BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giới thiệu sách

Hương sắc trong vườn văn 

Cập nhật ngày: 09/08/2019 - 12:05

BTN - Hơn một buổi ngược xuôi, xuôi ngược trên đường sách TP.Hồ Chí Minh, choáng ngợp với những sách và sách trên các gian trưng bày của các nhà xuất bản, nhà sách, các đơn vị phát hành, tôi thấy có quá nhiều quyển sách muốn mua nhưng đắn đo vì túi tiền có hạn.

Cuối cùng, tôi cũng may mắn tìm được một quyển ưng ý ở một địa điểm có tên gọi “Quầy sách mùa thu”. Ðó là quyển Hương sắc trong vườn văn của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Chỉ mới đọc sơ qua những trang đầu, tôi đã xem như mình gặp được một “báu vật”.

"Hương sắc trong vườn văn" là tập tiểu luận hướng dẫn người viết văn rèn luyện tay nghề. Dù sách được xuất bản từ năm 1956 và được Nhà xuất bản Văn học tái bản vào năm 2006, nhưng tất cả những gì chứa đựng trong nội dung vẫn còn nguyên giá trị. Trong 495 trang in trên khổ 14,5x 20,5cm, tác giả chia thành 9 chương và chương nào cũng đắc dụng. Ðó là những gợi ý cho người viết cần phải có những ý niệm ngay từ ban đầu khi thực hiện tác phẩm như các chương có tiêu đề “Óc thẩm mỹ”, “Lời xứng ý, ý hợp với cảnh và tình”, “Cảnh vật trong văn”, “Tình trong văn”, “Lý trong văn”, “Sự thực trong văn”.

Ðặc biệt, tác giả dành nhiều trang để phân tích tiêu đề “Kỹ thuật chân chính”. Mỗi thời mỗi khác, nhưng có một quy tắc bất dịch là phải từng trải nhiều, cảm xúc cho sâu, suy nghĩ cho cao, rồi diễn tất cả những cái đó cho thật đúng, đừng thừa đừng thiếu, một cách tự nhiên và bình dị. Riêng về sự bình dị tác giả giải thích: “Sự bình dị là dấu hiệu ở bên ngoài, nó cho người đọc biết rằng tư tưởng thâm trầm ở bên trong”. Theo Nguyễn Hiến Lê, đó là điều khó đạt được nhất trong khoa học cũng như trong văn chương. Sự sáng sủa của tư tưởng là điều khó biết bao, mà chỉ khi nào tư tưởng sáng sủa thì văn mới có thể bình dị được.

Nói về sự cố tình làm cho câu chữ rườm rà, né tránh “sự bình dị” trong tác phẩm, tác giả nhận định văn chỉ nhạt nhẽo vì nhãn quan hẹp hòi, cảm xúc hời hợt, tư tưởng nông cạn mà tâm hồn thì phàm tục. Cho nên, người viết theo khuynh hướng này cứ phải đẽo gọt, tô chuốt để giấu cái tầm thường của mình.

Ðọc hết 9 chương của Hương sắc trong vườn văn, người đọc coi như đã lĩnh hội được một bộ luyện văn quý báu, nhất là đối với những người theo đuổi nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật. Phần kết của quyển sách còn có nhiều trang ca ngợi, tôn vinh nghề nghiệp cao quý này.

Ðại ý rằng: “Nghệ thuật có mục đích ghi và thực hiện được cái Ðẹp trong vũ trụ, mà trong các nghệ thuật thì văn chương và âm nhạc phổ cập hơn hết, cảm người ta sâu hơn hết. Riêng văn chương lại có công dụng giảng giải, truyền bá các nghệ thuật khác, nên từ khi nhân loại có chữ viết, thì bất kỳ thời nào và ở xứ nào, nó cũng được coi trọng hơn mọi môn và được dạy nhiều nhất trong các trường học”.

VĂN TÀI