Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hướng tới sản xuất mía “xanh”
Chủ nhật: 23:50 ngày 08/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mới đây, Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hoà tổng kết niên vụ sản xuất mía 2022-2023. Từ những kết quả đạt được của Công ty cho thấy, đây là một năm sản xuất thuận lợi của ngành mía Tây Ninh.

Cơ giới hoá trong chăm sóc mía. Ảnh: Hằng Hà

Thêm một năm tăng trưởng

Theo báo cáo của Công ty CP Thành Thành Công Biên Hoà, sản lượng mía niên vụ 2022-2023 tăng 9% so với vụ trước, tương ứng hơn 69.000 tấn, tăng 38% so với vụ 2020-2021. Tại Tây Ninh, diện tích mía vẫn tăng hằng năm, từ 12.800 ha niên vụ 2020-2021, lên hơn 14.000 ha niên vụ 2022-2023; tổng sản lượng mía ép đạt 858.489 tấn.

Ước tính, năng suất mía vụ thu hoạch 2022-2023 giảm nhẹ so với vụ 2020-2021, nhưng vẫn cao hơn mấy vụ trước đây. Theo đánh giá, đây là một tín hiệu đáng mừng. Những năm qua, năng suất mía bình quân 49,81 tấn/ha (vụ 2019-2020) đến vụ vừa qua đạt 61 tấn/ha.

Dự kiến trong vụ thu hoạch tới, năng suất bình quân đạt 68 tấn/ha. Con số này thay đổi theo từng vùng canh tác. Tại Tây Ninh, năng suất bình quân đạt 71 tấn/ha. Các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Tân Biên và Tân Châu là những vùng nguyên liệu có năng suất cao. Điều này cho thấy, trình độ canh tác của bà con nông dân Tây Ninh khá tốt.

Chữ đường đạt trung bình 9,54 CCS. Chất lượng chữ đường tuỳ theo thời điểm thu hoạch, tuổi mía, tác động của mía cháy, vùng đất canh tác... Niên vụ vừa qua, việc kiểm soát mía cháy, công thu hoạch, tạp chất tương đối tốt.

Tây Ninh là vùng cạnh tranh cây trồng khá gay gắt, đặc biệt với cây mì. Tuy nhiên, với cây mía, người nông dân được sự hỗ trợ đầu tư kịp thời từ nhà máy nên an tâm sản xuất lâu dài. Việc nâng cao chất lượng cây giống, đưa cơ giới hoá vào sản xuất cũng góp phần làm thay đổi cả về chất và lượng của cây mía. Theo thống kê, ước tính lợi nhuận bình quân của người trồng mía Tây Ninh vụ vừa qua đạt 23 triệu đồng/ha.

Anh Đỗ Văn Sanh, ngụ ấp Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành cho biết, trong 2 vụ liên tiếp anh tăng diện tích sản xuất mía. Vụ vừa qua, anh có 8,2 ha và với đà phục hồi như hiện nay, anh đang hướng tới phát triển 15 ha. Năng suất mía bình quân anh Sanh canh tác là 91 tấn/ha, chữ đường bình quân 10,5, lợi nhuận khoảng 41 triệu đồng/ha.

 Anh Sanh chia sẻ: “Hiện nay, việc liên kết sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho người trồng mía để cùng nhau phát triển. Với lợi nhuận của cây mía mang lại, một số bà con từng quay lưng nay trở lại trồng mía”.

Một trong những chính sách hiện nay của nhà máy chính là khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Theo đánh giá, năng suất mía tăng khoảng 10 tấn/ha khi sử dụng loại phân này. Anh Nguyễn Văn Út, ngụ xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành là một nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm làm mía chia sẻ, để trồng mía đạt hiệu quả cần chú ý đến khâu cải tạo đất trồng và giải pháp tốt hiện nay là dùng phân hữu cơ vi sinh kết hợp biện pháp sinh học trong điều trị sâu bệnh, thu hoạch đúng thời điểm.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi- Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công, từ năm 2018, công ty đã cung cấp sản phẩm phân bón Mixa cho cây mía và được nông dân ưa chuộng. Phân bón hữu cơ vi sinh này đặc biệt phù hợp với những vùng đất khô hạn, giúp giữ ẩm, chống thất thoát phân bón, nâng độ pH giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Theo ông Lợi, hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng phân bón hữu cơ tăng dần. Nếu như năm 2018, lượng người sử dụng chỉ khoảng 10%, đến mùa vụ vừa rồi tổng diện tích sử dụng khoảng 45%. Dự kiến trong niên vụ này sẽ tăng lên khoảng 60% diện tích mía.

Hướng đến sản xuất mía xanh, bền vững

Tại hội nghị tổng kết niên vụ 2022-2023, ông Nguyễn Thanh Ngữ- Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công Biên Hoà cho biết, niên vụ 2022-2023, tổng nguồn cung đường sản xuất từ mía của tập đoàn chiếm khoảng 35%-40% tổng sản lượng cả nước.

Trong đó, nguyên liệu tập trung nhiều tại Tây Ninh và miền Trung, Gia Lai. Tuy nhiên, cũng theo ông Ngữ, tổng sản lượng đường sản xuất thấp hơn khá nhiều lượng tiêu thụ. Sự thiếu hụt đó góp phần tạo triển vọng phát triển cho ngành mía đường trong năm nay và những năm tiếp theo.

Theo ông Ngữ, khoảng 3 năm nay, cây mía phát triển trở lại và trong những năm tới, với định hướng phát triển đó, Thành Thành Công Biên Hoà sẽ thiết kế những chính sách đầu tư, phát triển mạnh diện tích tại các vùng nguyên liệu tập trung.

Công ty tiếp tục phát triển các chương trình hợp tác với bà con nông dân thông qua hợp đồng đầu tư, các chính sách tài trợ về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, đầu tư chuyên sâu cho bà con; tăng cường các giải pháp canh tác về cơ giới, dinh dưỡng, nông học để bà con an tâm gắn bó với cây mía lâu dài, ổn định.

Trong định hướng phát triển chung, Công ty hướng tới phát triển xanh, bền vững, mục tiêu đến năm 2023 sẽ đạt chuẩn Net-Zero về khí thải CO2. Do vậy, ngay từ bây giờ trong các chính sách thiết kế đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, công ty ưu tiên dịch chuyển dần sang canh tác hữu cơ, sử dụng tỷ trọng dinh dưỡng hữu cơ nhiều hơn, giảm thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích bà con không sử dụng chất cấm, độc hại cho môi trường trong quá trình canh tác; sử dụng hình thức tưới tiết kiệm nước, bón phân đúng liều lượng, giữ lại độ ẩm, phát huy giống kháng cỏ, kháng sâu bệnh, công ty cam kết không sử dụng giống biến đổi gen.

Tăng vùng nguyên liệu nên để bảo đảm công suất, tổng công ty sẽ mở lại một nhà máy đường đang tạm thời đóng cửa, kéo dài thời gian ép trong năm, tăng quy mô tổng công suất ép trong giai đoạn chính vụ. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng khác từ cây mía.

 Với mong muốn tạo cơ hội cho bà con canh tác đa dạng và hiệu quả hơn, công ty cũng sẽ đưa vào chương trình, kỹ thuật canh tác mới, kỹ thuật khoa học công nghệ đặc biệt là những ứng dụng như phun dinh dưỡng thuốc bằng drone, công nghệ này hiện đã áp dụng ở Lào và Campuchia, tại Tây Ninh, vụ này sẽ đưa vào sử dụng; canh tác GPS…

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ sự ủng hộ công ty trong vấn đề áp dụng khoa học kỹ thuật. Theo ông Xuân, hiện nay, người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm không chỉ sạch mà còn xanh. Công ty cần tối ưu hoá, tăng năng suất, tăng lợi nhuận và giúp giảm giá thành, bảo đảm được sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Vấn đề này, nhà máy phải đồng hành, hỗ trợ người nông dân thực hiện.

Sở NN&PTNT cũng có những chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, giống (khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP). Bên cạnh đó, theo ông Xuân, cần có cơ chế, chính sách chia sẻ rủi ro, nâng cao sự tin tưởng trong việc sản xuất và thu hoạch mía giữa người trồng và nhà máy. Ông mong muốn với những định hướng phát triển phù hợp thời gian tới, nông dân Tây Ninh ngày càng phát triển, có sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp với nông dân các nước.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục