BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng về cội nguồn, biết ơn Tổ tiên, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc

Cập nhật ngày: 21/03/2012 - 05:17

 

Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc
Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng

PV: Xin đồng chí cho biết, tại Lễ hội Đền Hùng 2012, Hát Xoan - Di sản văn hóa của nhân loại sẽ tiếp tục được quảng bá và tôn vinh như thế nào? Trong rất nhiều các hoạt động văn hóa tại Lễ hội, làm sao có thể giúp du khách trong và ngoài nước tiếp xúc và hiểu đầy đủ, rõ nét nhất về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương?

Đồng chí Nguyễn Xuân Các: Năm 2011, "Hát Xoan ở Phú Thọ" đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là vinh dự của tỉnh Phú Thọ nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung, bởi Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian có từ thời các Vua Hùng dựng nước. Trong Lễ hội Đền Hùng năm nay, Hát Xoan tiếp tục được tuyên truyền đậm nét dưới nhiều hình thức: tuyên truyền trực quan bằng pa nô, băng zôn nhằm quảng bá hình ảnh Hát Xoan, tổ chức các điểm Hát Xoan phục vụ đồng bào về dự lễ hội, tổ chức triển lãm một số hình ảnh về Hát Xoan ở Phú Thọ và liên hoan tiếng hát làng Xoan của các phường Xoan trong tỉnh…

Về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm 2010, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tỉnh Phú Thọ đã tích cực phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan xây dựng bộ Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và đã nộp cho Tổ chức UNESCO tại Paris (ngày 31/3/2011).

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ các Vua Hùng, nhớ ơn công lao tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đây cũng là dịp có thể giúp du khách trong và ngoài nước tiếp xúc và hiểu đầy đủ nhất, rõ nét về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vì vậy, trong rất nhiều các hoạt động văn hóa tại Lễ hội, Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm đến hoạt động rước kiệu của các làng, xã vì đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nhất thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn dân tộc, biết ơn Tổ tiên để phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng của người Việt Nam.

Lễ rước kiệu được tổ chức trong Lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân ngày 6/3 Âm lịch; rước kiệu dâng lễ vật lên Đền Thượng trong ngày giỗ Tổ 10/3 và đặc biệt là Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường về Đền Hùng ngày 8/3 Nhâm Thìn (tức ngày 29/3/2012).

PV: Đồng chí có thể cho biết, công tác trùng tu, tôn tạo Khu di tích Lịch sử Đền Hùng đang được triển khai như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Xuân Các: Trong những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, rừng quốc gia, cảnh quan thiên nhiên tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng luôn được Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm. Hiện nay, quần thể trong Khu di tích gồm Ðền Thượng, Ðền Trung, Ðền Hạ, Ðền Giếng, Ðền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, Ðền thờ Lạc Long Quân đã tạo nên một không gian tâm linh trang nghiêm, bề thế để đón đồng bào và du khách về thăm viếng.

Một số hạng mục công trình kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật đang được tiếp tục triển khai và hoàn thiện phục vụ nhân dân về dự lễ hội như: Cải tạo cảnh quan tuyến đường từ Quốc lộ 2 và Đền Hùng; đường dạo xung quanh đền Quốc Tổ Lạc Long Quân; sửa chữa các hạng mục công trình trong di tích để phục vụ nhân dân về dự Lễ hội…

Các hạng mục công trình mới được triển khai thi công theo quy hoạch phát triển Khu di tích đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: hệ thống cấp nước cải tạo cảnh quan và phòng, chống cháy rừng; hệ thống hồ dưới chân núi Hình Nhân và đồi Lật Mật (hồ Cây Khế), Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã chỉ đạo các nhà thầu tạm dừng thi công từ ngày 1/3 Âm lịch và thu gọn hiện trường đảm bảo không ảnh hưởng tới mỹ quan chung trong khu vực di tích. Có thể khẳng định, công tác trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang được triển khai không làm ảnh hưởng tới mỹ quan chung cũng như không ảnh hưởng tới việc đón đồng bào về dự giỗ Tổ năm 2012.

PV: Những năm qua, việc bảo vệ, quản lý Rừng quốc gia Đền Hùng được thực hiện như thế nào? Công tác tu bổ, tôn tạo Khu di tích Đền Hùng có làm ảnh hưởng tới Rừng đặc dụng trong Khu di tích không, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Xuân Các: Những năm qua, công tác bảo vệ, quản lý Rừng quốc gia Đền Hùng luôn được quan tâm, chú trọng, Rừng Quốc gia Đền Hùng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các xã, huyện liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng và bảo vệ di tích. Hàng năm, đã hợp đồng giao khoán trông coi bảo vệ rừng cho các hộ dân nhằm phối hợp bảo vệ và kịp thời phát hiện các nguy cơ xâm hại rừng, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm địa bàn tuần tra canh gác các khu vực rừng trọng yếu, bảo vệ và ngăn ngừa kịp thời, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nội quy bảo vệ di tích và Rừng Quốc gia Đền Hùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt phương án phòng cháy chữa cháy rừng, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy trong mùa hanh khô và trước thời gian tổ chức Lễ hội. Từ trước những năm 2000 đến nay không để xảy ra hiện tượng cháy rừng và xâm hại rừng, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng được nâng cao, do đó, Rừng quốc gia Đền Hùng luôn được chăm sóc, bảo tồn, trồng mới, hệ thực vật ngày một phong phú, đa dạng …

Trong quá trình thi công tu bổ, tôn tạo và mở rộng đền Thượng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các Bộ, ngành và UBND tỉnh Phú Thọ là không được làm ảnh hưởng tới khách hành hương tham quan đền Hùng, không làm ảnh hưởng đến môi trường, vệ sinh khu di tích, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các cơ quan chức năng cùng nhà thầu đã tiến hành khảo sát các tuyến đường để làm đường chở vật liệu. Từ đó, đã tận dụng tuyến đường mòn phía sau núi, vốn là do nước chảy từ đỉnh núi xuống, nên khi làm đường vận chuyển vật liệu không phải chặt hạ cây và không làm ảnh hưởng đến Rừng quốc gia Đền Hùng.

Chúng tôi là những người được vinh dự thực hiện nhiệm vụ trông nom lăng miếu Tổ tiên, đón đồng bào cả nước về tri ân các Vua Hùng, những ngày lễ hội đang đến gần, đồng bào về thăm viếng Đền Hùng ngày càng đông, chúng tôi tin tưởng rằng, những cảm nhận của đồng bào và du khách về sự trang nghiêm của các đền, chùa, lăng tẩm dưới màu xanh của Rừng quốc gia Đền Hùng sẽ là những ý kiến phản hồi ý nghĩa nhất.

PV: Để quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy hơn nữa tác dụng của Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và Rừng Quốc gia Đền Hùng, theo đồng chí, thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ và công tác nào?

Đồng chí Nguyễn Xuân Các: Những năm vừa qua, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng của Di tích và Rừng Quốc gia Đền Hùng. Để phát huy hơn nữa những nhiệm vụ đó, trong thời gian tới, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục tập trung vào một số công tác sau:

Thứ nhất, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, tu bổ tôn tạo và phát huy tác dụng của Di tích và rừng Quốc gia Đền Hùng.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đền Hùng và thời đại Hùng Vương trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác giáo dục truyền thống giúp cho mỗi người Việt Nam hiểu sâu sắc và thêm tự hào về truyền thống dựng nước giữ nước của ông cha, về bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" đề nghị Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến với bạn bè quốc tế.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Di tích và Rừng quốc gia; chăm sóc, bổ sung hệ sinh thái Rừng quốc gia Đền Hùng; thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp công đức của cá nhân và tập thể tu bổ, tôn tạo di tích, để Đền Hùng - Di tích quốc gia đặc biệt ngày càng lớn mạnh phát triển, trở thành trung tâm văn hoá - trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo cpv.org.vn