Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Lần đầu kể từ năm 2003, thể thao Việt Nam mới giành được vị trí thứ hai toàn đoàn trên bảng xếp hạng thành tích huy chương tại SEA Games 30. Thành tích này là đáng mừng, nhưng cũng đã đến lúc chúng ta hướng tới những đấu trường lớn hơn của châu lục và nhất là Ô-lim-pích 2020 tổ chức tại Tô-ki-ô vào tháng 7-2020.
VĐV Đỗ Thị Ánh Nguyệt đoạt Huy chương vàng bắn cung tại SEA Games 30.
Thành tích chưa tương xứng
Sau ngày đất nước thống nhất, Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam được thành lập năm 1976, sau đó thể thao nước ta đã tham dự Ô-lim-pích 1980 và gần như liên tục có vận động viên (VÐV) thi đấu ở các kỳ Thế vận hội. Tuy vậy, cũng phải đợi đến Ô-lim-pích 2000, các VÐV Việt Nam mới giành được tấm huy chương đầu tiên là Huy chương bạc của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở môn Tê-cuôn-đô, nội dung 75 kg.
Tám năm sau, tại Ô-lim-pích 2008 ở Bắc Kinh, VÐV Hoàng Anh Tuấn giành được Huy chương bạc ở nội dung cử tạ, hạng 56 kg của nam. Tám năm sau nữa, Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử khi mang về cho thể thao Việt Nam một Huy chương vàng ở nội dung 10 m súng ngắn hơi của nam, một Huy chương bạc ở nội dung 50 m súng ngắn của nam tại Ô-lim-pích 2016 ở Bra-xin.
Việc Việt Nam chỉ giành được vỏn vẹn bốn huy chương qua chín lần tham dự Ô-lim-pích rõ ràng là một thành tích rất khiêm tốn nếu nhìn vào thành tích của một số nước trong khu vực như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po... Càng khiêm tốn hơn khi chúng ta không có huy chương nào ở những nội dung mũi nhọn như điền kinh và thể thao dưới nước. Và nếu tính số VÐV có mặt tại mỗi kỳ Ô-lim-pích thì thật khó để thể thao Việt Nam có thể hy vọng nhiều hơn tại Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020.
Tính đến nay, chúng ta mới có bốn VÐV giành suất đến Nhật Bản là Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Ðỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung); Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Trong khi tại Ô-lim-pích 2016, đoàn thể thao nước ta có đến 23 VÐV giành được suất dự thi ở 10 môn thể thao, bao gồm: điền kinh (hai VÐV), bơi (hai VÐV), cử tạ (bốn VÐV), đấu kiếm (bốn VÐV), thể dục (hai VÐV), bắn súng (hai VÐV), vật (hai VÐV), giu-đô (một VÐV), cầu lông (hai VÐV) và chèo thuyền (hai VÐV).
Gian nan giành suất
Sau SEA Games 30 vừa qua, một điều không thể phủ nhận là Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ở các môn thi đấu Ô-lim-pích. Nếu tính 33 môn thể thao Ô-lim-pích với 231 nội dung được tổ chức tại Phi-li-pin (tính theo các nội dung sẽ thi đấu ở Ô-lim-pích Tô-ki-ô 2020), Việt Nam có 56 Huy chương vàng (nhiều hơn Phi-li-pin và Thái-lan tới 12 Huy chương), 42 Huy chương bạc và 46 Huy chương đồng (trong thành tích chung là 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc và 105 Huy chương đồng). Nổi bật trong số này là bơi và điền kinh khi các VÐV Việt Nam đoạt 25 Huy chương vàng, sau đó là các môn võ và chèo thuyền.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn, để giành được suất dự Ô-lim-pích 2020 đòi hỏi VÐV của chúng ta phải đạt trình độ dẫn đầu khu vực hay châu lục mới có hy vọng, trong khi chúng ta chưa có nhiều nhà vô địch châu lục ở các môn dự thi Ô-lim-pích. Ðiều này giải thích tại sao việc giành vé dự Ô-lim-pích 2020 là thách thức rất lớn cho thể thao Việt Nam dù chúng ta dẫn đầu SEA Games 30 ở các môn thi đấu Ô-lim-pích.
Thực tế thì các VÐV Việt Nam cũng không còn nhiều thời gian để giành được ít nhất 20 vé tham dự Ô-lim-pích 2020 khi toàn bộ những giải đấu sẽ kết thúc vào cuối tháng 6-2020. Vẫn biết thời gian thi đấu của nhiều môn rải rác qua các tháng, điều này không có nghĩa chúng ta không lo lắng cho việc liệu có thể giành thêm được 16 vé nữa trong sáu tháng còn lại.
Nên nói thêm, từ đầu năm 2019, thể thao Việt Nam có 66 VÐV trọng điểm ở 18 môn thể thao và nếu trừ đi sáu VÐV ở môn u-su và pen-cát si-lát, chúng ta chỉ còn 60 VÐV ở 16 môn để chuẩn bị cho Ô-lim-pích 2020. Trong số này, mới có bốn VÐV ở các môn bắn cung, bơi và thể dục dụng cụ giành vé đến Tô-ki-ô như đã nêu trên.
Nguồn Nhandan