Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây dược liệu. Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu chủ yếu mang tính tự phát, theo hình thức cá thể, sản xuất bằng kinh nghiệm... dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, chưa theo kịp nhu cầu thị trường.
Công nhân đóng gói sản phẩm được chế biến từ cây đinh lăng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm, với các loại cây như hoàn ngọc, đinh lăng, sả… sản lượng bình quân đạt trên 1.000 tấn các loại/năm.
Tuy nhiên, hiện nay người dân trồng, chăm sóc và thu hái chủ yếu theo kinh nghiệm; chưa áp dụng các tiến bộ về cải tiến giống, phương pháp chế biến dẫn đến chất lượng của dược liệu không đạt như mong muốn.
Ông Trần Hoài Việt- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP nông nghiệp Thiên Ðường (xã Phước Ðông, huyện Gò Dầu) cho biết, để cây dược liệu trở thành cây làm giàu, bên cạnh việc ứng dụng bộ giống mới, cần đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, liên kết bao tiêu sản phẩm thông qua các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh mở rộng trồng cây dược liệu với diện tích 551 ha, bao gồm cây tràm diện tích 300 ha, hoàn ngọc 50 ha, kim tiền thảo 20 ha, trinh nữ hoàng cung 20 ha, nghệ 20 ha, lược vàng 20 ha, gấc 20 ha, nhân trần 20 ha…
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT triển khai phát triển các mô hình trồng cây dược liệu chính có ưu thế trên địa bàn tỉnh như: đinh lăng, nhàu, xuyên tâm liên, nghệ vàng dưới tán rừng; xây dựng các vườn nhân giống cây dược liệu, phát triển hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Thực hiện mục tiêu phát triển cây dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT xác định những nhóm cây dược liệu có tiềm năng để tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng trồng, sơ chế, bảo quản dược liệu cho người dân có nhu cầu chuyển đổi sản xuất.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 cơ sở chế biến cây dược liệu. Diện tích trồng cây dược liệu có tham gia liên kết với doanh nghiệp là 57,94 ha, gồm: đinh lăng, hoàn ngọc, linh chi, lược vàng, chùm ngây, tràm gió. Sở NN&PTNT sẽ phát triển thêm 5 cơ sở chế biến dược liệu, nâng tổng số cơ sở chế biến dược liệu trong tỉnh lên 12 cơ sở.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu, tạo đầu ra cho sản phẩm, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ðồng thời, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của con người về bảo tồn, khai thác và phát triển sản xuất cây dược liệu quý hiếm theo hướng bền vững, ổn định.
Nhi Trần