Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hướng tới xây dựng Toà án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Thứ bảy: 08:32 ngày 21/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngành Toà án đã và đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động cải cách tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy toàn diện việc chuyển đổi số và xây dựng Toà án điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch

Xét xử trực tuyến bước đột phá trong cải cách tư pháp

 Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, TAND hai cấp đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Toà án, từng bước mang lại những kết quả tích cực như: xây dựng trang web điện tử TAND tỉnh, hướng dẫn người dân thủ tục khởi kiện, nộp đơn và tra cứu kết quả giải quyết đơn trực tuyến, đăng ký cấp sao trích lục bản án trực tuyến, lịch tiếp công dân, lịch xét xử…

Các ứng dụng mang tính thực tiễn cao, tạo được hiệu ứng tích cực từ cán bộ, thẩm phán của Toà án và từ phía người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ công tác xét xử, tạo môi trường làm việc hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm tối đa kinh phí, thời gian trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn.

Công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Toà án thông qua việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến, phần mềm Trợ lý ảo.

TAND hai cấp thực hiện nghiêm túc việc đăng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật lên Cổng thông tin điện tử TAND. Hoạt động này giúp nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng bản án, quyết định của Toà án; góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của toà án; tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của toà án. Năm 2023, đã đăng công khai 2.552/2.552 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (cấp tỉnh 411 bản án, quyết định; cấp huyện 2.141 bản án, quyết định), đạt 100%. Các thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và những thông tin khác liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình có trong bản án, quyết định của Toà án mà việc công bố sẽ vi phạm nguyên tắc hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16.3.2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao được mã hoá.

Khi truy cập vào Cổng thông tin điện tử TAND, người dân không chỉ nắm bắt được các hoạt động của Toà án, còn tiếp cận trực tiếp với nội dung của các bản án, quyết định có hiệu lực. Bà Trần Thị Hoa, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh cho biết: “Thông qua việc đọc các bản án được công bố trên Cổng thông tin điện tử TAND tỉnh, quy định của pháp luật được áp dụng trong giải quyết từng vụ án cụ thể trở nên dễ hiểu hơn. Mọi người có thể tương tác, thực hiện quyền công dân của mình qua việc giám sát, đóng góp ý kiến phản hồi trực tiếp trên trang đối với mỗi bản án”.

Không chỉ minh bạch hoạt động xét xử của toà án, việc công khai bản án, còn là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp người dân dễ dàng tiếp cận những bản án, quyết định của tòa án, từ đó có nhận thức sâu sắc về hành vi trái với quy định của pháp luật, chủ động phòng tránh. Việc công khai bản án của ngành Toà án là yêu cầu quan trọng nhằm tạo bước chuyển quan trọng trong hoạt động cải cách hành chính tư pháp.

Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 19.11.2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao, trong năm, TAND hai cấp xét xử được 56 phiên toà trực tuyến (cấp tỉnh 19 phiên toà, cấp huyện 37 phiên toà). Các phiên toà trực tuyến được diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng; thiết bị hiển thị hình ảnh và hệ thống âm thanh bảo đảm; thiết bị ghi hình rõ nét hình ảnh; tín hiệu truyền, nhận từ điểm cầu trung tâm đến điểm cầu thành phần thông suốt, bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ những câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử.

Phó Chánh án TAND tỉnh Đỗ Văn Thinh cho biết thêm, xét xử trực tuyến được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Toà án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án; đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng cũng như các chi phí xã hội khác của người dân.

Tại TAND huyện Gò Dầu, hiện nay chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị và phòng riêng phục vụ cho công tác xét xử trực tuyến, phần lớn thiết bị mượn hoặc thuê. Để khắc phục những khó khăn trên, TAND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xét xử trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức phiên toà trực tuyến. Trong quá trình xét xử không có trường hợp nào gặp trở ngại, khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác xét xử của Toà án. Năm 2023, đơn vị đã tổ chức được 10 phiên toà xét xử trực tuyến đối với 10 vụ án hình sự về ma tuý, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cướp tài sản và trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 33, hình thức xét xử trực tuyến mới được áp dụng cho việc tổ chức phiên toà xét xử các vụ án mà chưa được áp dụng cho các phiên họp để giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án. Do đó, cần mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức phiên toà xét xử vụ các án mà kể cả các phiên họp giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án. Bên cạnh đó, theo quy định, các phiên toà được ghi âm, ghi hình và lưu trữ để làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm; tuy nhiên việc ghi âm, ghi hình vẫn chưa đạt yêu cầu.

Trình độ, kiến thức, am hiểu về công nghệ thông tin để vận hành các trang thiết bị trực tuyến tại Toà án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan còn nhiều hạn chế. Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các Toà án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, TAND hai cấp phải thuê dịch vụ của công ty truyền thông để thực hiện, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí. Sắp tới, TAND tỉnh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến theo Quyết định số 50/QĐ-TANDTC của TAND tối cao ngày 14.3.2022.

Hiện tất cả thẩm phán của ngành Toà án thực hiện tốt về đặt câu hỏi và câu trả lời tương tác trên phần mềm Trợ lý ảo (đạt 100%). Phần mềm Trợ lý ảo bao gồm chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ; hướng dẫn xử lý tình huống pháp lý cụ thể; giới thiệu những bản án, quyết định của Toà án tương tự để tham khảo; hỗ trợ thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng; đưa ra đoán định tư pháp. Việc sử dụng phần mềm Trợ lý ảo mang lại cho các thẩm phán nhiều thuận tiện hơn trong quá trình nghiên cứu pháp luật, giải quyết hồ sơ vụ án.

“Trong mỗi điểm, khoản, điều luật nếu có văn bản liên quan sẽ được chú thích, chỉ dẫn ngay để giúp thẩm phán hiểu đúng vấn đề, áp dụng đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thẩm phán có thể đặt các câu hỏi, đưa ra các thắc mắc trong quá trình giải quyết vụ án và được trả lời, giải đáp cụ thể. Trợ lý ảo giúp tìm kiếm án lệ nhanh chóng, thuận lợi theo nội dung tìm” - Phó Chánh án TAND tỉnh Đỗ Văn Thinh chia sẻ.

Thiên Di - Phương Thảo

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục