Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Hướng tới giải thưởng Xuân Hồng lần I: Hồng Thế- những bức ảnh còn sống mãi
Thứ năm: 03:44 ngày 03/01/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ông tên thật là Nguyễn Thế Ni, sinh năm 1930, mất ngày 7.7.1992, Những bức ảnh ông để lại, hiện đang được lưu giữa tại Bảo tàng tỉnh.

(BTN)- Thật là may mắn cho những ai quan tâm đến lịch sử kháng chiến chống Mỹ của Tây Ninh khi được tận mắt nhìn những bức ảnh còn lại của phóng viên Hồng Thế. Ông tên thật là Nguyễn Thế Ni, sinh năm 1930, mất ngày 7.7.1992, Những bức ảnh ông để lại, hiện đang được lưu giữa tại Bảo tàng tỉnh.

Thời trẻ, ông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, vào chiến trường năm 1964, bổ sung về bộ phận báo chí, tuyên truyền năm 1966. Hồng Thế có cả 10 năm (1966- 1975) gắn bó với người và đất Tây Ninh trong kháng chiến. Xem lại những bức ảnh của gần nửa thế kỷ trước, người xem không khỏi thấy bồi hồi. Những gương mặt trẻ trung tươi rói ấy nay đâu rồi- những chiến sĩ trẻ và những cô du kích? Thật lạ lùng sao là thứ nghệ thuật gắn bó với nhân dân và cách mạng. Vừa phản ánh trung thực đấy, vừa lại bay bổng, lãng mạn và cao cả biết bao!

Vót chông quyết tử giữ Gò Dầu

Phần lớn bộ ảnh của Hồng Thế là ghi nhận hoạt động của các lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đấy là ảnh về Đại đội 33 Gò Dầu chụp năm 1966 với các chiến sĩ đang dàn quân mé bìa rừng, giương súng trên vai chờ giặc đến. Đấy là ảnh của các chiến sĩ C40 huyện Châu Thành chụp tại căn cứ Ninh Điền năm 1969. Người xem vẫn dễ dàng nhận ra anh Sáu Hà (nguyên cán bộ văn phòng UBND tỉnh), dũng sĩ diệt Mỹ sau trận đánh trên đường Thiên Thọ Lộ năm 1969, hay Trang Hoàng Giao (HĐND huyện Bến Cầu) khi còn là một chiến sĩ “măng tơ” trong đội tuyên truyền xung kích huyện cùng đồng đội ở giữa rừng Nhum (Long Phước) năm 1969.

Một số bức ảnh khác hẳn sẽ rất quý giá đối với Đảng bộ huyện Gò Dầu. Đó là những bức về liệt sĩ Trần Quốc Đại- nguyên Bí thư Huyện uỷ những năm chiến tranh hết sức ác liệt. Có bức ghi lại hình ảnh ông dẫn đầu một tốp du kích đi gài trái, hai tay cầm hai trái mìn tự tạo nhồi trong hai vỏ lon sữa hộp. Có bức, lại thấy ông đang vục tay trong hố bom, lần tìm những mảnh đạn bom (để tự chế nên vũ khí chống địch). Ông đã hy sinh anh dũng ngày 6.6.1971. Còn có rất nhiều ảnh về tiểu đoàn 14 anh hùng, hay các bức ghi nhận hoạt động của lực lượng cách mạng và võ trang của các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Bến Cầu và Thị xã. Có cả hình ảnh những chiến sĩ tí hon đã trở thành dũng sĩ của đội du kích, thiếu nhi Cầu Khởi năm 1971 cùng các chiến sĩ diệt Mỹ ở vành đai Trảng Lớn- Châu Thành năm 1967 vv...vv… Trong ảnh, có thể thấy giữa những rừng le, rừng chồi vùng căn cứ đã xơ xác vì pháo bầy, vì bom B52, mà gương mặt ai cũng phơi phới niềm vui và niềm tin chiến thắng. Những căn cứ ngày xưa với nhiều tên gọi thân quen, gợi ký ức một thời chưa xa lắm: Ninh Điền, Dương Minh Châu, Rừng Nhum, Đồng Rùm, Bời Lời, Bà Nhã…

