BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hữu Thoại, Nhà điêu khắc thích vẽ tranh ký hoạ

Cập nhật ngày: 23/10/2011 - 12:13

Tham gia trại sáng tác tại Đà Lạt do Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc tổ chức vừa qua, đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh Tây Ninh có 12 hội viên tham dự, trong đó chuyên ngành Mỹ thuật có 2 người. Tôi đặc biệt chú ý đến người đàn ông trung niên có mái tóc dài nghệ sĩ, cao khoảng 1,8m, cái miệng rộng khá… duyên, nói chuyện huyên thuyên và tự nhận mình là: “…Trớt quớt nhất cũng là… Nguyễn Hữu Thoại!”.

Nguyễn Hữu Thoại tuổi cũng đã gần chạm “hoa giáp”, sinh tại Đắk Lắk nhưng quê gốc lại ở Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, chuyên ngành điêu khắc, năm 1987, Nguyễn Hữu Thoại về đầu quân cho công ty Mỹ thuật- Mỹ nghệ tỉnh Tây Ninh và gắn bó với mảnh đất Tây Ninh cho mãi đến bây giờ. Nguyễn Hữu Thoại cũng từng có thời gian dạy Mỹ thuật cho học sinh tiểu học trong tỉnh, song cái máu văn nghệ đã khiến anh chia tay với ngành mô phạm để chọn cho mình sự tự do của người nghệ sĩ, quen với những mảng hình khối và màu sắc.

Nguyễn Hữu Thoại và các bức ký hoạ chân dung

Có dịp nhìn ngắm tranh, tượng của Nguyễn Hữu Thoại, ta mới thấy hết cái tâm tình mà Thoại muốn gửi gắm. Không mang nét mơ màng, dịu dàng của thơ qua từng nét khắc, tạc, vẽ, mà anh muốn gửi gắm những suy nghĩ, trăn trở của một nghệ sĩ tha hương, tìm kiếm vẽ đẹp đích thực của nghệ thuật mỹ thuật, cho dù Nguyễn Hữu Thoại đã có những tranh tượng từng đạt giải cấp tỉnh và của khu vực miền Đông Nam bộ. Dường như anh vẫn đang tâm huyết, trăn trở và tìm kiếm cho mình một “bút pháp sáng tạo mới”- như lời anh tâm sự.

Gần 15 bức ký hoạ tranh và chân dung ở trại sáng tác đợt này (tháng 10.2011), Nguyễn Hữu Thoại đã sử dụng màu sáp và bút sắt với chất liệu mực đen truyền thống, trong đó có 12 bức chân dung văn nghệ sĩ Tây Ninh cùng tham dự trại và một “bậc thầy” của ngành điêu khắc Việt Nam (nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng), đã làm nên một nét riêng đặc sắc của Nguyễn Hữu Thoại. Chính hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp của Đà Lạt cũng đã bày tỏ sự khâm phục và đồng cảm cùng Nguyễn Hữu Thoại khi xem các bức ký hoạ mà Hữu Thoại vẽ.

Những ngày ở trại, Nguyễn Hữu Thoại dường như muốn “cởi mở” cả tâm tình mà anh ấp ủ. Thoại cho là mình “bắt đầu tìm đúng hướng đi cho nghệ thuật sáng tạo”… Với tôi, qua các bức ký hoạ chân dung, Nguyễn Hữu Thoại đã bắt được “hồn vía” của nhân vật và mạch vẽ của sự sáng tạo. Hy vọng với lứa tuổi đã “chín mùi” trong nghệ thuật, nhà điêu khắc Nguyễn Hữu Thoại sẽ vượt qua trở ngại về sức khoẻ để cống hiến thật nhiều sự sáng tạo cho nền Mỹ thuật ở tỉnh nhà trong thời gian tới.

TRẦN HOÀNG VY

 


 
Liên kết hữu ích