làm ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt.
Nhằm góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp an toàn bền vững, bảo vệ môi trường, trong năm vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng sinh thái trên cây lúa (ruộng lúa, bờ hoa) tại thị xã Hoà Thành; 3 mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường, không có rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV tại thị xã Trảng Bàng và hai huyện Tân Biên, Dương Minh Châu.
Cánh đồng sinh thái trên cây lúa là mô hình ruộng lúa có trồng các loại cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn các loài ong mật, ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, bảo vệ ruộng lúa. Trên cơ sở đó, hạn chế hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy giai đoạn trước 40 ngày sau sạ (tuỳ tình hình thực tế) vì đã có nhiều thiên địch trên đồng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ðào- Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Hoà Thành cho biết, trong vụ Mùa 2020, Trạm đã mời nông dân đến triển khai và chọn thí điểm tại khu vực ruộng lúa có diện tích 2 ha ở khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc.
Trạm cung cấp giống (hoa, rau màu), ươm, nhân giống; hướng dẫn nông dân trồng và cách chăm sóc để bảo đảm khi lúa mọc thì đã có thảm thực vật để tạo nơi cư trú, dẫn dụ thiên địch, khống chế sâu rầy. Hoa được chọn trồng là những loại có mật và phấn hoa, nhiều màu sặc sỡ, có nhiều hoa/lần, ra hoa quanh năm; hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc như: hướng dương, trâm ổi, dừa cạn, sao nhái, cúc, đậu bắp…
Trong quá trình thực hiện, hoa sinh trưởng tốt, nở đẹp, có thảm hoa và các loài thiên địch như ong, chuồn chuồn, bọ rùa, nhện. Ngoài ra, Trạm còn đặt 5 bể thu gom bao bì thuốc BVTV trên địa bàn và vận động nông dân bỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng vào bể.
Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và BVTV còn triển khai mô hình cộng đồng bảo vệ môi trường, không có rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng; ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc lạm dụng, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách và vứt vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi trên đồng ruộng; tăng cường vai trò của cộng đồng trong giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Thế Hùng- Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV Trảng Bàng cho biết, ngoài mô hình trang bị 5 bể chứa bao bì thuốc BVTV, Trạm đã tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; quản lý dịch hại tổng hợp; trồng hoa ven tuyến đường chính hoặc khu vực tập trung mô hình, tạo mỹ quan và hệ sinh thái đồng ruộng.
Theo ông Cao Văn Sen- Tổ trưởng Tổ hợp tác cây ăn trái ấp Trảng Sa, xã Ðôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tổ có 21 thành viên, diện tích sản xuất gần 80 ha, chủ yếu trồng cây sầu riêng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình, ông trồng hoa ven đường giao thông nông thôn, hai bên đường có các vườn cây ăn trái, tạo cảnh quan đẹp, thu hút các loại thiên địch. Trong quá trình sản xuất, ông phổ biến, tuyên truyền với thành viên để nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Tại Nông trường mía Biên Hoà- Thành Long, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng hệ sinh thái ruộng đồng luôn được quan tâm. Theo ông Nguyễn Trọng Hoà- Giám đốc Nông trường, từ năm 2015 đến nay, nông trường vẫn duy trì mô hình đường hoa, ruộng mía.
Trên tuyến đường chính đi vào nông trường, tuyến nội đồng, để tạo cảnh quan, chắn bụi, chắn gió, nông trường đã cho trồng thêm các loại cây như sao, dầu, dừa, keo, bạch đàn… Trên các cánh đồng mía đã thu hoạch, nông trường hạn chế việc đốt lá mía nhằm tạo độ ẩm cho đất, tạo nguồn phân hữu cơ, cũng như không gây ô nhiễm môi trường (ngoại trừ trường hợp ruộng mía bị bệnh nặng thì phải xử lý).
Chăm sóc hoa tại Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long.
“Trong quy trình sản xuất mía, nông trường đã tăng lượng phân hữu cơ vi sinh: trước đây là 1 tấn/ha, nay là 3 tấn/ha và giảm hàm lượng đạm. Khoảng 1 tháng nữa, nông trường sẽ trồng xen cây họ đậu trong các ruộng mía để giảm thiểu việc sử dụng thuốc cỏ và tăng vi khuẩn cố định đạm trong ruộng mía. Ðây là cách bổ sung đạm sạch, đạm thiên nhiên cho đất”- ông Hoà chia sẻ.
Nông trường mía Biên Hoà - Thành Long đang nuôi thử nghiệm con bọ đuôi kìm, đây là một trong những loại thiên địch diệt sâu hiệu quả nhất. Theo kế hoạch, đến tháng 2.2021 sẽ phóng thích trên các ruộng mía từ 3, 4 tháng tuổi trở lên. Bên cạnh đó, nông trường còn thực hiện theo các quy định, tiêu chuẩn về thuốc BVTV, ký hợp đồng với công ty môi trường để xử lý các vỏ chai thuốc BVTV.
Ông Hoà cho biết thêm, việc áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, năng suất mía tại nông trường tăng dần qua từng năm, vụ mía năm trước, năng suất khoảng 62 tấn/ha, năm nay dự kiến năng suất bình quân 78-80 tấn/ha; chữ đường 9,8 CCS, tăng hơn năm rồi từ 0,8-1 CCS.
TRÚC LY
Nhằm giúp người dân có thói quen thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, từ năm 2013-2019, ngành Nông nghiệp đã trang bị 290 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại các khu vực sản xuất rau, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau an toàn tại các huyện, thành phố, thị xã. Trong năm 2020, tiếp tục trang bị hơn 60 bể tại các vùng sản xuất rau, cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, từ năm 2014-2019, ngành cũng đã thu gom và thiêu huỷ 3.679kg vỏ bao bì thuốc BVTV, trong đó, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức đã hỗ trợ thu gom, xử lý được 3.080kg; sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường đã thu gom, xử lý được 599kg.