Cùng với hình ảnh các lực lượng vũ trang là hình ảnh hoạt động của các cơ quan lãnh đạo và đoàn thể cách mạng. Như Đại hội Chiến sĩ thi đua, dũng sĩ Tây Ninh 1968, Đại hội đại biểu quân dân bầu cử UBND cách mạng tỉnh Tây Ninh năm 1969, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh khoá II năm 1970. Qua ảnh, người ta thấy những không gian hội trường thấp và hẹp, lợp lá hay căng vải dù giữa những cánh rừng biên giới. Vậy mà vẫn có đủ khẩu hiệu, cờ,  ảnh Bác Hồ, còn có cả hoa rừng và hoa giấy trang trí thêm. Rồi còn những bức ảnh chụp tại Đại hội Mừng công chiến sĩ thi đua và dũng sĩ Tây Ninh năm 1971 tại Đồng Rùm, cho thấy cách mạng đã mạnh lên nhiều lắm! Có cả hoạt động giao lưu giữa đại biểu và văn công tỉnh. Ta lại thấy qua ảnh, huân huy chương trên ngực áo đại biểu sáng lấp lánh giữa rừng le. Những tác phẩm ảnh của Hồng Thế chụp tại Đại hội cứ tràn đầy niềm tin yêu chiến thắng.

Còn một loạt ảnh nữa của Hồng Thế cho ta một góc khác của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước- một thế trận giữa lòng dân. Đấy là cảnh dân công hoả tuyến đi gom nhặt đạn bom lép ngoài vành đai Trảng Lớn. Là cảnh bên một cái chuồng trâu, du kích và nhân dân già có, trẻ có cùng nhau vót chông trong phong trào “Quyết tử giữ Gò Dầu”. Có những bức hết sức nghệ thuật như ảnh hầm chông nhà ông Chín Lót ở Bàu Đồn năm 1968. Ống kính xoay ngược lên trời cận cảnh và cùng hướng những mũi chông, để thấy một phên tre thưa do một người đang xếp đặt vẫn còn lọt vào những mảnh trời loang loáng. Có những bức- chỉ phong cảnh thôi chụp tại khu rừng phụ cận núi Bà Đen năm 1970 cũng khiến người xem xúc động khi nhìn thấy sự huỷ diệt của bom đạn Mỹ.

Mùa xuân năm 1975, theo chân những những đoàn quân giải phóng, Hồng Thế đã kịp ghi những bức ảnh vô giá. Ảnh các chiến sĩ đội biệt động C2/45 từ rừng Giồng Cà, tiến áp sát Thị xã ngày 29.4. Cũng theo chân đơn vị này, ông tiến vào Thị xã cùng phân đội đi đầu để chụp cảnh Cuộc Cảnh sát quốc gia Thái Hiệp Thạnh lúc 10 giờ sáng ngày 30.4, khi quân nguỵ quần áo rằn ri còn lố nhố bên trong. Rồi cảnh Toà Hành chính tỉnh trưa ngày 30.4, chính quyền nguỵ xếp hàng chờ quân giải phóng vào tiếp quản và cả những cảnh nhân dân Thanh Điền kéo cờ đỏ sao vàng đi ngợp đường TL5 vào Thị xã, hay cảnh nhân dân Thị xã đi chật đường Gia Long cũ, dưới bóng cờ sao đón chào đoàn quân chiến thắng, trong đó đoàn nào cũng có các em bé chỉ chín, mười tuổi đi đầu, nụ cười rực sáng. Trước đó một năm, Hồng Thế từng có những bức ảnh khi quân dân Bến Cầu vừa đánh chiếm chi khu Tiên Thuận (Bến Cầu), lá cờ giải phóng vừa kéo lên trên mặt đất, bốn bề bao cát, loằng ngoằng thép gai. Tại đây, ông nhờ người bấm máy cho mình một khuôn hình, trong ấy ông mặc bộ bà ba sẫm, đầu đội nón vải màu sáng, mắt dõi về xa, trên đầu lồng lộng lá cờ bay.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Thế quả thật xứng đáng được tôn vinh tại lễ trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh lần I- sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới.

NGUYỄN QUANG VĂN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục