Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ứng dụng công nghệ cao:
Hướng đi nâng tầm nông nghiệp
Thứ hai: 05:46 ngày 20/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh ưu tiên tập trung ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây ăn trái, với niềm tin rằng: hướng đi mới này sẽ tạo được sự đột phá trong định hướng cơ cấu cây trồng, dần đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà sánh vai với các tỉnh, thành bạn và vươn xa hơn vào thị trường quốc tế.

Nông dân Tân Châu thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: Công Điều

Những năm qua, phần lớn nông sản của tỉnh Tây Ninh chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, chưa có thị trường ổn định và chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá. Đây chính là nguyên nhân làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất sản xuất còn thấp, bình quân chỉ đạt 40 triệu đồng/ha/vụ. Điều đó cho thấy, nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.

Hướng đi tất yếu

Trước những hạn chế đó, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Những năm gần đây, Tây Ninh đã vận động, mời gọi các doanh nghiệp, nông dân liên kết đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm phát huy lợi thế tạo ra sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Trong việc ứng dụng công nghệ cao, nông dân là người trực tiếp sản xuất. Tây Ninh có 70% dân số sống bằng nghề nông, là thuận lợi lớn trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ông Trịnh Hoài Đức - ngụ xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cho biết, nông dân đã bắt đầu nhận thấy việc ứng dụng công nghệ cao có lợi cho nhà nông, làm ra sản phẩm có giá trị cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn cho ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Trong đó, vai trò Nhà nước vô cùng quan trọng.

Bước đầu, tỉnh Tây Ninh sẽ thu hồi 800 ha đất ở một số nông trường quốc doanh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với quỹ đất sạch như trên, tỉnh sẽ có điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước tiến hành ký cam kết đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh, tổng vốn khoảng 15.000 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện xong bước 1 này, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các doanh nghiệp lên khoảng 2.000 ha, gồm Công ty Mía đường Nước Trong, Công ty Cao su 1/5, Công ty Cao su Thanh niên xung phong, Công ty Cao su 30/4, Công ty TNHH một thành viên bò sữa Việt Nam, Công ty mía đường Thành Thành Công.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ phát triển vùng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao với diện tích 600 ha ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu; xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu; xã Trường Đông, huyện Hoà Thành, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, xã Thành Long, huyện Châu Thành và xã Mỏ Công, huyện Tân Biên.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, 3 nhiệm vụ chính của ngành nông nghiệp là đề xuất chỉ tiêu cụ thể, tái cơ cấu ngành tăng giá trị gia tăng các sản phẩm NN, hình thành chuỗi giá trị, chuyển đổi mô hình sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của Tây Ninh, tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đề xuất nội dung, giải pháp các sở ngành, địa phương cùng thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.

Chủ trương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh được quán triệt, triển khai đồng bộ từ cấp trung ương đến tỉnh, huyện và nhất là cấp xã. Bởi lẽ, đây là cấp chính quyền gần dân nhất, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và con người ở khu vực mình quản lý. Cấp xã sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, tham gia vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp bằng những việc làm cụ thể. Đầu tiên phải phân tích cho nông dân nhận thấy sự bất lợi, thua thiệt khi sản xuất manh mún, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, không theo quy trình khoa học, tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: “Thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo quốc tế về nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thí điểm tại Tây Ninh. Tại hội thảo này, có đầy đủ các xã, phường tham gia để nghe chủ trương, chính sách, cách làm nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh xem trọng vai trò của cơ sở trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Hướng về cơ sở, là hướng về xã, phường, và đến từng hộ nông dân. Vai trò của nông dân là yếu tố quan trọng, là chủ thể, trực tiếp sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, cung ứng cho thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu dùng.

Ưu tiên cây ăn trái

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện 5 mô hình trồng dứa (khóm) cho người dân, với tổng diện tích gần 5 ha. Cụ thể là mô hình trồng dứa Queen của ông Nguyễn Văn Sáu, diện tích 1 ha, trên vùng ruộng trũng, phèn tại xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Ông Sáu đã trồng 40 ngàn chồi giống trên diện tích 1 ha đất ruộng phèn. Ước tính, với 1 ha đất dứa này, mỗi năm năng suất khoảng 35 tấn.

Tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, ông Nguyễn Thanh Cường cũng trồng 1 ha dứa  xen canh với cây bưởi, hiện nay, cây dứa phát triển tốt. Còn tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, ông Huỳnh Minh Lý đầu tư trồng 50.000 cây dứa. Với số lượng dứa lớn như thế này, ước tính năng suất sẽ đạt 45 tấn/ha. Tại huyện Tân Biên, ông Võ Duy Khánh, ngụ xã Thạnh Bình cũng đang trồng 50.000 cây dứa, ước tính năng suất cũng tương tự mô hình dứa của ông Huỳnh Minh Lý, là 45 tấn/ha.

