BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng đi nào cho mãng cầu VietGAP ?

Cập nhật ngày: 14/09/2016 - 06:23

Anh Trần Trung Kiên (áo thun) giới thiệu mô hình trồng mãng cầu theo hướng VietGAP.

Mãng cầu ta được xem là cây ăn trái đặc sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh, diện tích trồng mãng cầu trong tỉnh chiếm khoảng 5.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã ven chân núi Bà Đen và các vùng phụ cận. Một số tổ hợp tác sản xuất địa phương đã được cấp chứng nhận VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam).

Tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu vào cuối năm 2015 có 22,7 ha mãng cầu ta của 8 hộ gia đình đã được cấp chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, để trái mãng cầu ta ở xã Suối Đá có thể phát huy thương hiệu theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic, nâng cao giá trị trên thị trường thì cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía Nhà nước.

Tăng năng suất nhưng vẫn hạn chế đầu ra

Khu vườn rộng 1 ha của anh Trần Trung Kiên- Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất na, mãng cầu Suối Đá (ngụ ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) chỉ trồng một loại cây ăn trái duy nhất, đó là mãng cầu ta. Theo lời anh Kiên, trước đây, gia đình anh trồng mãng cầu theo kiểu truyền thống, trái mãng cầu thường bị rệp phấn, bọ vàng tấn công dẫn đến nhiễm giòi, trái không đều, không đẹp, chất lượng và năng suất đều không cao. Từ khi ứng dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn mãng cầu nhà anh cho sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 6 tấn/ha, trái mãng cầu lại to, đẹp, hạn chế được dịch bệnh.

Các hộ tham gia Dự án xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh ở xã Suối Đá đã chọn thiết kế vườn thông thoáng, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, chịu khó bao bọc trái nhằm phòng chống dịch bệnh, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị trái mãng cầu. Theo một số nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, chất lượng trái mãng cầu và lợi nhuận của người sản xuất thu được từ mô hình này tăng cao hơn so với mô hình canh tác truyền thống, kiểm soát được dịch bệnh trên cây.

Ghi nhận từ các hộ nông dân trồng mãng cầu cho thấy, cây mãng cầu trồng theo hướng VietGAP cho chất lượng trái tốt hơn: trái ngọt, cơm trắng, dày, vẻ ngoài cũng đẹp mắt hơn. Mô hình này cũng giúp hạn chế được các loại dịch bệnh trên trái mãng cầu như bọ trĩ, ruồi vàng, năng suất tăng khoảng 20% - 30% so với mô hình sản xuất theo cách truyền thống. Giá thương lái thu mua tại vườn mãng cầu VietGAP thường cao hơn từ 5.000 -6.000 đồng/kg so với giá sản phẩm mãng cầu trồng theo mô hình truyền thống. Thế nhưng ở một số thời điểm (trừ lễ, tết), nông dân vẫn phải chấp nhận bán mãng cầu VietGAP bằng với giá mãng cầu “không VietGAP”, nguyên nhân là do sản phẩm mãng cầu sản xuất theo quy trình VietGAP chưa có nhãn mác hay logo để chứng minh nên thường bị các thương lái ép giá, đánh đồng với các sản phẩm mãng cầu khác.

Theo ông Phan Ngọc Đỉnh- thành viên Tổ hợp tác sản xuất na, mãng cầu Suối Đá chia sẻ: “Mãng cầu giao cho thương lái thường không được báo giá tại vườn mà sau khi đưa đến chợ đầu mối, buôn bán xong rồi thì bà con nông dân mới được biết giá cả sản phẩm của mình, vì vậy thường bị ép giá và nông dân cũng không biết sản phẩm của mình đi về đâu. Nguyện vọng của nông dân hiện nay là được ký kết thu mua sản phẩm mãng cầu VietGAP, được hỗ trợ kỹ thuật, phân bón chất lượng và cách bảo quản trái mãng cầu hiệu quả”.

Toàn huyện Dương Minh Châu có khoảng 1.000 ha mãng cầu ta, trong đó có gần 23 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đang cho năng suất cao hơn rõ rệt, giảm được tình trạng sâu bệnh. Nhưng để xây dựng thương hiệu trái mãng cầu Suối Đá nói riêng, mãng cầu Tây Ninh nói chung vẫn cần phải tìm cho ra một hướng đi đúng đắn.

Còn đó, điều mong ước của nông dân

Mãng cầu ta Tây Ninh được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi những đặc điểm nổi bật như: trái to, cơm dày, thịt dai, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng. Nhờ vậy, nó đã nhanh chóng chiếm lĩnh được ưu thế trên thị trường trái cây trong nước, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Từ khi triển khai thực hiện mô hình VietGAP, năng suất, chất lượng của trái mãng cầu Tây Ninh từng bước được nâng lên và sản phẩm này bắt đầu được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, tuy nhiên một số lượng lớn vẫn phải tiêu thụ tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).

Ông Hồ Thái Sơn– kỹ sư nông học, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Dương Minh Châu cho biết: “Thời gian tới, tại xã Suối Đá sẽ xây dựng vùng chuyên canh cây mãng cầu có thương hiệu và phát triển du lịch sinh thái- khu vực từ ấp Phước Bình đến chân núi Bà Đen. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân với quy mô lớn hơn về kỹ thuật, vật tư, nhà kho chứa trái và phân bón nhằm bảo đảm sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các cấp chính quyền địa phương sẽ xin ý kiến UBND tỉnh về việc mở gian hàng trưng bày sản phẩm mãng cầu an toàn có logo công nhận VietGAP tại khu vực chân núi Bà Đen trong dịp Hội xuân Núi Bà Đen năm 2017 để bà con nông dân có cơ hội quảng bá sản phẩm đến du khách các nơi”.

Được biết, hiện nay một số doanh nghiệp đang tích cực phối hợp với nông dân để tìm hướng đi phù hợp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, trong đó có trái mãng cầu ta như Công ty Nông sản Việt, Công ty cổ phần Công nghệ Phụng Sơn…

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc– Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Phụng Sơn cho biết, từ trước đến nay nông dân vẫn phải chịu thiệt thòi về giá cả, mặc dù Tây Ninh được coi là thủ phủ của trái mãng cầu ta. Làm thế nào để nâng cao giá trị trái mãng cầu thương phẩm? Muốn vậy thì sản phẩm mãng cầu phải được chứng nhận bằng VietGAP, GlobalGAP, Organic. Điều đó buộc nông dân trong quá trình sản xuất phải tuân thủ một số quy trình. Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, công việc của nông dân là sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông dân là không khó nhưng vấn đề là phải làm sao để nông dân đồng hành cùng doanh nghiệp, Nhà nước đồng hành cùng nông dân.

Nhân rộng mô hình trồng mãng cầu ta theo quy trình VietGAP, ngoài việc phát triển vùng chuyên canh theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn hướng sản xuất hàng hoá thì ngành nông nghiệp cũng cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân để cùng tìm hướng đi trong sản xuất và đầu ra cho sản phẩm trái mãng cầu, giảm tình trạng nông dân phải lo đầu ra, còn doanh nghiệp thì lo đầu vào. Cần có những chính sách phù hợp để sản phẩm VietGAP có điều kiện phát triển, đẩy lùi các sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng.

Vũ Nguyệt