Ngoài giống dứa Queen, còn có dứa giống Cayen MD2 của ông Hồ Thanh Tùng, ngụ xã Tân Hội, huyện Tân Châu. Trên diện tích nửa mẫu đất, ông Tùng trồng 15.000 cây dứa, nhiều khả năng cũng sẽ đạt năng suất cao.

Ngoài 5 mô hình trồng dứa trên, tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, có một mô hình trồng dứa với diện tích lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Tây Ninh, đó là của ông Dương Văn Thanh, với diện tích 35 ha. Với giá 6 ngàn đồng/kg, 1 ha sẽ cho lãi 80 triệu đồng. Với 35 ha dứa, mỗi năm ông Thanh lãi gần 3 tỷ đồng.

Trước đây, thị trường tiêu thụ dứa của ông Thanh - cũng như người dân địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Bị ép giá, bán qua khâu trung gian, nên lợi nhuận thấp. Nhận thấy được bất lợi này, ông Dương Văn Thanh đã chủ động tìm đến tận các nhà máy, các công ty chuyên thu mua nông sản để chào bán dứa. “Tôi liên hệ với các nhà máy từ Cà Mau đến Đồng Nai, bán dứa cho họ.  Nay ở Tây Ninh có nhà máy mua giá 6 ngàn đồng/kg, nông dân sẽ có lãi” - ông Thanh nói.

Nhà máy mà ông Thanh đề cập, đó là Công ty TNHH Tanifood - thành viên của Công ty cổ phần Lavifood, đầu tư xây dựng Nhà máy Tanifood, tại huyện Gò Dầu, nhiều dây chuyền sản xuất các sản phẩm trái cây xuất khẩu với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Nhà máy Tanifood có công suất hoạt động 500 tấn nguyên liệu/ngày. Để có nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp này đã tìm đến nông dân trồng dứa để đặt hàng. Như trường hợp của ông Thanh, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Ông Đinh Hùng Dũng- Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lavifood cho biết: “Công ty đã ký hợp đồng mua dứa với ông Thanh, diện tích 35 ha, giá mua có 2 loại, loại dưới 1kg là 4.500 đồng. Loại từ 1kg trở lên là 6 ngàn đồng. Để tính giá thành, công ty căn cứ thị trường nguyên liệu và thị trường đầu ra”.

Tây Ninh có tổng diện tích trồng cây ăn trái trên 16.400 ha, trong đó có các loại cây phổ biến như cam, quýt, chuối, mãng cầu, sầu riêng, xoài, chôm chôm, thanh long và dứa. Đặc biệt, cây dứa được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 5 lần so với sản xuất lúa 2 vụ/năm; cao hơn gấp 4 lần so với cây mì và gấp 15 lần so với cây mía. Ông Nguyễn Duy Ân- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: “Chuyển đổi cơ cấu từ cây có giá trị kinh tế thấp, lên cây có giá trị kinh tế cao (từ 70 lên 120 triệu đồng trở lên), cây dứa là một trong số những loại cây đó”.

Ông Vũ Mai Anh Huy - Giám đốc Laviseed thuộc Công ty cổ phần Lavifood cho biết về chính sách của doanh nghiệp: “Chính sách của Công ty rất rõ ràng, hỗ trợ cho nông dân khi ký hợp đồng sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao, phối hợp với Hội Nông dân tập hợp nông dân lại đăng ký sản xuất, tiêu thụ nông sản”.

Hiện tại Tây Ninh có hơn 5% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với hơn 17 cơ sở trồng rau an toàn được chứng nhận VietGAP, diện tích 69 ha. Riêng rau, dưa lưới, hoa lan trong nhà màng, nhà lưới thì có trên 7 ha được ứng dụng công nghệ cao. Trên 500 ha cây ăn trái, gần 2.000 ha lúa chất lượng cao được chứng nhận VietGAP, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và nhà đầu tư.

Cánh đồng dứa của ông Dương Văn Thanh ở xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Tỉnh đang tập trung triển khai mô hình điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung vào lĩnh vực rau, củ, quả, chẳng hạn như các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gồm xoài, dứa, chanh dây và mãng cầu VietGAP, chứ chưa thực hiện trên các loại cây trồng truyền thống của tỉnh như mía, mì, lúa hay cao su.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh đang xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu trong, ngoài tỉnh và khu vực, thực hiện tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhanh thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn. Tỉnh ưu tiên tập trung ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây ăn trái, với niềm tin rằng: hướng đi mới này sẽ tạo được sự đột phá trong định hướng cơ cấu cây trồng, dần đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà sánh vai với các tỉnh, thành bạn và vươn xa hơn vào thị trường quốc tế”.

NGUYÊN VŨ

Báo Tây Ninh
tra cứu goi cuoc vinaphone chi tiết
Tin cùng chuyên mục